Multimedia Đọc Báo in

Khuyến công hiệu quả từ những mô hình

16:01, 16/10/2011

Đơn vị tham gia trình diễn có nhiều cơ hội để được đầu tư công nghệ, tích lũy kinh nghiệm, học hỏi những mô hình làm ăn mới nhờ được tư vấn, hỗ trợ cả về vốn và kỹ thuật…, đó là những hiệu quả bước đầu mà các mô hình trình diễn kỹ thuật mang lại từ sự hỗ trợ của các đề án khuyến công đã và đang được triển khai tại tỉnh ta. 

Sản xuất cối xay cà phê đòi hỏi nguồn vốn khá lớn để chuyển đổi thiết bị công nghệ.
Sản xuất cối xay cà phê đòi hỏi nguồn vốn khá lớn để chuyển đổi thiết bị công nghệ.
Với mô hình trình diễn chế biến nông sản (rau, củ, quả...) tại Công ty TNHH Công thương miền Đông, cụm công nghiệp Ea Đar, huyện Ea Kar, quy mô 250 tấn sản phẩm/năm, tổng kinh phí hỗ trợ là 200 triệu đồng, Đề án khuyến công quốc gia này góp phần giúp doanh nghiệp (DN) phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương. Qua việc đầu tư công nghệ vào hoạt động sản xuất, không chỉ giúp DN nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn góp phần bảo vệ môi trường, bao tiêu ổn định vùng nguyên liệu tại địa phương và một số vùng lân cận, tạo việc làm cho 200 lao động tại chỗ. Mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến cà phê chè bằng công nghệ ướt tại DNTN Thương mại và dịch vụ Thuận Phát ở huyện Krông Năng, quy mô 900 tấn quả tươi/năm, với kinh phí hỗ trợ là 90 triệu đồng đã mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho DN mà còn cho hoạt động sản xuất cà phê tại địa phương. Chất lượng cà phê sau thu hoạch tại các nông hộ luôn là điều trăn trở của ngành cà phê, bởi với phương thức chế biến truyền thống - chế biến khô - nên phần lớn chất lượng cà phê không đạt yêu cầu, chính vì vậy, với dây chuyền chế biến cà phê ướt mà đề án hỗ trợ đã góp phần nâng cao chất lượng cà phê sau chế biến tại các nông hộ trên địa bàn huyện. Hay như mô hình sản xuất gạch không nung tại Công ty TNHH Hoàng Dũng, huyện Ea H’leo, là công nghệ bán dẻo được ứng dụng sản xuất lần đầu tiên tại Dak Lak nhằm tận dụng nguyên liệu là phế phẩm từ các công trình xây dựng, đất đồi… để sản xuất ra sản phẩm gạch không nung có giá trị kinh tế cao. Mô hình ứng dụng tiến bộ công nghệ sản xuất gạch Taplo bê tông tại Xí nghiệp Việt Hà, thị xã Buôn Hồ, công suất 1.200 viên/ngày sản xuất ra gạch Taplo đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng TCVN 1450-1998 cho gạch xây dựng, vừa góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp vừa bảo vệ môi trường.

Từ sự hỗ trợ của các đề án khuyến công mà nghề truyền thống ở nhiều địa phương có điều kiện phát triển. Đó là với mô hình sơ chế nguyên liệu mây tre đan triển khai tại Công ty TNHH Khải Việt, huyện Krông Bông và HTX Mây tre đan Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột năm 2010 nhằm tận dụng nguyên liệu sẵn có tại địa phương để cung cấp sản phẩm sau sơ chế cho các đơn vị sản xuất thành phẩm mỹ nghệ mây tre đan của tỉnh. Từ đó, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động tại địa phương…

Với các dây chuyền, công nghệ kỹ thuật được đề án khuyến công hỗ trợ sau khi được DN ứng dụng vào thực tế đã góp phần giúp DN mở rộng quy mô sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh, tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập cho người lao động, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vùng nông thôn. Tuy nhiên, việc tổ chức, nhân rộng mô hình cũng gặp không ít khó khăn do nguồn kinh phí hỗ trợ quá hạn hẹp so với nhu cầu. Ngay như đối với ngành sản xuất, chế biến cà phê, tỉnh có hẳn nghị quyết về việc chuyển đổi công nghệ chế biến cà phê khô sang chế biến ướt nhằm nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản xuất, tăng giá trị xuất khẩu, nhưng do yêu cầu vốn để chuyển đổi công nghệ khá lớn nên không mấy DN có đủ khả năng, tiềm lực tài chính để đầu tư.

Yên Ninh

Ý kiến bạn đọc