Multimedia Đọc Báo in

Doanh nghiệp chủ động chuẩn bị hàng Tết

09:20, 15/11/2011

Các doanh nghiệp chủ lực trong lĩnh vực cung ứng thương mại đã lập kế hoạch dự trữ hàng Tết với tổng trị giá gần 200 tỷ đồng, tập trung cho nhóm hàng thực phẩm công nghệ và thực  phẩm tươi sống. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã đồng ý tạm ứng 26,5 tỷ đồng từ ngân sách địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp dự trữ hàng hóa, góp phần ổn định giá cả thị trường trên địa bàn dịp cuối năm 2011...

Từ tháng 7, Sở Công thương đã có công văn gửi các huyện về việc bảo đảm cung cầu hàng hóa bình ổn thị trường dịp cuối năm. Các huyện đã khảo sát, lập kế hoạch cung ứng hàng hóa, có phương án hỗ trợ doanh nghiệp theo cụm địa bàn để thuận tiện trong việc điều tiết và ứng phó với thị trường tại chỗ và các vùng lân cận được kịp thời. Các doanh nghiệp chủ lực trong lĩnh vực cung ứng thương mại đã lập kế hoạch dự trữ hàng tết với tổng trị giá gần 200 tỷ đồng, tập trung cho nhóm hàng thực phẩm công nghệ và thực  phẩm tươi sống. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã đồng ý tạm ứng 26,5 tỷ đồng từ ngân sách địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp dự trữ hàng hóa, góp phần ổn định giá cả thị trường trên địa bàn dịp cuối năm 2011, cũng như trước, trong  và sau Tết Nhâm Thìn. Năm 2010 có 2 doanh nghiệp được hỗ trợ nguồn vốn này là Công ty TNHH Thương mại - dịch vụ Sài Gòn- Buôn Ma Thuột (Co.op Mart) và HTX Hòa Tiến; năm nay có thêm 3 doanh nghiệp ở các huyện là : HTX Cơ giới Vận tải Krông Năng (huyện Krông Năng), Công ty TNHH Một thành viên Kim Tấn Tài (huyện Ea Kar), Công ty Cổ phần Đầu tư quản lý chợ Ea H’leo (huyện Ea H’leo). Doanh nghiệp được tạm ứng vốn trong vòng 3 tháng, từ đầu tháng 10-2011 đến hết tháng 1-2012 để dự trữ hàng hóa, chủ yếu là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết như gạo, đường, thịt gia súc, gia cầm…; bảo đảm giá bán tới tay người tiêu dùng  thấp hơn thị trường 5-10%, không bán sỉ, không tăng giá đột biến, không tăng giá khi giá thị trường tăng.

Doanh nghiệp chủ động chuẩn bị nguồn hàng Tết dồi dào, phong phú.
Doanh nghiệp chủ động chuẩn bị nguồn hàng Tết dồi dào, phong phú.
Đến thời điểm này, việc cung ứng hàng bình ổn đang được các doanh nghiệp khẩn trương triển khai. Tại Công ty TNHH Một thành viên Kim Tấn Tài (huyện Ea Kar), lượng hàng hóa nhập về kho đã tăng khoảng 30% so với tháng trước. Bà Dung, người quản lý doanh nghiệp này cho biết: Nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh chứng tỏ sự quan tâm đến kênh phân phối thị trường nông thôn một cách thiết thực, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường. Là đầu mối chuyên phân phối các mặt hàng tiêu dùng cho các đại lý bán lẻ và trực tiếp bán lẻ, doanh nghiệp luôn chú trọng cung ứng hàng hóa bảo đảm chất lượng với giá cả ổn định, thực hiện niêm yết và bán theo giá niêm yết. Thông thường dịp tết sức mua tăng gấp 3 ngày thường, năm nay nông sản được giá, dự kiến sức mua sẽ tăng khoảng 20-25% so với năm trước, mức lưu chuyển hàng hóa khoảng 30 tỷ đồng/ tháng. Công ty đã làm việc với các nhà sản xuất để chủ động nguồn hàng, tập trung vào những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu dịp tết như bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm chế biến…Với đội xe gồm 10 xe tải từ 1,4 tấn-2 tấn, công ty sẽ chủ động được thời gian chuyên chở hàng hóa, giảm chi phí vận chuyển trung gian. Do đó, dù thị trường cuối năm có biến động tăng theo quy luật, công ty vẫn bảo đảm cung ứng hàng hóa bảo đảm chất lượng với giá cạnh tranh. Tại Co.op Mart Buôn Ma Thuột, từ đầu tháng 11 bắt đầu tiến hành nhập hàng tết. Ông Nguyễn Anh Tiến, phó giám đốc siêu thị cho biết: Dịp tết năm trước, doanh số bán hàng của siêu thị đạt hơn 60 tỷ đồng, dự kiến sức mua dịp tết này tăng 20-30%. Để đáp ứng yêu cầu, siêu thị đã mở rộng kho bãi, dự trữ lượng hàng tết với tổng trị giá hơn 46 tỷ đồng, trong đó hàng thực phẩm công nghệ chiếm khoảng 38 tỷ đồng, tập trung vào những mặt hàng sản xuất trong nước. Siêu thị sẽ bán hàng bình ổn gồm 7 nhóm hàng: dầu ăn, đường, gạo nếp, rau củ, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng. Đến nay, siêu thị đã chốt giá với nhà cung cấp chính về các nhóm hàng thiết yếu nhằm để bảo đảm giá bình ổn ngay cả trong những ngày cận tết. Đối với những hàng không dự trữ như rau củ quả, thực phẩm tươi sống, siêu thị đã có kế hoạch ứng vốn cho các nhà vườn, các HTX sản xuất … rồi chuyển dần về theo đơn đặt hàng. Nhằm tạo sự thuận tiện cho khách hàng khi sức mua tăng cao, siêu thị đã có kế hoạch tăng số lượng nhân sự khoảng 30%, tăng ca, kéo dài thời gian mở cửa, tăng số lượng quầy thu ngân. Khi hàng rót về bị thiếu sẽ có biện pháp giới hạn số lượng mua, điều hàng từ tổng kho về, tránh tình trạng khan hàng, sốt giá cục bộ. Hiện siêu thị đang tuyển lao động thời vụ để bố trí thực hiện các công việc bán hàng, gói quà, giao hàng tận nhà … Ngoài điểm phân phối chính tại TP. Buôn Ma Thuột, doanh nghiệp đang triển khai đợt bán hàng lưu động tại các huyện với giá niêm yết tại siêu thị, gồm khoảng 200 mặt hàng thiết yếu thuộc các ngành hàng: thực phẩm công nghệ, hóa mỹ phẩm, đồ dùng gia đình, may mặc. HTX Hòa Tiến cũng đã chủ động nhập 1.000 tấn muối nguyên liệu và vật tư cần thiết với trị giá hơn 3 tỷ đồng để sản xuất muối I ốt, hiện đang khẩn trương đóng gói đưa hàng về các huyện. Bên cạnh kênh phân phối truyền thống là các cửa hàng bán lẻ, HTX còn tổ chức các chuyến xe lưu động đưa hàng đến tận tay người tiêu dùng.

Trong những ngày tới , Sở Công thương và UBND 3 huyện có doanh nghiệp được hỗ trợ vốn dự trữ hàng hóa sẽ giám sát, kiểm tra việc thực hiện để hàng hóa dự trữ  bảo đảm về số lượng, chủng loại, giá cả đã cam kết. Sự chuẩn bị tích cực của doanh nghiệp và sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý sẽ bảo đảm nguồn cung hàng tết Tết Nhâm Thìn, góp phần ổn định thị trường.

Hoa Hồng

Ý kiến bạn đọc