Chuyển đổi đất chân đồi bạc màu sang đào ao nuôi cá luân vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao
Những năm gần đây, bà con nông dân ở xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất chân đồi bạc màu sang đào ao nuôi cá luân vụ, vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao vừa tận dụng được diện tích đất vốn trước đây bị bỏ hoang.
Hiện toàn xã Ea Kao có hơn 20 ha đất chân đồi bạc màu đã được chuyển đổi sang đào ao nuôi cá, mỗi năm cho thu nhập hơn 10 tỷ đồng. Đây vốn là diện tích đất chân đồi bạc màu, có nhiều sỏi đá nên trồng cây không cho hiệu quả kinh tế; một số diện tích trước đây bị bỏ hoang. Những diện tích này đã được người dân đầu tư cải tạo thành hồ, sau đó bơm nước giếng vào để nuôi cá. Khác với việc nuôi cá thông thường, những người nuôi cá ở đây thường thả trứng cá vào hồ vào khoảng thời gian đầu năm. Sau khi trứng cá nở khoảng 1 tháng, họ sẽ xuất bán cá chân hương (cá bột), đồng thời tiếp tục chăm đàn cá còn lại để bán cá giống. Họ giữ lại một số lượng cá giống trong hồ, sau đó thả thêm một số giống cá khác vào để nuôi cá thịt thương phẩm. Theo tính toán, vào mỗi vụ, riêng tiền bán cá giống các hộ nông dân đã thu về từ 25 – 35 triệu đồng/ sào (1.000m2), đồng thời thu nhập từ cá thịt cũng đạt từ 30 triệu đồng trở lên. Như vậy, mỗi sào đất chân đồi bạc màu sau khi chuyển đổi sang đào ao nuôi cá sẽ cho thu nhập 50 – 60 triệu đồng. Cũng theo người dân nơi đây, cá được thả trong loại ao này nhanh lớn hơn ao thông thường. Hiện nay mô hình chuyển đổi đất chân đồi bạc màu sang đào ao nuôi cá đang được xem là hướng đột phá mới trong phát triển kinh tế ở xã Ea Kao, nhiều vùng trong tỉnh có điều kiện địa hình thổ nhưỡng tương tự cũng đã học tập mô hình trên và đều đạt hiệu quả kinh tế cao.
Ý kiến bạn đọc