Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng

09:55, 30/10/2011

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa trình Chính phủ Dự thảo Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Theo đó, thị trường vàng sẽ được tổ chức lại theo hướng ngăn ngừa hoạt động đầu cơ vàng, hạn chế kinh doanh vàng miếng nhưng vẫn bảo đảm quyền tích trữ vàng, mua bán vàng của người dân…

Bất ổn thị trường vàng
Theo đánh giá chung, thị trường vàng trong thời gian qua đang tồn tại nhiều bất ổn. Chẳng hạn, một số doanh nghiệp (DN) lợi dụng chức năng kinh doanh vàng trong giấy phép để môi giới, tổ chức các sàn giao dịch vàng nhỏ làm chân rết cho các sàn vàng lớn, liên kết làm giá, đầu cơ trên thị trường, mua bán ngoại tệ trái phép, tung tin thất thiệt ảnh hưởng tâm lý của người dân về giá vàng và ngoại tệ để đầu cơ trục lợi. Hoạt động buôn lậu vàng qua biên giới diễn ra tương đối phổ biến, nhất là tình trạng xuất khẩu vàng nguyên liệu trá hình dưới dạng vàng trang sức. Trên thị trường còn tồn tại một số DN sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ không bảo đảm chất lượng, giả mẫu mã của các đơn vị có uy tín làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng và uy tín của những DN làm ăn chân chính….

 

a

Ảnh minh họa

 

Theo NHNN, có 6 nguyên nhân chính gây ra những bất ổn của thị trường vàng trong thời gian qua. Đó là, trong những năm gần đây, giá vàng thế giới liên tục biến động theo chiều hướng tăng cao đã làm tăng tình trạng đầu cơ, tích trữ vàng của người dân và DN. Tình hình kinh tế vĩ mô chưa ổn định, lạm phát cao đã làm cho tâm lý mua, nắm giữ vàng gia tăng. Việc vàng miếng SJC chiếm thị phần lớn (trên 90%) cũng tạo lợi thế độc quyền tự nhiên, mỗi khi giá vàng biến động, tình trạng khan hiếm vàng SJC làm cho thị trường biến động mạnh hơn. Sự phân tán, chưa rõ ràng trong các quy định về chức năng quản lý Nhà nước của NHNN đối với hoạt động kinh doanh vàng cũng đã tạo ra nhiều kẽ hở trong quản lý, gây nên những tác động bất lợi khi thị trường có biến động. Những bất cập trong quy định của Nghị định 174/1999/NĐ-CP ngày 9-12-1999 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (NĐ 174) cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra những bất ổn đối với thị trường vàng. Từ năm 2007, thị trường vàng có những thay đổi lớn, giá vàng thế giới biến động mạnh theo chiều hướng tăng, các quy định cũ không còn phù hợp với thực tế, gây nên những tác động tiêu cực tới thị trường. Và nguyên nhân cuối cùng, đó là do những bất cập trong quy định về huy động và cho vay vốn bằng vàng. Thời gian đầu, hoạt động này có tác dụng huy động số vàng tích trữ trong dân để phục vụ phát triển. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, khi thị trường vàng quốc tế và trong nước có những biến động mạnh, các TCTD đã thực hiện cho vay vàng đối với cá nhân, mua bán vàng miếng quy mô lớn trên thị trường làm gia tăng đầu cơ, thị trường ngầm về vàng diễn biến phức tạp, tăng nhập lậu vàng, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tiền tệ, ngoại hối và tỷ giá. Trước các tác động tiêu cực của hoạt động này, trong năm 2010 và năm 2011, NHNN đã ban hành các thông tư nhằm hạn chế, tiếp đó là chấm dứt hoạt động huy động và cho vay vốn bằng vàng của TCTD.

Siết chặt quản lý Dự thảo Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng lần này được xây dựng theo hướng tổ chức lại thị trường vàng thông qua việc NHNN quản lý chặt chẽ và can thiệp mạnh vào thị trường vàng nhằm ngăn ngừa hoạt động đầu cơ vàng, hạn chế kinh doanh vàng miếng nhưng vẫn bảo đảm quyền tích trữ vàng, mua bán vàng của người dân.

 

a

Ảnh minh họa

 

Theo đó, NHNN quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất vàng miếng. Để được NHNN cấp phép sản xuất vàng miếng, các DN phải đáp ứng các điều kiện, gồm: là DN được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký hoạt động sản xuất vàng miếng trong Giấy chứng nhận đăng ký DN; có vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng trở lên; có địa điểm, cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động sản xuất vàng miếng; chiếm từ 25% thị phần sản xuất vàng miếng trong nước trở lên trong 3 năm liên tiếp gần nhất. Dự kiến với các điều kiện nêu trên, số lượng DN được phép sản xuất vàng miếng sẽ giảm xuống đáng kể. Tương tự, Dự thảo bổ sung quy định coi kinh doanh, mua bán vàng miếng là hoạt động kinh doanh có điều kiện, có cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Để được NHNN cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh mua bán vàng miếng, các DN phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: là DN thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên; có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng từ 2 năm trở lên; có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong 2 năm liên tiếp gần nhất; có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên. Như vậy, sẽ chỉ còn một số DN, TCTD có khả năng tài chính, kinh nghiệm, uy tín trong lĩnh vực kinh doanh vàng được phép tiếp tục thực hiện mua bán vàng miếng. Riêng hoạt động sản xuất, mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ sẽ được quản lý chặt chẽ hơn. Chẳng hạn, hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ phải được NHNN cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; hoạt động mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ, cũng là hoạt động kinh doanh có điều kiện nhưng không cần cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh... Điểm quan trọng trong Dự thảo là NHNN được phép can thiệp bình ổn thị trường vàng thông qua các cấp phép sản xuất vàng miếng; tổ chức mua bán vàng miếng trên thị trường trong nước; tổ chức xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu; tổ chức huy động vàng. Ngoài ra, Nhà nước sẽ thực hiện điều tiết thị trường vàng thông qua chính sách thuế. Theo quy định này, ngoài chính sách thuế xuất khẩu, nhập khẩu vàng, Bộ Tài chính sẽ làm đầu mối kiến nghị việc ban hành chính sách thuế đối với kinh doanh vàng trong nước như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập nhằm giảm tính hấp dẫn của việc mua bán, tích trữ vàng miếng.

Lê Ngọc


Ý kiến bạn đọc