Để nâng cao năng suất, chất lượng cây lúa Dak Lak: Cần khâu đột phá về giống mới
Nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất ngày càng cao của ngành nông nghiệp tỉnh nhà, những năm qua, việc đưa các giống lúa năng suất, chất lượng cao về khảo nghiệm và nhân rộng đã có nhiều chuyển biến tích cực, đem lại hiệu quả bước đầu khả quan. Tuy nhiên, việc áp dụng đại trà, làm thay đổi hoàn toàn tập quán canh tác truyền thống, lạc hậu của bà con nông dân thì vẫn là chuyện dài lâu…
Huyện Ea Súp được mùa lúa mới giống Nhị ưu 838. |
Để nâng cao lợi nhuận cho người trồng lúa, tăng thêm giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đất canh tác, những năm gần đây, Trung tâm giống cây trồng vật nuôi (Sở NN-PTNT) đã kết hợp với các đơn vị trong và ngoài tỉnh đưa về nhiều giống lúa mới như Nhị ưu 838, 903, TH3- 3, Sin6… thay thế dần giống lúa thường, truyền thống như Q5, Khang dân, Tạp giao... (tuy sản lượng khá nhưng chất lượng gạo chưa ngon, giá trị thấp, chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng nội tỉnh). Các giống lúa mới đều được chọn lọc kỹ càng, trải qua sự kiểm định của các cơ quan chức năng trước khi đưa vào trồng khảo nghiệm trong tỉnh, nếu cho kết quả khả quan sẽ tiếp tục nhân rộng đến từng địa bàn. Các giống lúa mới đều mang đặc tính phù hợp để gieo trồng cả 2 vụ trong năm, chống chịu tốt với thời tiết và sâu bệnh, chất lượng gạo cao, hạt trắng, ngon cơm, sản lượng bình quân đạt từ 7 đến 9 tấn/ha, nếu chăm sóc tốt có thể lên tới 10- 12 tấn/ha.
Nhiều địa phương trong tỉnh đã và đang tích cực đưa các giống lúa mới (kể cả giống lúa lai và lúa thuần) năng suất, chất lượng cao về cho nông dân sản xuất. Một trong những địa phương đi đầu phong trào này là huyện Krông Pak, đến nay, toàn bộ diện tích trên 8.000 ha lúa hằng năm đều là lúa cao sản (85 % diện tích lúa thuần và 15% là lúa lai). Ông Trương Văn Cao, Trưởng trạm khuyến nông huyện Krông Pak cho biết, bên cạnh các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật (KHKT) về sản xuất nông nghiệp, hằng năm, địa phương cũng rất chú trọng tổ chức hội thảo giới thiệu các giống lúa mới tới tất cả 16 xã, thị trấn của huyện, để người dân có cơ hội từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mua giống mới phù hợp. Việc sử dụng các giống lúa chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn không chỉ giúp nông dân chủ động ứng phó với thời tiết bất thường, mà còn bảo đảm năng suất ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao (bình quân cao hơn các giống lúa thường, truyền thống trước đây từ 1,5- 3 tấn/ha). Nếu gieo trồng 1 ha lúa giống cũ, chỉ thu được gần 20 triệu đồng, thì với giống lúa mới, 1 ha (trừ chi phí) vẫn thu được 40-45 triệu đồng. Cùng với xu hướng đổi mới đó, vựa lúa trên 10.000 ha của huyện Krông Ana, những năm gần đây cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Từ năm 2009 đến nay, huyện đã đưa về trên 10 loại giống lúa cao sản, giới thiệu và nhân rộng trên 60% tổng diện tích lúa của vùng. Đây là một trong những vùng trọng điểm lúa nước của tỉnh, với những điểm mạnh là đất đai màu mỡ, nằm trong vùng thấp nên khí hậu ôn hòa hơn nhiều địa phương khác; bà con có truyền thống sản xuất lúa nước và áp dụng nhanh những tiến bộ KHKT trong sản xuất nông nghiệp, nên việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng được hưởng ứng tích cực. Ngoài ra, tại nhiều địa phương khác như huyện Ea Súp, Cư M’gar, M’Drak…, ngành nông nghiệp cũng quan tâm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn và đưa các giống lúa mới, năng suất, chất lượng cao đến với bà con, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp cho từng địa phương.
Ông Nguyễn Văn Sinh, Phó giám đốc sở NN-PTNT tỉnh cho biết: diện tích lúa nước toàn tỉnh hiện có 70.000 ha, trong đó, trên 50% là lúa cao sản (18% lúa lai, và gần 40% lúa thuần). Năng suất, chất lượng lúa ngày một tăng cao và khá bền vững, bảo đảm an ninh lương thực tỉnh nhà. Không dừng lại ở đó, ngành nông nghiệp còn phấn đấu đến năm 2015, toàn tỉnh sẽ nhân rộng từ 75- 85% diện tích lúa cao sản. Riêng trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục chuyển giao, mở rộng diện tích giống lúa chất lượng cao để tạo chỗ đứng vững chắc cho loại giống này trên đồng ruộng.
Nông dân huyện Buôn Đôn gieo cấy giống lúa lai TH3-3 vụ hè thu 2011. |
Theo thống kê của Sở NN-PTNT, từ năm 2007 đến nay, ngành nông nghiệp đã đưa về trên 30 loại giống lúa mới cao sản khác nhau, thông qua khảo nghiệm để phát triển trên toàn địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, để giới thiệu các giống lúa mới tại các địa phương đã khó (phải phù hợp với điều kiện sinh thái từng vùng), nhưng để bà con nhân rộng diện tích, gieo trồng đại trà cả 2 vụ trong năm lại càng khó hơn. Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã không ngừng nỗ lực giúp người dân tiếp cận KHKT, áp dụng tiến bộ mới vào sản xuất nông nghiệp, song, để thay đổi tập quán canh tác truyền thống của bà con lại càng khó hơn, nhất là các địa phương có số lượng người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đông. Không ít bà con trong tỉnh hiện vẫn còn gieo trồng các giống lúa thường, nguyên nhân chính là họ không muốn mua giống mới, dẫu biết năng suất cao hơn, nhưng chi phí cho việc đầu tư khá tốn kém. Giá lúa giống mới trên thị trường hiện giao động từ 40 đến trên 100.000 đồng/kg, theo tính toán, mỗi ha gieo sạ người dân phải chi phí trên 10 triệu đồng, nên việc sử dụng giống cũ sau thu hoạch vụ trước vẫn được bà con vận dụng nhiều. Việc này khiến năng suất lúa ngày càng giảm, các mầm sâu bệnh và cỏ hại lúa dễ phát sinh, chi phí chăm sóc rất tốn kém. Vì vậy, cần phải sớm tính toán, đầu tư sử dụng giống lúa mới. Bởi vì việc đầu tư giống mới cho mỗi vụ sẽ đem lại năng suất, chất lượng lúa ổn định, lúa thương phẩm bán ra được đánh giá cao hơn so với những giống thường trước đây (ngay cả những giống lúa thuần cao sản cũng chỉ nên để giống lại cho 1 đến 2 vụ sau).
Ông Nguyễn Văn Sinh còn cho biết thêm, để nông dân sản xuất có lợi nhuận cao, ổn định cần có sự phối hợp giữa lãnh đạo chính quyền, các sở, ngành liên quan trong việc tạo ra sự gắn kết 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp, trong đó, các địa phương cần có cơ chế hỗ trợ về giống cũng như tăng cường tuyên truyền thay đổi nhận thức của nông dân để đưa giống lúa chất lượng cao vào đồng ruộng.
Ý kiến bạn đọc