Multimedia Đọc Báo in

Thanh niên Dang Kang (Krông Bông) học tập, vận dụng khoa học kỹ thuật có hiệu quả

10:05, 17/08/2011

Trong những năm qua, nhận thấy việc ứng dụng khoa học-kỹ thuật (KHKT)  giúp nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) vươn lên xóa đói, giảm nghèo, Đoàn xã Dang Kang (huyện Krông Bông) đã tích cực đẩy mạnh các phong trào “5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc”; “4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”, giúp nhiều ĐVTN chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện địa phương.

Là một xã vùng xa, đời sống kinh tế của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, việc ứng dụng KHKT vào chăn nuôi, sản xuất luôn gặp không ít khó khăn vì làm ăn theo lối truyền thống vẫn còn in đậm. Do vậy, để các phong trào ứng dụng KHKT phát triển mạnh cả về chiều sâu và chiều rộng, Đoàn xã đã chủ động giới thiệu các loại cây con, giống mới có hiệu quả kinh tế cao, xây dựng các điểm trình diễn kỹ thuật; đồng thời thường xuyên phối hợp với Trạm Khuyến nông, Bảo vệ thực vật... mở lớp tập huấn kỹ thuật cho ĐVTN tham gia.

Anh Nguyễn Văn Tâm (bìa trái), Bí thư Chi đoàn thôn 3 đang hướng dẫn ĐVTN trong thôn kỹ thuật chăm sóc cây cà phê.
Anh Nguyễn Văn Tâm (bìa trái), Bí thư Chi đoàn thôn 3 đang hướng dẫn ĐVTN trong thôn kỹ thuật chăm sóc cây cà phê.
Cùng với việc chuyển giao KHKT, Đoàn xã đã đẩy mạnh các hoạt động vay vốn, tham gia tích cực vào các dự án phát triển kinh tế giúp thanh niên làm giàu chính đáng. Nhờ được định hướng và hỗ trợ kịp thời cùng với tinh thần xung kích sáng tạo, ĐVTN đã tìm tòi xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình. Đến nay, trong ĐVTN đã có trên 50 mô hình trang trại VAC, VC, kinh doanh dịch vụ tổng hợp làm ăn hiệu quả, mỗi năm thu nhập từ 50 đến 150 triệu đồng. Điển hình như anh Nguyễn Văn Tâm, đoàn viên chi đoàn thôn 3, gia đình có 2 ha cà phê, trước đây chỉ chăm sóc theo kinh nghiệm truyền thống nên mỗi năm thu được hơn 3 tấn nhân, sau khi trừ chi phí cho thu nhập gần 50 triệu đồng/năm. Nhưng từ khi tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, anh thay đổi cách chăm sóc như bón thêm phân chuồng, chống rệp sáp hiệu quả, cắt cành làm cỏ đúng kỹ thuật… vườn cà phê gia đình, anh đạt năng suất hơn 5 tấn nhân, nhờ đó  thu nhập cũng tăng lên đáng kể, năm 2010 thu lãi 150 triệu đồng.  Ngoài ra, để có được giống tốt cho năng suất cao, anh đã đến liên hệ Viện Khoa học Kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên mua hạt giống chất lượng cao về ươm thay thế cho những giống cà chất lượng kém. Bên cạnh chăm lo phát triển kinh tế gia đình, anh còn thường xuyên giúp đỡ hướng dẫn ĐVTN trong thôn kỹ thuật chăm sóc cây cà phê, nhờ đó nhiều thanh niên khác như Nguyễn Văn Thuận, Thí Công Sự, Nguyễn Châu Đăng… đã nâng thu nhập lên từ 50 đến 100 triệu đồng/năm. Anh Nguyễn Văn Tâm chia sẻ: “Nhờ được tư vấn, học tập tham quan và áp dụng đúng quy trình, đến nay, 100% gia đình ĐVTN trong thôn đều đã thoát nghèo và có cuộc sống khá giả”. Không chỉ chăm lo phát triển cây cà phê, Ban Chấp hành Đoàn xã còn tích cực hướng dẫn cho nhiều ĐVTN và người dân thực hiện chuyển đổi diện tích trồng các giống hoa màu năng suất kém sang trồng các loại giống mới cho năng suất cao như lúa lai, bắp lai...

Hộ thanh niên Y Ken Niê ở buôn Cư Ênun, sau khi ra ở riêng được cha mẹ cho 9 sào đất nhưng do không nắm vững kỹ thuật, vốn đầu tư thiếu, nên gia đình anh chăm chỉ lắm cũng chỉ đủ ăn. Sau khi được Đoàn xã định hướng, hỗ trợ vốn và tham gia các lớp tập huấn, anh đã chuyển đổi 9 sào đất trồng lúa rẫy không mấy hiệu quả sang trồng giống bắp lai do Trạm Khuyến nông huyện cung cấp mỗi vụ đạt năng suất trên 7 tấn, trừ chi phí mỗi năm anh lãi trên 40 triệu đồng, gia đình ổn định được cuộc sống và từng bước thoát nghèo vươn lên làm giàu. Hay như gia đình chị Phạm Thị Thúy Lời ở thôn 3, nhờ áp dụng tốt kỹ thuật chăm sóc nên đàn heo được phòng bệnh tốt, không bị dịch bệnh, lớn nhanh, mỗi năm thu nhập trên 150 triệu đồng. Anh Nguyễn Ngọc Vương, Bí thư Đoàn xã cho biết: “KHKT đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn của xã nhà, ĐVTN trong xã giờ ai cũng chăm chú làm ăn nên các tệ nạn rượu chè, bài bạc, gây rối xóm làng đã giảm hẳn”.

Có thể nói, việc khuyến khích ĐVTN tích cực ứng dụng KHKT vào chăn nuôi, trồng trọt đã làm thay đổi cuộc sống của gia đình thanh niên nơi đây. Hiện nay, hơn 80% gia đình thanh niên trong xã có cuộc sống trung bình, khá giả, nhiều mô hình kinh tế làm ăn hiệu quả mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng, đó là những con số ấn tượng về phong trào lập thân lập nghiệp của tuổi trẻ Dang Kang.

Tuấn Anh

Ý kiến bạn đọc