Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực “bơm” vốn cho lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn

09:54, 17/10/2011

Số liệu của Chi nhánh NHNN tỉnh cho thấy: trong 9 tháng đầu năm 2011, dư nợ cho vay hầu hết các lĩnh vực đều giảm nhưng cho vay nông nghiệp – nông thôn (NN-NT) tăng. Đến đầu tháng 9-2011, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 29.460 tỷ đồng, trong đó, khoảng 12.230 tỷ đồng là dư nợ cho vay NN-NT.

Theo đánh giá chung, những năm qua, đặc biệt là từ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 41, ngày 12-4-2010 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển NN-NT, việc cho vay lĩnh vực này đã được các TCTD trên địa bàn quan tâm nên dư nợ cho vay tăng mạnh qua các năm. Tính đến thời điểm này, trừ Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT Dak Lak, các quỹ tín dụng nhân dân cơ sở - những đơn vị “chuyên” cho vay NN-NT - thì hầu hết các TCTD khác đều có những chính sách ưu đãi nhất định đối với khách hàng NN-NT. Tại Chi nhánh Ngân hàng Công Thương Dak Lak (Vietinbank Dak Lak), lãi suất cho vay NN-NT luôn thấp hơn các lĩnh vực khác, có thời điểm thấp hơn từ 3%-3,5%/năm. Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Vietinbank Dak Lak cho biết: chi nhánh luôn ưu tiên vốn cho khách hàng NN-NT, kể cả trong những trường hợp có khó khăn về nguồn vốn thì lĩnh vực này vẫn được bảo đảm, dư nợ cho vay NN-NT luôn tăng từ 50 đến 100 tỷ đồng qua mỗi năm. Tính đến nay, dư nợ cho vay lĩnh vực này khoảng 400 tỷ đồng, tương đương 25%/tổng dư nợ toàn chi nhánh. Dù vụ thu hoạch cà phê chưa đến nhưng các khách hàng kinh doanh cà phê (khách hàng cũ) đã được cấp hạn mức tín dụng bảo đảm đủ vốn phục vụ thu mua, xuất khẩu. Tương tự, tại Chi nhánh Ngân hàng TMCP Đông Á Dak Lak (DongA Bank Dak Lak), theo phản ánh của nhiều khách hàng, ngoài việc áp dụng lãi suất thấp hơn các khoản vay khác, cán bộ tín dụng còn tích cực hỗ trợ khách hàng ngay từ khi họ có nhu cầu vay vốn nên thời gian hoàn tất các hồ sơ, thủ tục được rút ngắn đáng kể. Có lẽ nhờ thế mà dư nợ cho vay NN-NT của DongA Bank Dak Lak tăng mạnh qua các năm. Tính đến nay, tại phòng giao dịch các huyện Cư M’gar, Ea Kar, Krông Pak và thị xã Buôn Hồ, số khách hàng cũng như dư nợ cho vay NN-NT chiếm từ 70%-80%... DongA Bank Dak Lak cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục thành lập mới hoặc mở rộng phạm vi hoạt động của các phòng giao dịch ở khu vực nông thôn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Vốn tín dụng góp phần quan trọng trong việc cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp.
Vốn tín dụng góp phần quan trọng trong việc cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp.
Dù rất cố gắng song cũng phải thừa nhận rằng, nhu cầu vốn của khu vực NN-NT nói chung, nông dân nói riêng vẫn còn rất lớn; những bất cập trong giải quyết cho vay chưa được khắc phục một cách hiệu quả. Chẳng hạn, Nghị định 41 cho phép TCTD xem xét cho vay không có bảo đảm bằng tài sản tối đa 50 triệu đồng đối với khách hàng là cá nhân, hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; tối đa đến 200 triệu đồng đối với các hộ kinh doanh, sản xuất ngành nghề hoặc làm dịch vụ phục vụ NN-NT; tối đa đến 500 triệu đồng đối với khách hàng là các hợp tác xã, chủ trang trại. Tuy nhiên, trong thực tế, không nhiều TCTD mạnh dạn giải ngân đối với những khoản vay không có tài sản bảo đảm, nên số khách hàng được vay theo hình thức này chưa nhiều. Tương tự, Nghị định 41 quy định: “Nông thôn là phần lãnh thổ không thuộc nội thành, nội thị các thành phố, thị xã, thị trấn, được quản lý bởi cấp hành chính cơ sở là UBND xã”. Với quy định này, nhiều khách hàng hoạt động sản xuất, kinh doanh ở xã, nhưng hộ khẩu cư trú tại phường, thị trấn sẽ không được các TCTD cho hưởng chính sách tín dụng NN-NT.

Tài sản của nông dân gắn liền với đất đai nhưng còn một bộ phận lớn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; sản xuất-kinh doanh nhỏ lẻ, trình độ hạn chế, thiếu phương án sản xuất-kinh doanh; món vay nhỏ làm tăng chi phí quản lý… luôn là những khó khăn làm ảnh hưởng đến cho vay NN-NT đã được nhắc đến nhiều lần, nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục một cách hiệu quả. Nhiều khách hàng đề nghị, Nhà nước nên sớm có đánh giá về kết quả, khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động cho vay NN-NT để có điều chỉnh kịp thời.

Lê Ngọc

Ý kiến bạn đọc