Những tấm gương thoát nghèo bền vững
Thực tế cho thấy, nhiều hộ nghèo đã thoát nghèo bền vững không chỉ nhờ vào sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước mà còn do biết tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm của người khác, từ đó rút ra kinh nghiệm cho bản thân, áp dụng như thế nào để phù hợp với điều kiện của mình để mang lại hiệu quả kinh tế cao…
Trước đây, vợ chồng anh Trần Đình Công, ở thôn Tiến Thành, xã Quảng Tiến (Cư M’gar) là hộ nghèo do đông con và thiếu vốn sản xuất. Vừa trồng 500m2 rau xanh vừa tranh thủ đi làm thuê nhưng gia đình anh vẫn không đủ sống. Đến năm 2006, anh Công được vay 4 triệu đồng vốn tạo việc làm từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện. Anh đã quyết định mua 1 con heo nái và 2 con heo con về nuôi bằng nguồn thức ăn tận dụng từ rau xanh và bắp đậu làm được. Chỉ sau 5 tháng, gia đình anh Công đã bán heo được 9 triệu đồng và dùng số tiền này mua thêm 2 con bò giống. Sau 1 năm, bò sinh sản thêm được 2 con, rồi gia đình anh tiếp tục nuôi bê lớn sinh sản và tiếp tục nhân giống đàn bò. Từ chỗ chỉ có 2 con bò sinh sản, đến nay đàn bò của gia đình anh đã phát triển đến 29 con, mỗi năm thu nhập từ việc bán bò bán heo, và rau xanh, lúa, đậu, gia đình anh Công có dư trên 30 triệu đồng. Hiện nay anh chị đã được công nhận là thoát nghèo bền vững. Anh Công còn dự tính sẽ xây nhà vào năm tới khi mà kinh tế gia đình đã có của ăn của để.
Chị Tuyển (mặc áo ngắn tay) đang trao đổi kinh nghiệm sản xuất với cán bộ xã Ia R’vê, huyện Ea Súp. |
Gia đình chị H’ Chong và anh Đinh Tha ở buôn Jù, xã Ea Tu (TP.Buôn Ma Thuột) thì lại thoát nghèo bằng buôn bán nhỏ lẻ. Hằng ngày, anh Đinh Tha phải dậy từ rất sớm và thức rất khuya để cùng vợ làm hàng buôn bán. Trong buôn, đồng bào ai bán gì anh chị cũng mua, từ bó rau bí đến đọt măng rừng rồi mang bán lại. Mỗi thứ một ít, tích góp dần dần rồi anh chị mở quán bán hàng ăn sáng và thực phẩm khác… Nhờ được hướng dẫn kinh doanh nhỏ từ các lớp chuyển đổi ngành nghề do chính quyền địa phương tổ chức, chị H’Chong có được kiến thức kinh doanh nhỏ, cải thiện và từng bước phát triển kinh tế gia đình nên đã được công nhận thoát nghèo bền vững.
Có thể nói, hầu hết các hộ điển hình trong thoát nghèo bền vững đều nỗ lực vươn lên, không trông chờ ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước. Vấn đề là người nghèo có thực sự muốn vươn lên thoát nghèo và làm giàu bằng chính đôi tay của mình hay không?
Ý kiến bạn đọc