Lúa lai về vùng xa
Chỉ vào những bao lúa đang còn cất trong nhà, anh Hoàng Văn Hùng (thôn 3, xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin) không giấu được niềm vui, nói: nhờ làm lúa lai nên đã hết năm rồi mà trong nhà vẫn còn gạo để ăn. Đó là nhờ ơn Đảng, ơn chính quyền đã đem giống lúa mới, năng suất cao đến cho bà con sản xuất để cái bụng không còn đói nữa.
Càng gần đến ngày cuối năm không khí lao động của bà con ở thôn 3, xã Cư Êwi càng sôi động, khẩn trương, ai cũng cố làm cho xong công việc đồng áng để chuẩn bị đón tết. Gia đình anh Hoàng Văn Hùng cũng đang chuẩn bị lúa giống để sạ cho kịp lịch thời vụ phấn khởi cho biết: vụ đông xuân 2010-2011, gia đình anh cùng với một số hộ trong thôn được cán bộ khuyến nông hướng dẫn làm giống lúa mới - lúa lai HR182. Lúc đầu còn nhiều bỡ ngỡ vì lượng giống sạ ít, bón phân, phun thuốc đều phải tuân theo quy trình, không giống với tập quán sản xuất trước kia. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại thì ngoài sự mong đợi của bà con vì năng suất cao, đạt trên 7 tạ/sào (trong khi vụ đông xuân vùng này chỉ đạt cao nhất 4-5 tạ/sào), chi phí sản xuất thấp hơn và cây lúa ít bị sâu bệnh hơn. Vì vậy, vụ đông xuân 2011-2012, gia đình anh sẽ tiếp tục gieo sạ bằng giống lúa lai. Còn với gia đình chị Hoàng Thị Hà vụ lúa vừa rồi cũng được tham gia mô hình sản xuất lúa lai do khuyến nông huyện triển khai, ngoài việc được hỗ trợ giống, vật tư, gia đình còn được hướng dẫn kỹ thuật ngâm ủ, gieo sạ và chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại lúa lai một cách khoa học. Khác với trước đây, bà con thường gieo sạ từ 15 - 20kg/sào, bón phân thì tùy vào khả năng của từng hộ. Còn bây giờ, theo hướng dẫn của cán bộ: chỉ cần sạ 4-5kg/sào, bón phân phải đúng thời kỳ, đúng liều lượng, đúng loại…cho nên chi phí giảm rất nhiều nhưng năng suất lại tăng cao, đạt 7-8 tạ/sào. Gia đình có 2 sào lúa nước, mọi năm làm 2 vụ cũng chỉ đạt khoảng 8-10 tạ lúa, còn năm nay thì đạt trên 12 tạ, cả nhà mừng lắm.
Trong thôn 3 hiện có 145 hộ, hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc di cư vào nên đời sống gặp nhiều khó khăn, chủ yếu dựa vào hạt ngô, hạt lúa. Những năm trước, vụ nào “mưa thuận gió hòa” thì bà con được ấm cái bụng, còn ngược lại thì phải chạy ăn từng bữa. Tuy nhiên, trong những năm gần đây người dân đã mạnh dạn làm tăng vụ và đưa giống lúa lai vào sản xuất nên đời sống đã ổn định hơn. Anh Hoàng Văn Giá, cán bộ khuyến nông xã Cư Êwi cho hay, tết năm nay sẽ được xem là cái tết no ấm vì bà con trong thôn được mùa, bởi mọi năm trước, vụ đông xuân được bà con xem là “đánh bạc với trời” (hay gặp thiên tai, năng suất thấp) nhưng nhờ chương trình khuyến nông đưa giống lúa mới đến tay bà con, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc… Theo đó, năng suất lúa tăng cao, bình quân đạt trên 6 tấn/ha, cao hơn giống lúa thuần từ 2-3 tấn/ha.
Hội thảo đầu bờ về mô hình lúa lai |
Được biết, năm 2011, với chủ trương đưa lúa lai đến các vùng khó khăn về lương thực, các thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số nhằm giải quyết nhu cầu lương thực tại chỗ và thay đổi tập quán canh tác cho bà con nông dân, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất giống lúa mới đã xây dựng hàng chục mô hình, hội thảo đầu bờ về các giống lúa mới ở các địa phương vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn về lương thực để bà con ứng dụng vào sản xuất trên đồng ruộng. Theo đó, ở nhiều địa phương bà con đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu giống lúa, tỷ lệ lúa lai chiếm cao như huyện Krông Năng, Cư M’gar, Ea Kar…góp phần nâng cao năng suất, sản lượng lúa trong tỉnh. Ông Nguyễn Nhật Lệ, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh đang phấn đấu đưa diện tích lúa lai đạt 30% trong tổng diện tích lúa nước trên địa bàn tỉnh. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc bảo đảm an ninh lương thực tại chỗ, đồng thời chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp và thu nhập cho nông dân một cách bền vững.
Thuận Nguyễn
Ý kiến bạn đọc