Multimedia Đọc Báo in

Thoát nghèo nhờ trồng hoa

10:46, 06/01/2012
Khi đời sống của con người được nâng cao thì nhu cầu giải trí, đòi hỏi nâng cao về mặt tinh thần càng được quan tâm, đặc biệt là nhu cầu ngắm hoa, chơi hoa. Nắm bắt được nhu cầu đó, ông Nguyễn Văn Sáu ở thôn 9, xã Krông Buk (Krông Pak) đã mạnh dạn chuyển đổi đất vườn từ trồng hoa màu, năng suất thấp sang trồng hoa, vươn lên thoát nghèo bền vững.
 
Năm 1985, ông Sáu cùng gia đình từ Khánh Hòa lên Dak Lak lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Bằng số tiền làm thuê, làm mướn, ông mua được 1,2 sào đất vườn và 1,5 sào đất ruộng trồng lúa, ngô, khoai. Nhà có 6 miệng ăn nhưng chỉ có gần 3 sào đất nên trồng cây gì, nuôi con gì cũng không thoát cảnh đói cơm, thiếu gạo mùa giáp hạt. Năm 2000, sau khi tham khảo các mô hình phát triển  kinh tế trên ti vi và sách báo, ông Sáu sang Đà Lạt tham quan các mô hình trồng rau, trồng hoa có hiệu quả; sau đó cùng ăn, cùng ở, cùng trồng hoa với các chủ vườn để học hỏi kinh nghiệm. Với bản tính chân thật, chịu khó, ham học hỏi và khát vọng thoát nghèo, ông Sáu đã được các chủ vườn Đà Lạt truyền đạt kinh nghiệm trồng các loại hoa như hoa cúc tứ quý, hoa hồng, hoa ly, hoa lay ơn... Ngay khi trở về, ông bắt tay vào việc đổ chậu, làm đất, tạo các giống hoa để trồng trên toàn bộ diện tích đất vườn rộng 1,2 sào của mình. Năm đầu, do chưa nắm bắt được quy luật thời tiết và sự thích nghi khí hậu của các loại hoa nên ông đã thất bại. Toàn bộ 1.600 chậu hoa của gia đình nở trước tết, không bán được, ông phải mang từng chậu đổ ngoài bãi. Nợ mới chồng nợ cũ, lãi mẹ đẻ lãi con. Để có tiền trả nợ, ông phải bán  toàn bộ 1,5 sào ruộng với giá 7 triệu đồng và các tài sản có giá trị trong gia đình.
Ông Sáu đang chăm sóc vườn hoa của mình
Ông Sáu đang chăm sóc vườn hoa của mình
Với suy nghĩ "thất bại là mẹ thành công", năm 2002, ông Sáu tiếp tục trồng 1.600 chậu hoa. Nhờ có chút kinh nghiệm từ năm trước, lần này ông Sáu đã thành công, thu về khoảng 80 triệu đồng tiền lãi, đủ trang trải chi phí sinh hoạt cho gia đình. Đứng bên vườn hoa đang hé nụ, ông Sáu chia sẻ: "Nhiều người nghĩ trồng hoa khó, nhất là trồng hoa tết nên sợ không dám trồng nhưng thực ra trồng hoa rất đơn giản, tốn ít chi phí so với trồng những loại cây khác nhưng hiệu quả kinh tế lại cao. Điều quan trọng nhất là phải biết đặc tính từng loại hoa, canh ngày trồng sao cho hoa nở đúng dịp tết. Để tạo độ tơi, xốp cho cây sinh trưởng và phát triển tốt, đất bỏ chậu phải trộn theo tỉ lệ 1/2 đất, 1/2 tro trấu và cát, phân bón... khi nào nắm đất lại, thả tay ra thì đất cũng bung ra là đạt yêu cầu". Hiện tại gia đình ông Sáu đang có gần 2.000 chậu hoa lớn nhỏ gồm 800 chậu hoa hồng, 900 chậu hoa cúc đại đóa, hoa cúc Hà Nội, 60 chậu mai... chuẩn bị phục vụ Tết nguyên đán Nhâm Thìn 2012. Ngoài ra, ông Sáu còn trồng các loại cây cảnh như sanh, sung... vừa làm hàng rào chắn xung quanh vừa để bán khi khách hàng có nhu cầu. Với phương châm lấy công làm lãi, giá bán sỉ 150.000 đồng/chậu và 250.000 đồng/chậu bán lẻ, mỗi mùa hoa tết gia đình ông thu về hơn 100 triệu đồng tiền lãi. Bên cạnh trồng hoa tết, mỗi năm gia đình ông còn trồng 4 lứa hoa cúc tứ quý bán hằng ngày, đặc biệt là ngày mồng một và ngày rằm, thu về gần 2 triệu đồng/tháng. Hoa đẹp, có đầu mối tiêu thụ ổn định nên hằng năm, gia đình ông còn thu mua hoa của các chủ vườn khác vừa đáp ứng nhu cầu khách hàng vừa kiếm thêm thu nhập cho gia đình. 
 
Mô hình trồng hoa của gia đình ông Nguyễn Văn Sáu được đánh giá là một trong những mô hình kinh tế điển hình của xã Krông Buk. Nhiều năm liền, ông Sáu đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh tế giỏi của xã.
 
Nguyễn Hường
 

Ý kiến bạn đọc