Phát triển du lịch Dak Lak: Những thách thức từ thực tế
Tuy tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2007-2010 gần 20%, tổng doanh thu đạt 635,3 tỷ đồng, năm 2011 trên 200 tỷ đồng, mỗi năm thu hút 200-300 nghìn lượt khách…, nhưng ngành du lịch Dak Lak vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức từ sự đầu tư phát triển thực tế.
Lễ hội truyền thống của các dân tộc bản địa, một trong những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách. |
Dak Lak không chỉ là mảnh đất được thiên nhiên ưu đãi với hồ rộng, thác cao mà còn là vùng văn hóa phong phú, đa dạng, nhất là về phong tục, tập quán, tín ngưỡng của các dân tộc bản địa. Chính điều đó đã tạo cho mảnh đất này sức hấp dẫn kỳ lạ. Tuy nhiên, tiềm năng, thế mạnh đó, ngành du lịch tỉnh vẫn chưa có sự đầu tư, khai thác xứng tầm. Vì vậy, doanh thu của ngành du lịch cũng như lượt khách đến với Dak Lak trong những năm qua còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng. Chiến lược phát triển giai đoạn 2011-2015, ngành du lịch đã đặt ra khá nhiều mục tiêu: phát triển du lịch với tốc độ nhanh, bền vững; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các hoạt động, sản phẩm du lịch; khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch có lợi thế, nhất là du lịch sinh thái, văn hóa; mở rộng các tour du lịch liên vùng trong nước và khu vực. Tổng doanh thu dự kiến đạt 1.595 tỷ đồng, đón tiếp 2,2-2,3 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm 10%. Con số này quả thực là một thách thức khi ngành du lịch của tỉnh đang đối mặt với nhiều khó khăn. Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó giám đốc Trung tâm xúc tiến TM-ĐT-DL thừa nhận, trước hết là do ngành du lịch tỉnh nhà thiếu những sản phẩm du lịch đặc thù; các sản phẩm du lịch, các điểm du lịch kinh doanh dịch vụ các loại hình trùng lắp. Những năm qua nhìn lại thì vẫn chỉ có những điểm du lịch như: Buôn Đôn, Hồ Lak, cụm thác Đray Nur, Gia Long và các di tích lịch sử, cách mạng… trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột; nhưng các điểm du lịch này đầu tư chưa đúng mức mà còn ngày càng có nguy cơ xuống cấp. Chẳng hạn, du lịch Buôn Đôn chỉ nổi tiếng là du lịch voi, vậy mà đàn voi nhà phục vụ du lịch đang ngày càng giảm sút về số lượng, khai thác kiệt quệ về sức lực và voi Buôn Đôn đang có nguy cơ trở thành “huyền thoại’”. Sự tác động của hệ thống thủy điện trên dòng Sêrêpôk đã làm ảnh hưởng đến nhiều thác nước nổi tiếng hùng vĩ như Đray Nur, Gia Long, Đray Sáp. Còn các hồ lớn đã được quy hoạch làm du lịch như hồ Lak, Ea Kao, Ea Nhái, Ea Súp Thượng…trong nhiều năm qua vẫn chỉ là những hồ chứa nước phục vụ sản xuất nông nghiệp chứ chưa được đầu tư bài bản để trở thành những khu du lịch nổi tiếng thu hút khách. Tiếp đến là việc triển khai mở các tuyến, điểm du lịch mới khá chậm. Từ những năm 2004, Tổng cục Du lịch đã từng khảo sát mở tuyến du lịch “Con đường xanh Tây Nguyên” xuyên qua 5 tỉnh Tây Nguyên; tiếp đến là ngành du lịch Dak Lak tổ chức khảo sát mở tour du lịch “Chinh phục đỉnh Chư Yang Sin”, hay các doanh nghiệp du lịch kết hợp với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cà phê để mở tour du lịch cà phê… nhưng đến nay, các dự định này cái vẫn còn nằm trên giấy, cái thì vẫn chưa tạo được sức hút. Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch giữa các tỉnh Tây Nguyên ít có sự khác biệt, nên chỉ cần đến một nơi là đủ, hơn nữa, tình hình đầu tư trong ngành du lịch của tỉnh hiện nay đang tồn tại kiểu “đầu tư ngược”, lẽ ra các doanh nghiệp phải tập trung vốn đầu tư các điểm du lịch trước để thu hút khách, sau đó mới xây khách sạn để phục vụ sự ăn nghỉ của du khách, nhưng họ không làm vậy mà làm ngược lại.
Du lịch cưỡi voi xuyên rừng ở Buôn Đôn. |
Trước những thực tế đó, chiến lược phát triển du lịch Dak Lak giai đoạn 2011-2015 cũng đã đưa ra khá nhiều nhóm giải pháp như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền; lập quy hoạch đầu tư phát triển; đa dạng hóa sản phẩm, chương trình; mở rộng liên kết vùng; đào tạo nguồn nhân lực; tăng cường quảng bá, xúc tiến; thu hút vốn đầu tư… Tại kỳ họp thứ 3 Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa VIII, Nghị quyết “Về phát triển du lịch Dak Lak giai đoạn 2011-2015” đã được thông qua với tổng kinh phí đầu tư 1.760 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước phấn đấu dành 0,5% của tổng chi ngân sách cho đầu tư du lịch (khoảng 140 tỷ đồng/4 năm) để hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực, xúc tiến quảng bá, tôn tạo, trùng tu di tích; còn lại là huy động vốn từ các tổ chức, doanh nghiệp. Hy vọng, du lịch Dak Lak sớm vượt qua những thách thức, để trở thành một ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập xã hội và tích lũy cho ngân sách địa phương.
Yên Ninh
Ý kiến bạn đọc