Công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn: Không phát huy được hiệu quả - Vì sao?
Tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước để xây dựng hàng chục công trình cấp nước sạch cho người dân nông thôn Dak Lak theo Chương trình mục tiêu quốc gia. Thế nhưng trên thực tế, nhiều công trình làm xong không vận hành được, phải chịu cảnh phơi mưa, phơi nắng, sau đó hư hỏng dần rồi vứt bỏ… Vì sao?
Trạm cấp nước Ea Rôk - huyện Ea Súp đã trở thành hoang phế từ gần 3 năm nay. |
Trên địa bàn Dak Lak hiện có 72 công trình cấp nước tập trung. Trong đó Trung tâm nước sinh hoạt và môi trường nông thôn (NSH-MTNT) quản lý vận hành 12 công trình, còn lại thuộc các địa phương quản lý. Điều đáng nói là trong số công trình cấp nước thuộc các địa phương quản lý, vận hành hiện có gần ½ công trình không hoạt động được, hoặc hoạt động không thường xuyên do hỏng hóc về mặt kỹ thuật. Tại huyện M’Drak, hai công trình cấp nước Buôn Trang, Ea M’lai đã trở thành hoang phế từ nhiều năm nay. Hỏi người dân ở đây thì được biết: công trình được xây dựng từ năm 2006 và đưa vào sử dụng được vài tháng thì ngưng từ đó đến nay. Ở những huyện khác như Ea Súp, Krông Bông, Krông Năng, Krông Pak, Buôn Đôn, Cư M’gar… cũng có trên 10 công trình cấp nước đang trong tình trạng “trùm mền” để chờ nâng cấp sửa chữa. Ông Lưu Mạnh Hà, ở xã Ea Rôk - huyện Ea Súp phản ánh: Trạm cấp nước ở đây làm xong, giao cho xã quản lý. Nước dùng tháng nào, bà con trả tiền đầy đủ tháng ấy. Không hiểu vì sao được gần một năm thì công trình gặp sự cố, nhưng chẳng thấy ai đến sửa chữa. Dân kêu thì mấy ông xã bảo không có kinh phí. Vậy chúng tôi đóng tiền để làm gì, chẳng lẽ không trích một phần để duy tu, bảo dưỡng? Còn ở Ea Tul (Cư M’gar), Ea Hồ (Krông Năng) cũng xảy ra tình cảnh tương tự, những công trình cấp nước làm xong, sau một thời gian thì hỏng, người dân lại quay về dùng nước sông, suối như xưa.
Theo khảo sát, đánh giá của Trung tâm NSH-MTNT (Sở NN-PTNT): đến nay có tất cả 16/60 công trình cấp nước tập trung ở địa bàn nông thôn được đầu tư xây dựng theo Chương trình mục tiêu quốc gia chính thức bị “xóa sổ”. Qua tính toán của ông Phạm Phú Bổn - Giám đốc Trung tâm NSH-MTNT cho thấy: bình quân số tiền đầu tư xây dựng một trạm cấp nước khoảng 5-7 tỷ đồng. Với 16 trạm đã bị “xóa sổ” nói trên, thì có hơn 100 tỷ đồng bị tiêu tốn một cách vô ích; và lẽ ra hơn 1.000 hộ dân ở đây được thụ hưởng từ chương trình nước sạch quốc gia, thì nay phải chịu cảnh gùi nước sông, nước suối về dùng như xưa.
Ông Phạm Phú Bổn cho rằng nguyên nhân các công trình mau bị hỏng là, do khâu vận hành kém hiệu quả. Hầu hết những người do địa phương cử ra quản lý, vận hành các trạm cấp nước đều không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Họ rất lơ mơ, thậm chí không có một chút chuyên môn nào nên các trạm cấp nước ở nhiều địa phương lần lượt đóng cửa là điều tất yếu xảy ra. Mặt khác, cơ chế phân cấp, điều hành cũng hết sức nhiêu khê. Để sửa chữa, khắc phục một khâu nào đó trong quá trình cấp nước, người quản lý ở đó không có quyền và không đủ năng lực tự quyết. Họ phải làm đủ loại giấy tờ để xin cấp có thẩm quyền giải quyết nên rất mất thời gian, công sức mà không hiệu quả.
Nước sạch được trung tâm NSH-MTNT kết nối đưa về cho người dân Ea Drông - thị xã Buôn Hồ sử dụng hàng ngày nhờ công tác quản lý, vận hành tốt. |
Nhiều ý kiến cho rằng: việc quản lý, vận hành các trạm cấp nước tập trung trên địa bàn Dak Lak nên giao cho Trung tâm NSH-MTNT làm chủ, nhằm khắc phục những vướng mắc, khó khăn như đã nêu. Bởi thực tế cho thấy, nơi nào được trung tâm đầu tư, xây dựng và quản lý trạm cấp nước thì nơi đó hoạt động, vận hành rất tốt. Người dân được dùng nước với chất lượng bảo đảm và thường xuyên 24/24 giờ. Cụ thể ở trạm cấp nước Ea Drông (thị xã Buôn Hồ), Ea M’Ró (Cư M’gar), Krông Kma, Hòa Phong, Cư Pui (Krông Bông)… đều là vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhưng việc cấp nước ở đây từ nhiều năm qua đạt chất lượng tốt là do Trung tâm NSH-MTNT trực tiếp quản lý. Anh Nguyên Minh, nhân viên trạm cấp nước Krông Kma cho biết: khi sự cố xảy ra (chất lượng nước hoặc kỹ thuật vận hành), tôi tìm hiểu nguyên nhân điện thoại báo về cho trung tâm thì mọi chuyện được giải quyết nhanh gọn.
Ý kiến bạn đọc