Multimedia Đọc Báo in

Quản lý và phát triển Chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột: Cần một chiến lược “dài hơi” (Kỳ 2)

08:59, 13/09/2011
Kỳ 2: Bảo vệ giá trị tài sản trí tuệ


CDĐL Cà phê Buôn Ma Thuột không chỉ giúp người tiêu dùng nhận biết được xuất xứ địa lý của hàng hóa mà còn biết đến chất lượng của sản phẩm với những đặc trưng chỉ có được do nguồn gốc địa lý của nó. Chính bởi sức mạnh tự thân đó mà CDĐL Cà phê Buôn Ma Thuột trở thành tài sản mang những giá trị đặc biệt. Làm thế nào để đánh thức sức mạnh của “tài sản trí tuệ” này - tài sản mà không phải bất cứ quốc gia, vùng lãnh thổ nào cũng có thể sở hữu được? Đó chính là nhiệm vụ quản lý để phát triển phải mang tầm chiến lược...

Sơ chế cà phê xuất khẩu.              Ảnh: Hoa Hồng
Sơ chế cà phê xuất khẩu. ( Ảnh: Hoa Hồng)

“Tài sản” bị “chiếm đoạt”?
Trong một hội thảo về xây dựng và phát triển thương hiệu Cà phê Việt Nam diễn ra tại Buôn Ma Thuột, nhà sử học Dương Trung Quốc đã phát biểu: "Phải làm sao để mỗi khi nhắc đến Cà phê Việt Nam là mọi người nghĩ ngay đến Cà phê Buôn Ma Thuột"! Đó là sự khẳng định giá trị tự thân của Cà phê Buôn Ma Thuột; cũng là điều mà những người tâm huyết với ngành cà phê đang trăn trở, mong mỏi đưa Cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng và Cà phê Việt nói chung khẳng định thương hiệu khắp toàn cầu.

Có thể nói, Buôn Ma Thuột và sản phẩm cà phê mang tên địa danh Buôn Ma Thuột đã khá nổi tiếng trong và ngoài nước; đặc biệt qua các kỳ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột càng khẳng định điều này. Tuy nhiên, sản phẩm này chưa được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài nên có những DN nước ngoài lợi dụng chiếm đoạt làm nhãn hiệu riêng. Mới đây, Sở Khoa học - Công nghệ cho biết: có bằng chứng xác thực việc một doanh nghiệp Trung Quốc đã đăng ký và được cơ quan chức năng nước này cấp bảo hộ độc quyền đối với 2 nhãn hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột. Đó là nhãn hiệu 3 chữ Hán kèm dòng chữ "BUON MA THUOT", số đăng ký 7611987, cấp ngày 14-11-2010 và nhãn hiệu logo kèm dòng chữ "BUON MA THUOT COFFEE -1896", số đăng ký 7970830, cấp ngày 14 - 6 - 2011, hiệu lực văn bằng 10 năm, tính từ ngày được cấp.

Việc đăng ký nhãn hiệu độc quyền này của doanh nghiệp Trung Quốc  không chỉ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc địa lý Buôn Ma Thuột gắn liền với sản phẩm cà phê nổi tiếng, mà còn có thể gây khó khăn cho việc xuất khẩu cà phê từ Việt Nam có tên gọi xuất xứ Buôn Ma Thuột vào thị trường Trung Quốc, ảnh hưởng đến việc phát triển thương hiệu cà phê nổi tiếng của Dak Lak. Sở Khoa học Công nghệ Dak Lak đã có văn bản báo cáo sự việc lên UBND tỉnh và gửi công văn đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) tham vấn giải quyết vụ việc. Theo Cục SHTT, hiện Cục đang tiến hành xác minh sự việc nên chưa có kết quả chính thức. Tuy nhiên, cũng tùy thuộc vào luật pháp của mỗi nước mà có cách giải quyết khác nhau sao cho phù hợp. Nếu xác định đúng văn bằng bảo hộ đó cấp sai thì Cục sẽ yêu cầu phải hủy bỏ văn bằng, chấm dứt quyền sở hữu đối với những thương hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam.

Quảng bá sản phẩm Cà phê Buôn Ma Thuột tại Hội chợ thương mại Quốc tế miền Trung Tây Nguyên 2011. Ảnh: H.H
Quảng bá sản phẩm Cà phê Buôn Ma Thuột tại Hội chợ thương mại Quốc tế miền Trung Tây Nguyên 2011. (Ảnh: H.H)

Khẳng định quyền sở hữu trí tuệ
Theo các chuyên gia SHTT, chưa tính đến hậu quả lâu dài nhưng trước mắt về mặt pháp lý, sản phẩm của Việt Nam khi xuất khẩu sang nước ngoài có thể gặp khó khăn khi đã có nhãn hiệu được nước họ bảo hộ từ trước. Đáng nói hơn là khi có nhiều doanh nghiệp cùng sử dụng một thương hiệu với sản phẩm có chất lượng khác nhau sẽ dẫn đến việc mất niềm tin vào thương hiệu đó. Với vụ 2 nhãn hiệu "BUON MA THUOT” và "BUON MA THUOT COFFEE -1896" bị doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký và được cấp văn bằng bảo hộ,  việc “đòi lại” tên Buôn Ma Thuột là hết sức cần thiết và cấp bách. Các chuyên gia SHTT cho biết: theo thông lệ quốc tế hiện hành, việc yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bản bằng bảo hộ đã được cấp như trường hợp này là rất khả thi. Việc yêu cầu phía Trung Quốc hủy bỏ văn bằng Nhãn hiệu BUON MA THUOT đã được bảo hộ số bằng phải được tiến hành cùng lúc bằng cả 2 cách là thông qua con đường ngoại giao và thông qua luật pháp quốc tế , theo quy định của Hiệp định TRIPS về SHTT.

Theo đại diện Công ty Luật BROSS & PARTNERS - một công ty chuyên nghiệp của Việt Nam trong lĩnh vực tư vấn và đại diện bảo vệ quyền SHTT, đang hoạt động theo QĐ 570 của Cục SHTT:  Dak Lak có đủ căn cứ để khởi kiện yêu cầu phía Trung Quốc hủy bỏ hiệu lực đối với 2 nhãn hiệu này. Đó là Quyết định 806 ngày 14-10-2005 của Cục SHTT, công nhận và bảo hộ quốc gia CDĐL Cà phê Buôn Ma Thuột đối với sản phẩm cà phê nhân Robusta. Đó còn là các tài liệu chứng minh nguồn gốc lịch sử, danh tiếng, doanh thu, uy tín của cà phê Buôn Ma Thuột... Mặt khác, chúng ta có thuận lợi là Luật Nhãn hiệu của Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng với Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam. Theo luật này, một địa danh nước ngoài đã được biết đến rộng rãi đối với công chúng Trung Quốc thì không được phép đăng ký và sử dụng làm nhãn hiệu.

Các cơ quan chức năng của Dak Lak cũng thống nhất nhận định: Việc giải quyết vụ xâm phạm quyền SHTT mang tính quốc tế với CDĐL cà phê Buôn Ma Thuột, một địa danh nổi tiếng của quốc gia được nhiều người biết đến không những giúp bảo vệ, đòi lại tên địa danh đích thực, mà còn có ý nghĩa quan trọng hơn là góp phần ngăn chặn và tránh tranh chấp về mặt pháp lý với các nước sở tại  trong việc xuất khẩu cà phê mang CDĐL Buôn Ma Thuột ra nước ngoài, đồng thời tránh được những tiền lệ có thể xảy ra đối với một số quốc gia khác có những hành vi xâm phạm tương tự. Vụ việc cần xúc tiến khẩn trương, kiên quyết để mang lại hiệu quả cao.

Trên thực tế, việc vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Cạnh tranh hiện nay ngày càng diễn biến phức tạp. Trở thành Thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), doanh nghiệp Việt Nam đang và sẽ gặp rất nhiều trường hợp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và cạnh tranh không lành mạnh, không chỉ trong nước mà cả trên thương trường quốc tế. Theo tham vấn của Cục SHTT: để phát triển CDĐL Cà phê Buôn Ma Thuột một cách bài bản và đem lại hiệu quả mong muốn, bên cạnh việc triển khai các biện pháp nhằm quản lý và khai thác dựa vào cơ chế bảo hộ CDĐL trong nước, nên sớm xúc tiến việc đăng ký bảo hộ CDĐL sản phẩm ra nước ngoài, bởi với phần lớn sản lượng cà phê của tỉnh dùng để xuất khẩu, việc đăng ký này là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, chi phí cho việc đăng ký là không nhỏ, nên trước mắt chỉ có thể thực hiện tại một số nước vốn là thị trường trọng điểm. Hiện tại sản phẩm Cà phê Buôn Ma Thuột xuất khẩu sang hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 10 thị trường trọng điểm có kim ngạch nhập khẩu trên 10 triệu USD, chiếm 70% tổng số lượng cà phê xuất khẩu của tỉnh như EU, Mỹ, Đức, Tây Ban Nha, Italia, Nhật Bản…

Toàn tỉnh hiện có  hơn 180.000 ha cà phê, sản lượng bình quân hằng năm đạt 400.000 tấn cà phê nhân xô, trên 15.000 tấn cà phê qua chế biến rang xay và trên 1.000 tấn cà phê hòa tan. Sản phẩm cà phê Robusta Buôn Ma Thuột được biết đến như một loại cà phê thơm ngon đặc trưng, bậc nhất thế giới, chiếm 50% sản lượng cà phê cả nước, góp phần vào thành tích đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu của Việt Nam. Không chỉ đóng góp trên 40% GDP, giá trị xuất khẩu cà phê còn chiếm gần 81% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Cà phê không chỉ trở thành mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh mà còn là niềm tự hào của người dân Dak Lak.
Nhóm PV

 

[links()]

Ý kiến bạn đọc