Huyện Buôn Đôn: Dân đổ xô trồng cây trên đất Dự án đợi đền bù
Sau khi nghe thông tin về việc quy hoạch Dự án trồng và cải tạo rừng tại tiểu khu 527, 533 thuộc địa bàn xã Tân Hòa (huyện Buôn Đôn), gần 2 tháng nay đã có hàng trăm hộ dân tại xã Tân Hòa và các xã lân cận như Ea Nuôl, Krông Na, Ea Wer đã ồ ạt đưa các cây giống lên trồng để chờ được đền bù…
Cây cao su được người dân trồng trên đất Dự án để đợi đền bù. |
Đua nhau trồng cây đón đầu dự án
Từ tháng 1- 2011, toàn bộ diện tích 779 ha đất của hai tiểu khu 527 và 533 đã được UBND tỉnh bàn giao cho Công ty TNHH Sản xuất - Xuất nhập khẩu lương thực Bình Dương (gọi tắt là Công ty Bình Dương) làm chủ Dự án đầu tư cải tạo trồng rừng (cụ thể là trồng cây cao su). Đến ngày 30-6-2011, UBND huyện Buôn Đôn ra thông báo về việc nghiêm cấm mua bán, chuyển nhượng, trồng cây lâu năm… trên diện tích đất thuộc dự án trên; đồng thời, dựng sơ đồ quy hoạch dự án và thông báo trên đài phát thanh huyện, xã để người dân biết. Tuy nhiên cũng từ đó, người dân đã bắt đầu đổ xô đưa các giống cây từ ngắn ngày (như bắp, mì, sả…) đến lâu năm (cây ăn quả, cà phê, cao su…) lên trồng nơi đây. Do Dự án trên mới chỉ được tỉnh giao đất và tiến hành đo đạc để cắm mốc giới, dựng sơ đồ quy hoạch, và UBND huyện Buôn Đôn chưa có văn bản thu hồi đất cũng như đền bù giải tỏa nên người dân vẫn được phép canh tác các loại cây ngắn ngày trên các thửa đất của mình. Ông Lê Văn Hải, thôn 2, xã Tân Hòa cho biết: gia đình ông có 2 ha đất, hàng năm vẫn trồng bắp, mì và rau màu ngắn ngày các loại. Từ khi có thông tin về việc quy hoạch dự án thì ông và bà con nơi đây đã mua sả, chuối, cam, bưởi… lên trồng để chờ được đền bù. Ông cho biết thêm, hiện nay, loại cây được bà con trồng nhiều nhất và mang tính “chiến thuật” cao để đợi đền bù là cây sả, bởi theo tính toán của người dân, chỉ cần đầu tư tiền giống khoảng 10 triệu đồng/ha, không tốn công chăm sóc mà thu hoạch quanh năm. Từ lúc trồng đến khi cây bắt đầu đẻ nhánh chỉ khoảng 5-10 ngày, và nếu UBND huyện có đưa ra Quyết định thu hồi đất cho dự án bất cứ lúc nào thì tiền đền bù về cây trồng cũng rất cao, bởi cây sả lúc này luôn được tính theo loại cây trồng đang trong giai đoạn thu hoạch. Chưa hết, tuổi thọ của cây sả rất dài, chỉ cần trồng cây gốc ban đầu sẽ cho thu hoạch nhánh liên tục trong nhiều năm, mỗi ha sả như vậy nếu được đền bù có thể lên đến 100-110 triệu đồng. Hiện nay, theo thống kê chưa đầy đủ của địa phương, diện tích cây sả đang ở con số trên 500 ha và chưa có dấu hiệu dừng lại. Bên cạnh đó, nhiều hộ vẫn bất chấp thông báo của chính quyền địa phương, đưa các giống cây lâu năm vào trồng trên diện tích đất nhà mình, thậm chí lấn chiếm cả diện tích đất rừng để trồng…
và những lô đất chờ... Dự án. |
Những hệ lụy khó giải quyết
Theo thống kê của UBND xã Tân Hòa, chỉ trong 1 tháng vừa qua, địa phương đã phát hiện và xử lý hành chính hàng trăm hộ vi phạm trong khu vực của dự án này, nhiều nhất là sự việc người dân đưa các loại cây lâu năm vào trồng hoặc mua bán và chuyển nhượng đất qua giấy tờ viết tay… Nhiều trường hợp tranh giành đất đai dẫn đến xô xát, hoặc tụ họp chống đối lại sự kiểm tra, xử lý của chính quyền địa phương khiến tình hình an ninh trật tự xã hội của địa phương trở nên phức tạp. Ông Sầm Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hòa cho biết: địa phương luôn kết hợp với các đoàn kiểm tra của UBND huyện hàng ngày đi khảo sát và kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm quy định, còn việc người dân ồ ạt trồng các loại cây hoa màu, cây ngắn ngày khác thì không thể xử lý được. Theo ông Nguyễn Duy Hoài, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất Buôn Đôn: phía chính quyền địa phương và UBND huyện đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để Công ty Bình Dương sớm thực thi Dự án một cách tốt nhất, đồng thời hằng ngày vẫn cử các đoàn khảo sát nhằm đánh giá, đo đạc hiện trạng của đất Dự án, nhưng phía Công ty Bình Dương vẫn chưa chịu hợp tác để giải quyết dứt điểm tình trạng trên. Cũng theo ông Hoài, nếu công ty Bình Dương hợp tác sớm trước khi người dân ồ ạt trồng cây để đợi đền bù như hiện nay, thì số tiền giải tỏa đền bù chỉ khoảng 20 tỷ đồng, nhưng qua đợt khảo sát gần đây nhất, ước tính số tiền ấy đã vượt lên trên 50 tỷ đồng và nếu cứ đà này tiếp diễn thì không biết sẽ là bao nhiêu. Được biết, việc đền bù chỉ áp dụng cho các loại cây trồng trên đất canh tác của bà con theo từng mức giá quy định, cộng với 18 triệu đồng/ha tiền hỗ trợ khai hoang đất trước đây. Riêng đối với công ty Bình Dương, ông Phan Tấn Quốc, Phó tổng giám đốc cho biết: nguyên nhân trong việc chậm trễ là Công ty đang tiến hành họp Hội đồng quản trị và chưa thống nhất đưa ra cách giải quyết; mặt khác, để giải ngân và luân chuyển vốn trong Công ty cũng phải cần có thời gian!
Ý kiến bạn đọc