Multimedia Đọc Báo in

Sức thuyết phục của mô hình trồng xen cây hồ tiêu trong lô cà phê ở Công ty Cà phê Thắng Lợi

09:38, 01/08/2011

Nếu ai đã có dịp đến thăm Công ty Cà phê Thắng Lợi cách đây 5 năm nay trở lại mới thấy được sự kỳ diệu của thay đổi trên các diện tích cà phê, một hình ảnh đầy sức thuyết phục về sự đa dạng hóa cây trồng ngay tại những lô cà phê có đầy đủ các cây đai rừng, cây che bóng, theo đúng quy trình kỹ thuật đã được thực hiện từ những năm 1980 trở lại đây.

Nếu chỉ có cây đai rừng và cây che bóng để tạo nên môi trường sinh thái phù hợp nhằm bảo vệ các lô cà phê có điều kiện sinh trưởng tốt và cho năng suất, chất lượng cao thì là chuyện thường tình, Công ty Cà phê Thắng Lợi đã chứng minh, khẳng định được điều này. Nhưng ở đây những người lãnh đạo và lao động quản lý hàng ngàn héc-ta cà phê không chịu bó tay chỉ thu có một loại sản phẩm là cà phê hằng năm mà còn phải bắt những cây bóng mát, đai rừng đứng trên lô và vùng cà phê phải cho một loại sản phẩm mới ngoài chức năng thông thường như người ta vẫn nghĩ đó là: cây che bóng mát, cây đai rừng chắn gió để điều hòa nhiệt độ, điều hòa ánh sáng, chắn gió làm giảm sự bốc hơi nước nhất là trong những tháng nắng gắt khô hạn hết sức khốc liệt trong mùa khô không hề có một giọt nước mưa nào.

Vậy sản phẩm thứ hai thu được trên lô trồng cà phê là gì vậy. Xin thưa rằng đó là cây hồ tiêu. Không phải tốn thêm một mét vuông nào trong quỹ đất mà công ty đang sở hữu mà lại có thêm diện tích hồ tiêu nếu gộp lại lên tới hàng trăm héc-ta.

Trong quy trình kỹ thuật đã xác định mỗi một héc-ta cà phê sẽ trồng 4 hàng cây chắn gió (đai rừng) mỗi hàng cách nhau 25m, cây cách cây trên hàng từ 3m đến 5m. Tính ra trên diện tích một héc-ta cà phê đã có từ 100 đến 165 cây chắn gió, đó là chưa kể các đai rừng chính cứ cách 500 m phải thiết lập một đai rừng gồm 3 hàng muồng đen (cassia seamea) trồng hàng cách hàng 3m và cây cách cây 3m. Như vậy nếu tính cả 1.000 ha cà phê thì số cây đai rừng phụ đã có từ 100.000 đến 165.000 cây muồng đem sử dụng làm cây choái sống cho cây hồ tiêu leo. Nhiều chủ hộ ở công ty cà phê Thắng Lợi đã cho cây hồ tiêu leo lên những cây choái sống này. Ngoài cây muồng đen còn có cây keo dâu cu ba (Lecaena Leucocephala) cũng là cây choái sống cho cây tiêu leo rất tốt). Quan sát trên thực địa cho thấy cây hồ tiêu trồng xen trong lô cà phê có thể sinh trưởng phát triển rất tốt. Nhìn chung đường kính của trụ tán tiêu rộng hơn 1m, chiều cao bụi tiêu vươn tới trên 10m. Ông Nguyễn Xuân Thái, Giám đốc công ty cho biết: Nhiều hộ trồng xen cây tiêu trong cà phê năm nay (2011) đã thu được hàng trăm triệu đồng. Với giá cà phê trên 40 triệu đồng 1 tấn nhân thì tổng thu của 1 ha cà phê có trồng xen hồ tiêu đã lên tới trên 200 triệu đồng. Một con số rất đáng phấn khởi và đầy hấp dẫn đối với những người làm cà phê mà những năm trước đây khó lòng vượt khỏi con số 100 triệu đồng/1 ha.

Trồng xen hồ tiêu trong lô cà phê tại Công ty Cà phê Thắng Lợi.
Trồng xen hồ tiêu trong lô cà phê tại Công ty Cà phê Thắng Lợi.
Thực tế sinh động này có sức thuyết phục, không cần phải bàn cãi. Vấn đề là học tập làm theo mô hình để biến mỗi mét vuông đất đỏ bazan phì nhiêu đem lại lợi ích cho con người cao nhất.

Trồng xen cây hồ tiêu trong lô cà phê bằng cách cho leo lên cây bóng mát, chắn gió, đai rừng là hình thức khai thác, sử dụng đất đai tiết kiệm, có hiệu quả, và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Đây là phương thức canh tác thông minh tạo ra cơ sở cho việc sản xuất cà phê bền vững cả về mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Một số vùng trồng cà phê ở Dak Lak như: Krông Pak, Krông Ana, Cư M’gar, Cư Kuin đã sử dụng cây bóng mát, đai rừng trong lô cà phê để làm cây choái sống cho cây hồ tiêu leo cũng cho những kết quả rất tốt.

Tận dụng cao độ đất trồng và cây trồng xen để đa dạng hóa sản phẩm trên một đơn vị diện tích nhằm đưa lại hiệu quả kinh tế cao nhất là tiềm năng vô cùng to lớn đối với diện tích cà phê đã có gần 200.000 ha ở Dak Lak.

Khi cây hồ tiêu đưa vào trồng trong lô cà phê có một số đặc điểm về dinh dưỡng, sâu bệnh, sinh thái và kinh tế như sau:

-Cây hồ tiêu không cạnh tranh dinh dưỡng với cây cà phê vì cây tiêu được trồng ở dưới gốc các cây bóng mát, và cây đai rừng.

-Cây hồ tiêu không cạnh tranh ánh sáng trong lô cà phê vì cây tiêu có bộ tán hình trụ vươn thẳng lên phía trên bám vào thân cây bóng mát, cây đai rừng.

-Giai đoạn mùa khô trùng vào giai đoạn tưới nước cho cây cà phê. Vì vậy cây hồ tiêu cũng được hưởng lượng nước tưới để sinh trưởng và ra hoa.

-Cây hồ tiêu thu hoạch vào sau mùa thu hái cà phê, do vậy không có sự tranh chấp về lao động (rải vụ).
-Các loại sâu bệnh của cây cà phê và cây bóng mát, đai rừng nói chung không gây hại cho cây hồ tiêu và ngược lại.

-Mặt khác vị trí trồng cây tiêu lại có một khoảng cách đối với gốc cà phê (thực tế cây hồ tiêu trồng xen trong lô cà phê hầu như không bị bệnh hại) cây muồng đen không có nguồn bệnh hại lây sang cây tiêu.

-Sản phẩm hồ tiêu có thể bảo quản được nhiều năm mà không bị hư hỏng (khi giá thấp thì giữ lại chờ khi giá cao mới bán).

-Về mặt kinh tế có thể phác tính như sau: Nếu một nửa diện tích cà phê của Việt Nam có được trồng cây bóng mát và đai rừng như tiêu chuẩn của quy trình kỹ thuật đã quy định thì mỗi một héc ta cà phê ít nhất có 100 cây bóng mát và đai rừng. Nếu mỗi cây tiêu hằng năm cho thu hoạch bình quân 2 kg tiêu khô (nhiều điển hình cho thu từ 3-4 kg) với giá thị trường bình quân là 40.000 đ/1 kg thì từ 250.000 ha cà phê có khả năng thu thêm từ cây hồ tiêu là 2.000 tỷ đồng tương đương với gần 100 triệu đô la (bình quân mỗi héc-ta cà phê thu thêm 8 triệu đồng từ tiền bán tiêu).

Chúng ta không bằng lòng về sự thu nhập mỗi héc-ta cà phê hiện nay chỉ biến động từ 50-100 triệu đồng. Nếu chúng ta đa dạng hóa sản phẩm như trồng xen cây hồ tiêu cho leo lên cây bóng mát, cây đai rừng một số cây trồng xen khác như bơ, sầu riêng, măc ca v.v… thì tổng thu nhập trên 1 héc-ta trồng cà phê còn có khả năng tăng lên rất nhiều. Đó là chưa kể đến các hình thức chăn nuôi ở trong lô cà phê như nai, lợn rừng, chồn hương… Cần có cuộc điều tra tổng kết sớm các mô hình trồng xen trong cà phê để đưa nhanh các điển hình, tiến bộ kỹ thuật vào áp dụng rộng rãi trong toàn ngành cà phê Việt Nam.

PGS.TS. Phan Quốc Sủng
(Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu cà phê)

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.