Đồng thực hiện nhiều nội dung để sản xuất cà phê bền vững
Đề án phát triển cà phê bền vững đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 được Chủ tịch UBND tỉnh Dak Lak phê duyệt ngày 17-11-2008. Đề án có tổng vốn đầu tư 1.647 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh 84,7 tỷ đồng, ngân sách Trung ương hỗ trợ 134,5 tỷ đồng, vốn của doanh nghiệp và tư nhân 1.142,25 tỷ đồng, vốn ODA và FDI 285,5 tỷ đồng.
Mục tiêu của Đề án là duy trì diện tích ổn định 150.000 ha, sản lượng bình quân đạt 400.000 tấn/niên vụ; 50% diện tích cà phê có trồng cây che bóng; mở lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất kinh doanh cà phê cho khoảng 8.000 nông dân/năm; triển khai áp dụng TCVN 4294:2005 cho 60% sản lượng cà phê xuất khẩu trở lên; 100% diện tích cà phê trong vùng quy hoạch được tưới chủ động, xây dựng thêm 10.000 m2 kho bảo quản, 40.000 m2 kho ngoại quan; kim ngạch xuất khẩu hằng năm đạt khoảng 700 triệu USD; phổ biến bộ nguyên tắc chung cho cộng đồng cà phê 4C, bộ tiêu chuẩn UTZ và các bộ tiêu chuẩn khác…
Ảnh minh họa |
Thực hiện Đề án này, đến năm 2010 đã có các công ty cà phê như Phước An, Thắng Lợi, Ea Pốk, Buôn Hồ, 2/9, Vinacafe Buôn Ma Thuột, Trung Nguyên, Dak Man, OLam, Amajaro, Ea K’mat, Nedcoffee Việt Nam và Công ty Cà phê 49 tham gia tổ chức nhóm nông dân sản xuất cà phê chứng nhận UTZ Certfide với hơn 12.850 ha và gần 13.800 ha cà phê xác nhận 4C. Hai liên minh sản xuất cà phê đã được thành lập là Liên minh sản xuất giữa Công ty Liên doanh chế biến và xuất khẩu cà phê Man - Buôn Ma Thuột tại xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) và Liên minh sản xuất giữa Công ty TNHH Một thành viên Xuất nhập khẩu 2/9 tại xã Cư Êbur với khoảng 420 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia đăng ký sản xuất cà phê chứng nhận theo tiêu chuẩn RFA. Sở Khoa học và Công nghệ đã chủ trì thành lập Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột (chính thức ra mắt ngày 14-9-2010); tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột đối với sản phẩm cà phê nhân Robusta.
Trong lĩnh vực đầu tư kho và nhà máy chế biến cà phê hòa tan, cà phê bột đã có các đơn vị như: Công ty TNHH Cà phê Ngon, Công ty Cà phê Trung Nguyên, An Thái, Nam Nguyên, Mêhyco; Công ty Đầu tư Xuất nhập khẩu Tây Nguyên đầu tư xây dựng hệ thống kho ngoại quan.
Ngoài ra các sở, ngành, địa phương cũng đã và đang phối hợp cùng doanh nghiệp vận động lồng ghép với các dự án liên quan, khuyến cáo nông dân tham gia thành lập các nhóm nông dân, câu lạc bộ sản xuất cà phê bền vững, thực hành nông nghiệp tốt. Sở Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Đề án phát triển thủy lợi cho sản xuất cà phê bền vững.
Đ.T
Ý kiến bạn đọc