Multimedia Đọc Báo in

Sau hơn 1 năm thực hiện Nghị định 41 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp-nông thôn

Những chuyển biến đáng ghi nhận

08:10, 20/12/2011

Tập trung vốn cho vay với mức lãi suất thấp hơn các lĩnh vực khác; đơn giản hóa thủ tục cho vay; mở mới các điểm giao dịch tại địa bàn nông thôn… là những biện pháp mà các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh đã và đang áp dụng trong việc cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (NN-NT) theo Nghị định 41 của Chính phủ về chính sách tín dụng phát triển NN-NT.

Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Dak Lak cho biết: tính đến cuối tháng 10-2011, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt hơn 29.670 tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm. Trong đó dư nợ cho vay nông NN-NT đạt gần 12.380 tỷ đồng, tăng hơn 1.350 tỷ  đồng (tương đương tăng hơn 12%) so với đầu quý III-2010 (thời điểm bắt đầu thực hiện Nghị định 41). Tính đến nay, dư nợ cho vay NN-NT chiếm trên 41% dư nợ cho vay nền kinh tế của tỉnh, với hơn 298.000 khách hàng được tiếp cận nguồn vốn vay; trong  đó dư nợ ngắn hạn đạt hơn 8.430 tỷ đồng, chiếm trên 68% dư nợ cho vay NN-NT, số còn lại là dư nợ cho vay trung dài hạn. Trong khi dư nợ cho vay toàn nền kinh tế tăng chậm nhưng dư nợ riêng lĩnh vực NN-NT tăng mạnh như trên cho thấy các TCTD đã nỗ lực đáng kể trong việc “bơm vốn” cho lĩnh vực này.

Thực tế cho thấy, so với các lĩnh vực khác, cho vay NN-NT mang tính đặc thù và chứa đựng những khó khăn nhất định, trong đó khả năng xây dựng phương án, dự án sản xuất, kinh doanh của khách hàng còn nhiều hạn chế; giá trị món vay nhỏ, số lượng khách hàng lớn nên chi phí quản lý tăng cao. Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn mang tính tự phát, không theo quy hoạch nên thường gặp rủi ro khi thời tiết hay giá cả thay đổi bất thường… Những năm gần đây, cơ cấu kinh tế của tỉnh đã có chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa-hiện đại hóa, nhưng về cơ bản Dak Lak vẫn là tỉnh nông nghiệp, với giá trị  sản xuất của ngành nông nghiệp chiếm trên 50% GDP của tỉnh; Những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Dak Lak như  cà phê, cao su, hồ  tiêu… có sản lượng và giá trị xuất khẩu cao, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt trên 700 triệu USD/năm. Chính vì vậy, ngành ngân hàng Dak Lak xác định cho vay phát triển NN-NT là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của ngành trên địa bàn. Ngay sau khi Thống đốc NHNN ban hành Thông tư 14/2010/TT-NHNN ngày 14-6-2010 về hướng dẫn thực hiện Nghị định 41, Chi nhánh NHNN Dak Lak đã tổ chức hội nghị yêu cầu các TCTD tiếp tục tập trung ưu tiên vốn đẩy mạnh cho vay lĩnh vực NN-NT. Riêng Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT còn được giao nhiệm vụ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác tuyên truyền, chủ động tham mưu cho UBND các huyện tổ chức hội nghị triển khai Nghị định 41 và các văn bản có liên quan để khách hàng nắm bắt, tiếp cận nguồn vốn; tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị quy định rõ trách nhiệm của Chi nhánh NHNN tỉnh, các TCTD, UBND các cấp, các ngành, các tổ chức liên quan phối hợp triển khai Nghị định 41, trong đó quy định cụ thể trách nhiệm, quy trình xác nhận vay vốn không có bảo đảm bằng tài sản của UBND cấp xã. Những nỗ lực ấy đã tác động đáng kể đến các TCTD trong việc cho vay phát triển NN-NT.

Từ vốn tín dụng được vay, nhiều hộ nông dân có thêm điều kiện mua máy móc phục vụ sản xuất.
Từ vốn tín dụng được vay, nhiều hộ nông dân có thêm điều kiện mua máy móc phục vụ sản xuất.

Ngoài việc tăng cường công tác huy động nhằm có thêm vốn, các TCTD còn áp dụng nhiều ưu đãi như: ưu tiên vốn với lãi suất thấp, đơn giản hóa thủ tục xét cho vay, tăng mức cho vay… Phân tích dư nợ cho vay NN-NT cho thấy: mức cho vay trên 500 triệu đồng/món vay chiếm gần 21% dư nợ; mức cho vay từ 200 triệu đến dưới 500 triệu đồng chiếm 17% dư nợ, mức cho vay từ 50 triệu đến dưới 200 triệu đồng chiếm gần 32%. Đặc biệt, việc cho vay không có bảo đảm bằng tài sản cũng được các TCTD trên địa bàn tích cực triển khai đạt hơn 3.200 tỷ đồng, chiếm gần 16% dư nợ cho vay NN-NT… Từ nguồn vốn này, bà con nông dân đã có thêm điều kiện mở rộng và phát triển quy mô sản xuất, chăn nuôi; ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến vào quá trình sản xuất…., góp phần đáng kể trong việc chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa.

Theo các TCTD trên địa bàn, việc cho vay NN-NT sẽ đạt được kết quả cao hơn nếu một số bất cập trong thực tiễn sớm được giải quyết. Hiện tại, nguồn vốn huy động tại chỗ của các TCTD trên địa bàn chỉ đáp ứng được khoảng 40% dư nợ cho vay nền kinh tế, phần còn lại đều phải “trông chờ” vào việc điều hòa từ hội sở nên thường bị động về vốn, ảnh hưởng đến việc cho vay. Mặt khác, Nghị định 41 quy định các cá nhân, hộ gia đình khi đăng ký giao dịch bảo đảm để vay vốn tại TCTD phục vụ sản xuất, kinh doanh không phải nộp lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm, nhưng hiện các bộ, ngành liên quan vẫn chưa ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện, ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng vay vốn. Thêm nữa, cơ chế trích lập và sử dụng quỹ dự phòng rủi ro đối với cho vay lĩnh vực NN-NT chưa được ban hành khiến các TCTD gặp khó khăn trong việc xem xét, cơ cấu lại thời hạn trả nợ của khách hàng, hoặc quyết định cho khách hàng tiếp tục vay mới hay không, trong khi khách hàng chưa trả được dư nợ cũ đúng hạn. Công tác xử lý, thu hồi nợ không có bảo đảm bằng tài sản vẫn còn nhiều vướng mắc, chưa có quy định hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm của khách hàng vay vốn khiến các TCTD cũng e dè khi cho vay. Dù vậy, lãnh đạo các TCTD cũng khẳng định, trong thời gian tới, cho vay NN-NT sẽ tiếp tục được ưu tiên.

Trong tổng dư nợ cho vay NN-NT, cho vay chi phí sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp được các TCTD đặc biệt chú trọng nên dư nợ lĩnh vực này đạt 5.844 tỷ đồng, chiếm hơn 47% dư nợ cho vay NN-NT, với trên 188.800 khách hàng vay vốn; dư nợ cho vay kinh doanh sản phẩm, dịch vụ phục vụ nông, lâm, ngư nghiệp đạt 1.827 tỷ đồng, chiếm gần 15% dư nợ cho vay NN-NT, với 2.650 khách hàng được vay vốn; dư nợ cho vay sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ trên địa bàn nông thôn đạt 1.355 tỷ đồng, chiếm xấp xỉ 11% dư nợ cho vay NN-NT, với 87.740 khách hàng vay vốn; cho vay tiêu dùng khu vực nông thôn đạt 1.834 tỷ đồng, chiếm gần 15% dư nợ cho vay NN-NT với gần 16.000 khách hàng…

P.V


Ý kiến bạn đọc