Multimedia Đọc Báo in

Sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP, mô hình lý tưởng trong việc liên kết bốn “nhà”

18:22, 06/11/2011

Mô hình liên kết 4 “nhà” (nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nước) trong sản xuất nông nghiệp là ý tưởng đã được nung nấu từ lâu nhưng chưa thực hiện được, do các “nhà” chưa tìm được tiếng nói chung cần thiết. Thời gian gần đây, với quyết tâm của các cấp chính quyền, các doanh nghiệp, sự tâm huyết của các nhà khoa học, cùng nhận thức ngày một nâng cao của người nông dân, mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP đang dần trở thành mô hình lý tưởng cho mối liên kết này.

Từ trước đến nay trong sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất rau nói riêng thường mạnh ai nấy làm. Doanh nghiệp chỉ biết bán sản phẩm, thu tiền…mà chưa dám chịu trách nhiệm đến cùng với nông dân. Các nhà khoa học nông nghiệp thường đứng ở đâu đó, rất xa. Nhà quản lý ngại “ôm rơm nặng bụng”. Nhà nông thì cứ theo kinh nghiệm cổ truyền: tự ý để giống, tự ý gieo cấy và bón phân, xịt thuốc…Sự manh mún, nhỏ lẻ đó đã làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, dẫn đến hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp không cao. Nhận thấy tiềm năng hiệu quả của việc sản xuất rau an toàn cũng như đặt quyết tâm khắc phục những yếu kém trong sản xuất nông nghiệp, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 07/2010/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, sơ chế, tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2010-2015. Với những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ trong đào tạo tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, sơ chế rau an toàn và chứng nhận quá trình sản xuất, sơ chế rau an toàn theo hướng VietGap; xây dựng, cải tạo và phục vụ trực tiếp sản xuất, sơ chế, tiêu thụ rau an toàn; chính sách về đất đai, hỗ trợ xúc tiến thương mại, chính sách tín dụng… đã tạo đòn bẩy cũng như điều kiện để gắn kết bốn “nhà”. Bằng việc thực hiện Nghị quyết này, lần đầu tiên mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP được triển khai trên diện tích lớn, thực hiện trải rộng trên 6 huyện, thị xã, thành phố có sự khác nhau về nhiều mặt.

Sản xuất rau an toàn theo hướng Việt GAP ở thị xã Buôn Hồ.
Sản xuất rau an toàn theo hướng Việt GAP ở thị xã Buôn Hồ.

Là người trực tiếp theo dõi việc xây dựng các mô hình  thí điểm đầu tiên, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật Nguyễn Huy Phát khẳng định, khi tham gia các mô hình, được hưởng lợi nhiều nhất là người nông dân và họ cũng chính là thành viên quan trọng nhất trong cả quy trình sản xuất rau an toàn. Qua các lớp tập huấn, ý thức của người nông dân được nâng lên rõ rệt. Họ được hưởng kỹ thuật tương tác theo hướng phát triển tiên tiến mà sản xuất nhỏ lẻ, riêng rẽ không tài nào thực hiện được. Việc cán bộ kỹ thuật trực tiếp ra đồng cùng nông dân có tác dụng chuyển tải thông tin hai chiều rất tốt, rất kịp thời. Bà Lê Thị Thu (tổ 1, phường Bình Tân, thị xã Buôn Hồ) cho biết, gia đình bà đã có nhiều năm trồng rau, nhưng đã phải thay đổi tập quán sản xuất sau khi tham gia các lớp tập huấn của dự án. Gia đình bà Thu đã bắt đầu sử dụng giống rau được cấp xác nhận, đã quen dần với biện pháp kỹ thuật trồng và chăm sóc khoa học, tạo thói quen ghi chép nhật ký đồng ruộng. Đây là tiền đề để xây dựng các vùng rau chất lượng cao, sản xuất theo hướng VietGAP. Với sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính quyền, sự nhập cuộc tích cực và tâm huyết của các nhà khoa học không chỉ làm cho nông dân yên tâm tham gia mô hình mà các doanh nghiệp cũng hăng hái “nhảy” vào. Giám đốc Công ty TNHH Chiến lược xanh Trần Kim Hội cho biết, công ty đầu tư khoảng 5 tỷ đồng cho toàn dự án sản xuất rau an toàn tại thị xã Buôn Hồ. Để bảo đảm tiêu thụ hết sản phẩm trên địa bàn thực hiện dự án cũng như chất lượng sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng thì riêng nhà máy sơ chế, sục ozôn, đóng gói với công suất 5 tấn/ngày (tại tổ 1 và 2, phường Bình Tân, thị xã Buôn Hồ), công ty đã đầu tư hết hơn 2,2 tỷ đồng. Với những tín hiệu tích cực đó, Bí thư Đảng ủy phường Bình Tân (thị xã Buôn Hồ) tin tưởng, đây là cơ hội để địa phương chuyển đổi những vườn cây già cỗi, biến vùng đầm lầy tại tổ 1 và 2 của phường trở thành khu vực sản xuất rau có giá trị kinh tế cao.

 

Để hoàn thiện quy trình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP đang còn rất nhiều việc phải làm, đòi hỏi sự nhập cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các bên liên quan. Nhưng như khẳng định của ông Nguyễn Huy Phát, việc liên kết 4 “nhà” như thí điểm vừa qua tại các mô hình đã khắc phục rất tốt sự chia cắt, trung gian, nhỏ lẻ trong sản xuất nông nghiệp.

Tiêu chuẩn Việt GAP (Good Agriculture Practice - GAP) là tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp tốt Việt Nam dựa trên 4 tiêu chí như: tiêu chuẩn về kỹ thuật sản xuất; an toàn thực phẩm gồm các biện pháp đảm bảo không có hóa chất nhiễm khuẩn hoặc ô nhiễm vật lý khi thu hoạch; môi trường làm việc mục đích nhằm ngăn chặn việc lạm dụng sức lao động của nông dân; truy tìm nguồn gốc sản phẩm. Tiêu chuẩn này cho phép xác định được những vấn đề từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

 

Giang Nam

Ý kiến bạn đọc