Không lạc quan nhưng cũng không nên quá lo lắng về nợ công
Giải trình trước Quốc hội khoá XIII tại Kỳ họp thứ hai, xoay quanh vấn đề vấn đề nợ công , theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ: không lạc quan nhưng cũng không nên quá lo lắng về vấn đề này.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết, tính đến 31-12-2010, nợ công của Việt Nam bằng khoảng 57,3% GDP, ước tính năm 2011 là 54,6% và 2012 là 58%. Đây là tính trên kịch bản tăng trưởng GDP 6%, còn 6,5% thì tỷ lệ này sẽ thấp hơn đáng kể.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ phát biểu tại diễn đàn Quốc hội |
Bộ trưởng Vương Đình Huệ phân tích, 75% nợ công của chúng ta là ODA. Trong cơ cấu vay ODA thì vay thương mại chỉ 7%, còn lại đều có thời gian cho vay dài, lãi suất rất ưu đãi. WB cho chúng ta vay 40 năm, ân hạn 10 năm với lãi suất 0,75%/năm. Vay ADB thì thời hạn 30 năm, ân hạn 10 năm, lãi suất 1%/năm. Nhật Bản cho vay cũng 30 năm, ân hạn 10 năm, lãi suất chủ yếu cũng là 1%, một số khoản vay có lãi suất 2%/năm. Đây là điểm khác biệt so với nợ công ở các nước phát triển mà tỷ lệ vay thương mại rất lớn. Cách tính nợ công của nước ta hiện nay có khác so với nhiều nước và nếu tính theo cách như của họ thì tỷ lệ nợ công của Việt Nam sẽ thấp xuống. Về cơ cấu nợ, nợ nước ngoài đang giảm, nợ trong nước tăng lên, đó là xu hướng tốt. Tuy nhiên, Chính phủ không chủ quan với vấn đề này.
Ảnh minh họa (Đ.T) |
Bộ trưởng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Bộ Tài chính đã xây dựng chiến lược quản lý nợ công đến 2020, đang trình Chính phủ phê duyệt. Khoản chi trả nợ hiện mới chiếm 14-16% tổng ngân sách, trong khi theo thông lệ quốc tế, ngưỡng an toàn không quá 30%.
Tương tự, cách tính bội chi hiện nay cũng có sự khác biệt so với thông lệ: chưa bao gồm trái phiếu Chính phủ nhưng lại tính cả chi trả nợ gốc. Nếu tính theo thông lệ thì bội chi của ta năm 2011 chỉ ở 4,1%, nằm trong ngưỡng an toàn. “Chúng ta không lạc quan nhưng cũng không nên quá lo lắng”, ông Vương Đình Huệ khẳng định.
Nguồn SGGP
Ý kiến bạn đọc