Du lịch Dak Lak chưa hấp dẫn các nhà đầu tư
Du lịch Dak Lak được đánh giá là giàu tiềm năng, nhất là loại hình du lịch văn hóa-sinh thái (VH-ST), nhưng lâu nay vẫn chưa có những doanh nghiệp (DN) tầm cỡ nào đầu tư vào đây, mặc dù tỉnh đã có chủ trương, chính sách ưu tiên cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực này.
Diễn tấu cồng chiêng là sản phẩm du lịch phổ biến nhất ở Dak Lak và Tây Nguyên. |
Một khi không thu hút được đầu tư, thì ngành kinh tế này không phát triển tương xứng với tiềm năng được. Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND đã có Nghị quyết chuyên đề về việc phát triển du lịch - và theo đó, đã có một số nguồn lực, chủ yếu là tại chỗ đầu tư vào các cơ sở lưu trú, dịch vụ và một số điểm tuor, tuyến trên địa bàn. Còn vấn đề thu hút đầu tư bên ngoài hiện tại thật sự gặp khó khăn. Ông Phạm Tâm Thanh - Phó giám đốc Sở VH-TT-DL cho biết: cũng đã có một số dự án du lịch được các nhà đầu tư “có máu mặt” đăng ký như: Khu Du lịch Đèo Hà Lan (được UBND tỉnh cấp phép cho Công ty Du lịch Suối Cát- Bình Thuận xây dựng); Khu Du lịch cụm thác Dray Sáp - Dray Nu (do Công ty TNHH Khánh Gia đảm nhận); Khu Du lịch Hồ Ea Kao, Suối Xanh (của Công ty cà phê Trung Nguyên khởi xướng)… với tổng mức đầu tư lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay vẫn không thấy tín hiệu lạc quan nào, bởi có dự án đã dăm bảy năm nay vẫn không thực hiện được theo đúng cam kết, buộc UBND tỉnh phải thu hồi giấy phép. Tìm hiểu thêm vấn đề này, được biết: sở dĩ các nhà đầu tư không mặn mà với các dự án trên là do ngoài năng lực tài chính không cho phép, họ còn gặp khó khăn trong công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng, và đặc biệt hơn là do vùng dự án được giao đang bị xâm hại nghiêm trọng. Chẳng hạn như khu du lịch VH-ST Dray Sáp - Dray Nur, tình trạng chặt phá rừng để lấy gỗ, làm nương rẫy, cùng với việc xây dựng hệ thống công trình thủy điện trên dòng Sêrêpôk đã khiến cảnh quan, môi trường ở đây suy giảm, nên khó có thể hình thành được các dự án du lịch VH-ST trên địa bàn. Ông Lê Hoàng Cơ - Giám đốc Công ty Du lịch-Thương mại Đam San (chủ đầu tư Dự án Khu du lịch trên) cho biết: gần 3 tỷ đổ vào đây, để cuối cùng phải rút lui trong tay trắng! Vì sao ư ? Rừng không còn, các thác nước vùng hạ lưu khô kiệt vì công trình thủy điện Buôn Kuốp ngăn dòng. Làm du lịch VH-ST mà mất đi những yếu tố quan trọng ấy, thì du khách tìm đến đó để làm gì? Được biết, sau khi Đam San rút lui cuối năm 2004, khu du lịch này được giao cho một công ty lữ hành ở TP. Hồ Chí Minh tiếp tục tôn tạo, đầu tư, nhưng chưa đầy hai năm sau, họ cũng “bỏ của chạy lấy người” do những tác động bất lợi nói trên. Theo Sở VH-TT-DL, những dự án trọng điểm khác cũng vậy, không thể hấp dẫn các nhà đầu tư có tầm cỡ là do mặt bằng được giao “không sạch”, công tác quy hoạch còn chồng chéo…
Thuần dưỡng voi, một sản phẩm du lịch đặc sắc ở Dak Lak đã dần vắng bóng. Các sản phẩm du lịch khác cũng đã trở nên nhàm chán với du khách. |
Từ thực tế trên cho thấy “bức tranh du lịch” Dak Lak hiện nay còn quá đơn điệu. Ông Phạm Tâm Thanh đánh giá: Đối với các cơ sở lưu trú và dịch vụ ăn theo du lịch, những năm qua đã có sự phát triển đáng kể, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Điều đó thể hiện ở chỗ, riêng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột hiện có 45 khách sạn (trong đó có 2/3 cở cở đã được xếp sao) và 75 nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn, đáp ứng năng lực lưu trú cho khoảng 4.000 lượt người/ngày đêm. Nhờ thế hoạt động du lịch kết hợp với hội thảo, hội nghị có quy mô khu vực và toàn quốc thường xuyên được tổ chức tại đây, đem lại nguồn doanh thu đáng kể cho ngành du lịch địa phương. Còn các tour - tuyến du lịch VH-ST khác như Bản Đôn, Buôn Trí, Hồ Lak, Thanh Hà… thì vẫn còn nhiều điều phải quan tâm. Thứ nhất, vấn đề quy hoạch, đầu tư tại các điểm trên còn manh mún, chắp vá và thiếu đồng bộ. Nguyên nhân là do nguồn lực tài chính của các DN còn yếu, thiếu sự chủ động liên kết, liên doanh với bên ngoài để phát triển theo hướng hiệu quả và bền vững hơn. Thứ hai, sản phẩm du lịch của các đơn vị này vẫn còn quá đơn điệu, trùng lặp và thiếu sản phẩm du lịch có tính đặc thù, độc đáo để hấp dẫn và níu chân du khách.
Mặc dù thời gian gần đây một số DN như Đam San, Công ty Du lịch Bản Đôn (thuộc Công ty cao su Dak Lak) đã tìm tòi, đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch mới: Trải nghiệm với văn hóa cà phê; Bảo tàng văn hóa dân gian Tây Nguyên cùng những lễ hội (tín ngưỡng, tâm linh) cổ xưa và giàu bản sắc của các dân tộc bản địa được nghiên cứu, chọn lọc để tái hiện lại nhằm phục vụ du khách…, nhưng cũng chỉ mang tính thể nghiệm ban đầu, du khách chưa biết đến nhiều, do vậy, cần tăng cường hoạt động xúc tiến, quảng bá mạnh mẽ và sâu rộng hơn trên nhiều phương diện. Về vấn đề này, theo ông Thanh: ngoài trách nhiệm của các DN ra, UBND tỉnh cũng nên quan tâm tạo điều kiện cho ngành du lịch thành lập Trung tâm xúc tiến, quảng bá chuyên biệt về hình ảnh của “ngành công nghiệp không khói” này đến với mọi người một cách thường xuyên và có trọng tâm hơn. Theo đó, nhanh chóng xây dựng và thực hiện một cách đồng bộ Đề án phát triển du lịch Dak Lak từ nay đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 đã được UBND, HĐND tỉnh thông qua. Trong đó chính sách thu hút đầu tư phải được quan tâm hàng đầu, nhất là nguồn đầu tư từ các DN lớn từ bên ngoài. Có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu của Bộ VH-TT-DL đặt ra là xây dựng Dak Lak nói riêng, Tây Nguyên nói chung trở thành 1 trong 10 vùng du lịch trọng điểm quốc gia trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay.
Ý kiến bạn đọc