Multimedia Đọc Báo in

Kiềm chế lạm phát cuối năm: Tăng cường kiểm soát và xử lý vi phạm về giá

08:25, 12/10/2011

Để bình ổn giá cả thị trường, kiềm chế lạm phát những tháng cuối năm, cơ quan chức năng phải theo dõi sát diễn biến thị trường  để đưa ra các giải pháp điều hành phù hợp, tăng cường kiểm soát và xử lý vi phạm...

Theo đánh giá của Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính): chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 2 tháng qua đã liên tiếp giảm với mức tăng dưới 1%/tháng; trong đó tháng 9 chỉ tăng 0,82% và là mức tăng thấp nhất từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, tính chung tốc độ tăng giá tiêu dùng trong 9 tháng, CPI trung bình lên tới 1,72%/tháng, đây là tốc độ tăng rất mạnh trong những năm gần đây. Như vậy, CPI 9 tháng đã tăng tới 16,63%, nếu với tốc độ tăng giá như hiện nay thì mục tiêu kiềm giữ CPI cả năm 18% là rất khó, là thách thức khá lớn cho công tác điều hành thị trường trong nước.

 

mua
Mặt hàng rau xanh dễ chịu tác động bất lợi của thời tiết

Theo Tổ điều hành thị trường trong nước (liên bộ), dự báo những tháng cuối năm có một số yếu tố tích cực tác động đến thị trường hàng hóa như: đồng USD tăng giá sẽ hạn chế đà tăng của nhiều mặt hàng nhập khẩu; nguồn cung một số hàng nông sản, thực phẩm trong nước đang được cải thiện sẽ giúp giá thực phẩm “hạ nhiệt”; lãi suất cho vay giảm; giá một số mặt hàng thiết yếu không biến động. Tuy nhiên, vẫn có một số yếu tố tác động gây tăng giá là: nhu cầu một số mặt hàng tăng vào cuối năm; thời tiết mùa mưa bão, dịch bệnh có thể tái phát, lương tăng từ đầu tháng 10; đặc biệt là Bộ Y tế dự kiến tăng viện phí gấp hàng chục lần. Các chuyên gia lưu ý, nếu thực hiện mức viện phí mới sẽ tác động rất lớn đến CPI,  vì vậy, việc điều hành giá cả thị trường cần lường trước khả năng này. Một điều cần lưu ý là, do bất ổn từ khâu tổ chức lưu thông, phân phối hàng hóa, đặc biệt  do giới tư thương chi phối đã đẩy một số mặt hàng thực phẩm tăng cao.

 

a
Tăng cường kiểm soát và xử lý vi phạm về giá

Chính vì vậy, để bình ổn giá cả thị trường, kiềm chế lạm phát những tháng cuối năm, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội, ngành hàng theo dõi sát diễn biến thị trường lương thực, thực phẩm để đưa ra các giải pháp điều hành phù hợp. Bộ Tài chính khẩn trương phổ biến và hướng dẫn thi hành Nghị định số 84/2011/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giá. Chính phủ  cũng tiếp tục xác định không để tái diễn tình trạng "đô la hóa" nền kinh tế;  tập trung cơ cấu lại đầu tư, kể cả đầu tư chung của nền kinh tế; trong đó sẽ phải xem xét kỹ từng dự án để chọn ra các dự án ưu tiên, từ đó chọn ra những dự án cần ưu tiên hơn.   

Chính phủ cũng khuyến cáo người dân có thể bằng hành động cụ thể của mình góp phần đồng hành cùng Chính phủ kiềm chế lạm phát. Thời gian qua, "lạm phát tâm lý" có vai trò rất quan trọng góp phần đưa lạm phát tăng cao, nhất là giảm lòng tin vào đồng tiền. Vì vậy, cần cảnh giác với những thông tin thất thiệt, chống nạn đầu cơ thổi giá trong những lĩnh vực nhạy cảm như mua bán vàng, ngoại tệ…

H.H (Tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc