Multimedia Đọc Báo in

Khi lãi suất huy động USD giảm: Gửi tiết kiệm bằng VNĐ sẽ lợi hơn

08:34, 07/06/2011

Từ đầu năm 2011 đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành hàng loạt chính sách điều hành liên quan đến USD. Theo dự báo của các chuyên gia tài chính, ngân hàng, các động thái này sẽ góp phần đáng kể vào việc tăng giá trị của đồng Việt Nam (VNĐ), chống đô la hóa nền kinh tế.

Liên quan đến lãi suất huy động USD, từ đầu năm 2011 đến nay, NHNN đã 2 lần điều chỉnh giảm. Lần thứ nhất, vào ngày 9-4-2011, NHNN đã ban hành Thông tư 09 quy định lãi suất huy động USD tối đa của tổ chức là 1,0%/năm và cá nhân là 3,0%/năm. Và, mới đây, ngày 1-6-2011, NHNN tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động USD bằng việc ban hành Thông tư 14 quy định mức lãi suất huy động vốn tối đa bằng USD của các tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng (TCTD). Theo đó, lãi suất huy động vốn tối đa bằng USD đối với tổ chức chỉ còn 0,5%/năm và cá nhân là 2,0%/năm. Cũng như các quy định trước đây, mức lãi suất trên bao gồm cả khoản chi khuyến mại dưới mọi hình thức và áp dụng đối với phương thức trả lãi cuối kỳ. Như vậy, chỉ trong khoảng thời gian ngắn, lãi suất huy động USD đã có sự điều chỉnh giảm đáng kể. Trước khi có các quy định trên, lãi suất huy động USD đối với cá nhân có thời điểm lên đến 6%/năm. Cùng với việc giảm lãi suất huy động, ngày 1-6-2011, NHNN tiếp tục tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với ngoại tệ thông qua việc ban hành Quyết định số 1209 về việc điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ đối với các TCTD. Đây là lần tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc thứ 2 kể từ đầu năm 2011 đến nay. Theo đó, tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng bằng ngoại tệ áp dụng tại các ngân hàng thương mại nhà nước (không bao gồm Ngân hàng NN&PTNT), ngân hàng TMCP, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 7% trên tổng số dư tiền gửi phải dự trữ bắt buộc; Ngân hàng NN&PTNT, Quỹ Tín dụng nhân dân Trung ương, ngân hàng hợp tác là 6% trên tổng số dư tiền gửi phải dự trữ bắt buộc. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi từ 12 tháng trở lên bằng ngoại tệ áp dụng tại các ngân hàng thương mại nhà nước (không bao gồm NN&PTNT), ngân hàng TMCP, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính  là 5% trên tổng số dư tiền gửi phải dự trữ bắt buộc; Ngân hàng NN&PTNT, Quỹ Tín dụng nhân dân Trung ương, ngân hàng hợp tác là 4% trên tổng số dư tiền gửi phải dự trữ bắt buộc.

Dự báo người dân sẽ bán USD chuyển sang gửi tiết kiệm bằng VNĐ (ảnh minh họa).
Dự báo người dân sẽ bán USD chuyển sang gửi tiết kiệm bằng VNĐ (ảnh minh họa).
Cũng liên quan đến USD, cuối tháng 5-2011, NHNN đã ban hành Thông tư 13 quy định việc mua, bán ngoại tệ của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước. Theo văn bản này, các nguồn ngoại tệ mà doanh nghiệp phải bán cho ngân hàng gồm: tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn của doanh nghiệp gửi tại TCTD được phép hoạt động ngoại hối theo quy định của pháp luật tại thời điểm ngày 1-7-2011; ngoại tệ thu được từ nguồn thu ngoại tệ hợp pháp (trừ các nguồn thu từ giao dịch vốn) của doanh nghiệp phát sinh từ ngày 1-7-2011.

Lãi suất huy động VNĐ hiện nay khoảng 14%/năm, trong khi đó lãi suất huy động USD tối đa chỉ còn 2%/năm (đối với cá nhân) và 0,5%/năm (đối với doanh nghiệp), tính ra mức chênh lệch thấp nhất là 12%. Như vậy, việc khách hàng nắm giữ VNĐ sẽ có lợi hơn rất nhiều. Giám đốc một TCTD lấy ví dụ, một doanh nghiệp có 1 triệu USD đem gửi tiết kiệm hoặc để trên tài khoản ngân hàng chỉ hưởng lãi suất cao nhất là 0,5%/năm, tương đương mỗi năm được 5.000USD. Nếu bán số USD trên sẽ được 20,628 tỷ đồng (tỷ giá bình quân liên ngân hàng ngày 6-6-2011), mang số tiền này gửi tiết kiệm với lãi suất 14%/năm thì sau 1 năm sẽ thu được gần 2,9 tỷ đồng tiền lãi (tương đương 140.000 USD quy đổi theo tỷ giá trên). Lãi suất huy động giảm mạnh, dự trữ bắt buộc tăng cũng sẽ làm tăng lãi suất cho vay USD của các ngân hàng. Từ đó, khoảng cách giữa lãi suất cho vay VNĐ và lãi suất cho vay USD được kéo sát nhau hơn, doanh nghiệp sẽ không mặn mà với tín dụng ngoại tệ như trước, đồng thời sẽ hạn chế được tình trạng ngân hàng ồ ạt cho vay vốn bằng USD. Và, một khi tín dụng ngoại tệ giảm và được kiểm soát chặt hơn thì áp lực lên tỷ giá từ đó cũng sẽ giảm. Điều này sẽ góp phần đáng kể trong việc chuyển dần quan hệ vay - mượn sang mua bán USD, khai thác tốt nguồn USD trong dân và thực hiện chủ trương chống đô la hóa trong nền kinh tế”.

 

Trần Sáu

Ý kiến bạn đọc