Góp phần thúc đẩy du lịch Dak Lak phát triển: Đa dạng hóa phương thức xây dựng và quảng bá sản phẩm
18:29, 06/11/2011
Vừa qua, ngành du lịch (DL) Dak Lak phối hợp ngành DL Hà Nội đã tiến hành đợt khảo sát sản phẩm DL tại Dak Lak và tổ chức tọa đàm “Hợp tác phát triển DL Hà Nội - Buôn Ma Thuột” với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lữ hành miền Bắc và miền Trung. Trên tinh thần hợp tác xây dựng, các doanh nghiệp đã đóng góp những ý kiến bổ ích cho sự phát triển DL Dak Lak, trong đó nội dung được tập trung bàn luận là việc đa dạng hóa phương thức xây dựng và quảng bá sản phẩm.
Thác nước là một trong những sản phẩm du lịch có sức thu hút du khách. |
Công tác quảng bá DL cần nhấn mạnh đến tính đặc thù của sản phẩm, tìm ra sự khác biệt giữa các vùng, miền mới để thu hút du khách. Dak Lak có ưu thế trong việc xây dựng những sản phẩm DL khác hẳn Đà Nẵng, dựa trên cơ sở núi non hùng vĩ, rừng già thác nước và những điều kiện sinh thái tự nhiên, nên những sản phẩm DL voi, DL cà phê, DL mạo hiểm với ghềnh thác, rừng nguyên sinh… cần được đầu tư phát triển. Điều cần lưu ý là khi đã làm ra sản phẩm rồi thì phải tiến hành tuyên truyền quảng bá, mới bán được sản phẩm. Do hạn chế trong quảng bá nên thông tin về Dak Lak chỉ mới chiếm một vùng rất nhỏ trong thông tin cho du khách. Một số lễ hội tổ chức tại Dak Lak thời gian qua đều không có chương trình cụ thể cho các hãng lữ hành Đà Nẵng, nên hãng không thể chủ động thiết kế tour đưa khách lên; mỗi khi cần thông tin, các hãng lại phải gọi điện hỏi, rất mất công. Theo tôi, cần chú trọng hình thức quảng bá sâu qua các chuyến khảo sát, gặp gỡ hỏi - đáp trực tiếp giữa DN DL các địa phương. Qua các chuyến khảo sát này, DN lữ hành Đà Nẵng có cơ hội nhìn nhận đầy đủ, xác thực về DL Dak Lak như một xứ sở bình yên, tươi đẹp, mến khách; giao thông đôi bên lại khá thuận lợi cả đường hàng không lẫn đường bộ nên rất thuận tiện cho việc ký thỏa thuận hợp tác, cam kết bắt tay nhau để bán tour, nối tour, kết nối DL giữa các vùng, miền. Tuy khách DL nội địa chưa biết nhiều đến Buôn Ma Thuột, nhưng khách quốc tế rất quan tâm đến vùng đất này, sau khi đến Đà Nẵng họ thường chuyển tiếp đến Buôn Ma Thuột bằng đường hàng không, vì vậy DN DL phải nắm bắt điều đó để hợp tác liên kết tour cho du khách, nên xây dựng tour trọn gói Vietnam Airlines tuyến Hà Nội - Đà Nẵng- Buôn Ma Thuột với giờ bay đẹp, máy bay đủ chỗ, giá rẻ, đón đưa khách tận sân bay…
Ông Nguyễn Minh Quyền (Giám đốc Benthanh Tourist Ha Noi): Nắm bắt thị hiếu du khách để thiết kế sản phẩm du lịch phù hợp
Có một thực tế là DL tự do đang có xu hướng gia tăng, đối tượng loại hình DL này thường là giới trẻ, thích đi tự do đến những nơi mình yêu thích, tự do quản lý thời gian DL của mình, muốn khám phá cuộc sống, cảnh quan nơi xa lạ - nhất là những nơi còn giữ được cảnh đẹp hoang sơ. Do đó, doanh nghiệp DL cần lưu ý loại hình khách lẻ, thiết kế tour phù hợp sao cho thỏa mãn tối đa tự do cá nhân của du khách mà vẫn bảo đảm an toàn, tiết kiệm chi phí. Đơn cử như tour DL khuyến mãi vào mùa hè cho sinh viên, khuyến mãi DL cuối tuần, tránh những dịp lễ để giảm tải, giảm chi phí…
Hội đua voi tại khu du lịch sinh thái Buôn Đôn. Ảnh:T.S |
Doanh nghiệp là nhà đầu tư, muốn đầu tư hiệu quả phải nghiên cứu kỹ thị trường để thiết kế sản phẩm phù hợp. Sản phẩm DL Tây Nguyên nói chung, Dak Lak nói riêng rất phù hợp với khách DL quốc tế, DL khám phá. Đáng lưu ý là khách DL quốc tế rất chuộng sản phẩm DL Home stay, do dó ngành DL nên khuyến khích đầu tư xây dựng và phát triển loại hình sản phẩm này. Homestay là du khách cùng ở tại nhà, cùng sinh hoạt với người dân địa phương, cũng đồng nghĩa là giá cả bình dân, nhưng chất lượng thì không thể bình dân, vì du khách quốc tế thường yêu cầu rất khắt khe về dịch vụ thiết yếu. Đơn cử, nhà trọ trong dân cũng phải bảo đảm “đủ và sạch” từ những hạng mục “nhỏ” như nơi nghỉ ngơi, tắm rửa, vệ sinh... đồng thời phải có đủ thông tin cho du khách tìm hiểu như dịch vụ tour tuyến lân cận, đặt vé máy bay, sách báo nước ngoài, wifi... Khách đến với Home stay là để sống trong không gian văn hóa bản địa, khám phá nguyên bản gốc gác một vùng đất, một dân tộc . Khảo sát sản phẩm Home stay tại một số buôn ở các điểm du lịch như Lak, Buôn Đôn, tôi rất thú vị với những nét truyền thống còn lưu giữ, với người dân bản địa thân thiện, mến khách; nhưng cũng bị “dị ứng” với một số điểm như: vệ sinh môi trường chưa tốt, nơi ăn, nghỉ của khách chưa được chăm chút, rồi hiện tượng cầu thang bê tông giả gỗ, diễn viên múa dân tộc trang điểm quá đậm, biểu diễn cồng chiêng dưới ánh điện sân khấu…Có lẽ đó là một trong những nguyên nhân khiến sản phẩm Home stay mới dừng ở dạng “tiềm năng”. Muốn phát triển được, phải có sự vào cuộc thống nhất giữa các doanh nghiệp DL, người dân địa phương và cơ quan chức năng để loại hình này bảo đảm hài hòa các yếu tố: an toàn, vệ sinh, cơ sở hạ tầng giao thông thuận tiện, người dân được đào tạo, hướng dẫn kỹ năng giao tiếp, cách thức tổ chức và phục vụ từng đối tượng khách cụ thể, từ những chi tiết nhỏ nhất như phòng nghỉ, các món ăn; hướng dẫn khách trong các sinh hoạt của gia đình, cách trò chuyện với khách, giới thiệu văn hoá của địa phương…Từ thực tế địa phương, tôi cho rằng nếu được thiết kế bài bản, khoa học, sản phẩm “Một ngày làm nông dân” để cùng trải nghiệm đời sống lao động, sinh hoạt của đồng bào dân tộc tại chỗ sẽ có sức hấp dẫn đặc biệt với du khách.
Hoa Hồng
Ý kiến bạn đọc