Đảng bộ xã Krông Buk (huyện Krông Pak) Thực hiện các giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững
Cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng bộ cấp trên và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ V, nhiệm kỳ 2010 - 2015, Đảng bộ xã Krông Buk (huyện Krông Pak) đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp bền vững, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, giai đoạn 2011 - 2015.
Nằm về hướng Đông của huyện Krông Pak, xã Krông Buk hiện có 2.775 hộ, với 13.855 nhân khẩu, sinh sống ở 22 thôn, buôn; trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 56%. Kinh tế của người dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, với 3.033 ha đất canh tác. Trong những năm qua, Đảng bộ xã Krông Buk đã tập trung lãnh đạo nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, theo hướng nâng cao năng suất chất lượng và hiệu quả nhằm tăng thu nhập cho nhân dân. Tính riêng năm 2010, bình quân thu nhập đầu người đạt hơn 16 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, theo Đảng ủy xã Krông Buk, những thành tựu đạt được của địa phương trong thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng. Một số lớn diện tích đất nông nghiệp chưa được khai thác để nâng cao hệ số sử dụng; chưa hình thành các vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi; việc chuyển giao, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và trình độ thâm canh giữa các thôn, buôn không đồng đều; nhiều mô hình kinh tế đã được chuyển đổi, nhưng chưa được tổng kết rút kinh nghiệm và nhân rộng. Toàn xã vẫn còn 26% hộ nghèo so với tiêu chí mới.
Cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng bộ cấp trên và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ lần thứ V, 2010 – 2015, về các mục tiêu phát triển nông nghiệp, tháng 6-2010, Đảng bộ xã Krông Buk ra nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp bền vững, giai đoạn 2011 – 2015. Theo đó, đến năm 2015, toàn xã nâng diện tích gieo trồng lên 5.000 ha, với hệ số sử dụng đất 1,9 lần. Các cây trồng chủ lực được xác định là cà phê, đậu đỗ, bắp lai, lúa nước, rau xanh và một số cây trồng khác như chuối lùn, bơ; kết hợp chăn nuôi heo, bò và tận dụng diện tích mặt nước ao, hồ để nuôi cá. Mục tiêu là nâng cao giá trị sản xuất trên mỗi ha đất canh tác, tăng thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3-5%/năm.
Mô hình trồng chuối xen bơ của anh Mai Kim Thái. |
Bắt tay vào thực hiện nghị quyết, Đảng ủy xã Krông Buk đã chỉ đạo xây dựng 2 mô hình trình diễn về trồng chuối xen bơ tại 2 hộ ở thôn Bình Minh và buôn Krai A.
Anh Mai Kim Thái, ở thôn Bình Minh là hộ đầu tiên được chọn làm mô hình trồng chuối xen bơ. Với diện tích đất vườn trên 7.000 m2, anh trồng 70 cây bơ sáp. Trong thời gian chờ cây bơ cho trái, từ hai năm nay, anh chọn chuối lùn để trồng 500 cây xen trong vườn bơ. Theo anh Thái, chuối lùn là cây trồng phổ biến, dễ trồng, ít đòi hỏi về kỹ thuật cũng như công chăm sóc. Trồng chuối con trên 1 mét, sau 8 tháng chuối sẽ cho quả. Bình quân một năm mỗi bụi chuối cho 3 buồng và mỗi buồng từ 20-25 kg, mỗi năm anh Mai Kim Thái thu lãi hơn 30 triệu đồng từ cây trồng này. Ngoài thu nhập từ trái, anh Mai Kim Thái dùng cây chuối làm thức ăn cho bò nên không tốn đất để trồng cỏ hoặc đỡ công đi cắt cỏ. Còn đối với 70 cây bơ sáp khi đến thời kỳ kinh doanh ổn định, từ năm thứ 5 trở đi, bình quân mỗi cây cho từ 70-120 kg quả một năm, với giá bán 5.000 đồng/kg như hiện nay, mỗi năm, gia đình anh Thái thu trên 33 triệu đồng từ cây bơ.
Cây chuối, cây bơ được xác định là 2 cây truyền thống rất phù hợp với điều kiện đất đai khí hậu của địa phương và ít bị rủi ro do yếu tố thời tiết, đồng thời kỹ thuật thâm canh không khó, phù hợp với đa số người dân trong xã, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số và đầu ra của cây trồng này ổn định. Từ thực tế của mô hình trồng chuối xen bơ của gia đình anh Mai Kim Thái đã giúp bà con trong các thôn, buôn thay đổi nhận thức và trở thành phong trào cải tạo vườn tạp ở 5 buôn, phấn đấu đến năm 2015 có 80% số hộ tham gia.
Theo Đảng ủy xã Krông Buk, việc tổ chức thực hiện nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp bền vững, giai đoạn 2011 – 2015, là yêu cầu bức thiết của địa phương. Điều quan trọng là để nghị quyết đi vào cuộc sống, trước hết cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân trong phát triển sản xuất, chăn nuôi, bằng những mô hình cụ thể.
Ý kiến bạn đọc