Nông dân Cư M’gar với nhiều mô hình sản xuất hiệu quả cao
Với tiêu chí sản xuất đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả cao; biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất…, trong những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ở Cư M’gar đã được đông đảo người dân hưởng ứng mạnh mẽ. Mỗi cá nhân, mỗi hộ gia đình đều có cách nghĩ, cách làm khác nhau, nhưng họ đều là những người tiên phong trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để vượt khó vươn lên làm chủ cuộc sống và làm giàu chính đáng…
Theo thống kê của Hội Nông dân huyện, đến năm 2011 Cư M’gar có đến 7.619 hộ đạt danh hiệu Sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Trong đó, cấp tỉnh có 1.101 hộ, cấp huyện 2.228 hộ và cấp xã là 3.938 hộ. Số hộ có thu nhập cao trên 500 triệu đồng/năm ngày càng nhiều và số hộ xản xuất kinh doanh giỏi trong lớp trẻ ngày càng đông…
Điển hình trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất ở Cư M’gar phải kể đến anh Đỗ Văn Thoáng ở thôn 9 xã Ea Kiết với mô hình ghép cải tạo vườn cà phê năng suất thấp, kém chất lượng bằng phương pháp ghép gửi. Trước tình hình sản xuất cà phê luôn gặp nhiều khó khăn như diễn biến thời tiết thất thường, ve sầu gây hại, vật tư phân bón tăng cao… không ít hộ dân buộc phải chuyển đổi cà phê sang trồng các loại khác. Không như họ, anh Thoáng mạnh dạn quyết định cải tạo lại 1,5 ha cà phê của mình bằng phương pháp ghép gửi theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông. Phương pháp ghép này đòi hỏi phải bảo đảm kỹ thuật tạo tán, tỉa cành làm sao để phân chia ánh sáng, tạo chồi ở gốc để ghép nhưng vẫn duy trì bộ tán trên giúp cây vẫn cho trái. Lọ mọ học hỏi, nghiên cứu cùng với kinh nghiệm bản thân anh Thoáng đã ghép thành công cả 1,5 ha cà phê bằng giống chồi ghép dòng cà phê năng suất cao do Viện Khoa học kỹ thuật Nông - lâm nghiệp Tây Nguyên tạo ra. Và kết quả thật bất ngờ, vườn cà phê ghép của anh Thoáng năm nay trĩu quả, hạt to và đồng đều. Anh Thoáng ước tính, sản lượng cà phê thu được năm nay trên diện tích này phải đạt từ 9-10 tấn, đạt cao chưa từng thấy từ trước đến nay. Thành công với phương pháp ghép cải tạo vườn cây, anh Thoáng đã tận tình hướng dẫn giúp hàng trăm hộ dân trong vùng ghép gửi chồi, cải tạo lại vườn cây, góp phần tăng năng suất đáng kể cho cây cà phê.
Mô hình kinh tế trang trại là hướng đi đúng, giúp người nông dân phát triển kinh tế ổn định, vươn lên làm giàu. |
Đến thôn Hiệp Tiến, xã Quảng Hiệp, ghé thăm cơ ngơi khang trang của anh Nguyễn Văn Hạnh, có lẽ ít người có thể hình dung được cách đây chỉ hơn 10 năm tài sản của anh chỉ là hai bàn tay trắng. Bên ấm chè xanh “đặc sản” của người dân xứ Nghệ, anh Hạnh đúc kết lại kinh nghiệm làm giàu của mình chỉ với hai chữ “quyết tâm”…Xuất ngũ năm 1985, anh rời quê hương Hưng Nguyên (Nghệ An) vào Quảng Hiệp ở nhờ nhà người bác ruột. Lận đận làm thuê, cuốc mướn cả mấy năm ròng, tiền công kiếm được cũng chỉ vừa đủ nuôi thân. Cho đến khi lập gia đình, tài sản của anh cũng chỉ có hai bàn tay trắng. Trách nhiệm với bản thân, với gia đình đã thôi thúc anh quyết tâm vượt khó vươn lên làm chủ cuộc sống. Nhưng bằng cách nào đây? Suy nghĩ nát óc, anh quyết định gắn bó với nghề nông theo cách của cha ông ta “Lấy ngắn nuôi dài, tích tiểu thành đại”. Không có đất sản xuất, anh đánh liều đi thuê để đầu tư trồng các loại cây ngắn ngày như: rau, củ, quả…, kết hợp với chăn nuôi heo, gà. Nhờ nhanh nhạy áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất chăn nuôi, cộng với bản tính cần cù chịu khó nên chỉ một thời gian ngắn gia đình anh Hạnh đã tích lũy được một số vốn kha khá và mua được 2 ha đất. Trên diện tích này, anh trồng 2000 cây cà phê, xen lẫn vào đó là 50 cây sầu riêng. Phần diện tích còn lại anh dành 2 sào để trồng cỏ nuôi bò và 1 sào rào lưới nuôi gà. Mô hình đa cây đa con này của anh Hạnh đã thực sự phát huy hiệu quả và là một trong những điển hình tiên tiến trong phong trào nông dân sản xuất giỏi ở xã Quảng Hiệp. Với cách làm này, mỗi năm gia đình anh Hạnh đã có thu nhập gần 300 triệu đồng sau khi trừ mọi chi phí đầu tư.
Sản xuất kinh doanh giỏi không chỉ giúp nhiều hộ nông dân ở Cư M’gar tăng được thu nhập, vươn lên làm giàu chính đáng mà còn giúp nhiều hộ tích lũy được vốn để mở rộng quy mô sản xuất theo hướng trang trại. Ông Trần Văn Cường, Hội trưởng Hội Nông dân huyện Cư M’gar cho biết, toàn huyện hiện đang có 256 trang trại với tổng diện tích đất sản xuất lên đấn 2090 ha. Các mô hình trang trại này đã giải quyết được việc làm cho trên 1000 lao động tại địa phương với tổng thu nhập mỗi năm lên đến trên 45,8 tỷ đồng. Mô hình phát triển trang trại đã góp phần đáng kể cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm và tạo ra một lượng sản phẩm hàng hóa nông nghiệp lớn cho thị trường; thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện một cách toàn diện và có hiệu quả.
Ý kiến bạn đọc