Multimedia Đọc Báo in

Doanh nghiệp tìm cách giảm thiểu tác động của lạm phát

09:18, 06/07/2011
Tại hội thảo “Tác động của các chính sách kinh tế và ứng phó của doanh nghiệp” vừa tổ chức tại TP.HCM, các chuyên gia kinh tế  dự báo: hoạt động sản xuất kinh doanh những tháng cuối năm sẽ gặp không ít khó khăn thách thức, đòi hỏi doanh nghiệp cần phải xây dựng kế hoạch ứng phó và hành động để chủ động để vượt qua.

Các chuyên gia cho rằng, mặc dù đã có những tác động tích cực của các nhóm giải pháp chính sách nhằm kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô nhưng việc thắt chặt tiền tệ đã gây ra nhiều khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phụ thuộc phần lớn vào nguồn vốn vay. Việc điều chỉnh tỷ giá cũng có tác động bất lợi đến doanh nghiệp mà ảnh hưởng rõ nhất là việc tăng chi phí đối với các doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn ngoại tệ nhập khẩu vật tư, nhiên liệu...
 
a
Doanh nghiệp thực hiện nhiều biện pháp tiết kiệm điện để giảm chi phí sản xuất

Thay vì đợi chờ sự thay đổi từ các chính sách của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp đã có những cách thức để giảm thiểu tác động của lạm phát như: tiết kiệm điện, tăng ca đêm, tăng hệ số quay vòng vốn, đàm phán với đối tác về phương thức hợp đồng, đa dạng hóa nguồn tài chính…

Trong lĩnh vực phân phối, các nhà bán lẻ Việt Nam đang phải vật lộn với tình trạng leo thang của giá nhiên liệu, chi phí sản xuất hàng hóa, giá hàng hóa, dịch vụ, giá cước vận chuyển hàng hoá từ trung tâm phân phối đến cửa hàng. Để đạt mục tiêu lớn nhất là giữ sức mua bình ổn, cần phải có sự phối hợp giữa các nhà phân phối - bán lẻ và sản xuất trong các chương trình hợp tác khuyến mãi, cũng như cần có sự chia sẻ khó khăn giữa người sản xuất - nhà bán lẻ - người tiêu dùng.
 
a
Nhà phân phối - bán lẻ và sản xuất hợp tác khuyến mãi giảm giá góp phần giữ sức mua bình ổn

Trong lĩnh vực sản xuất, với tình trạng lạm phát như hiện nay, thay vì đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng, nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang chiến lược tồn tại, không mở rộng sản xuất mà tập trung đảm bảo nguồn vốn, đồng thời giữ nguồn nguyên liệu tồn kho vừa đủ để giảm chi phí. Một số doanh nghiệp đã mạnh dạn chuyển sang phương thức bán hàng từ thụ động sang chủ động, thay vì giao hoàn toàn khâu bán hàng cho các nhà bán buôn thực hiện, giờ chuyển sang bán hàng qua hệ thống nhà phân phối. Đây là một phương thức bán hàng hiện đại, nhà phân phối là đối tác bình đẳng của nhà sản xuất, cùng bỏ tiền ra đầu tư để chia sẻ lợi nhuận với nhà sản xuất, góp phần hạn chế ảnh hưởng của tình trạng thiếu vốn.

Ý kiến tại hội thảo cũng cho rằng: trong giai đoạn hiện nay, doanh nghiệp cần đánh giá tổng thể để phát hiện ra những yếu kém hoặc rủi ro trong quản lý, điều hành để từ đó tái cấu trúc một cách toàn diện. Cùng với đó là việc xây dựng hệ thống đánh giá doanh nghiệp nhằm xây dựng hệ thống thông tin quản lý, đưa ra những quyết định kịp thời chính xác…

H.H ( Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc