Multimedia Đọc Báo in

Anh Nguyễn Trường Mai – người nông dân dám nghĩ, dám làm

06:57, 21/02/2012

Trước đây, cuộc sống của gia đình anh Nguyễn Trường Mai, ở Tổ dân phố 4, thị trấn Quảng Phú (Cư M’gar) chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính. Vì chưa biết cách ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, phương thức canh tác và trồng trọt chỉ dựa vào thói quen, nên 1 ha cà phê của gia đình anh cho năng suất thấp và cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, vất vả. Từ khi tham gia vào tổ chức Hội Nông dân, anh Mai thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, hội thảo, được tiếp cận với các kiến thức về khoa học-công nghệ, các phương thức tiên tiến trong trồng trọt, và anh đã mạnh dạn áp dụng vào thực tế vườn cây của gia đình. Anh từ bỏ cách làm cũ, chuyển sang phương thức chăm sóc cà phê mới từ khâu bón phân, tạo cành, tỉa tán, tưới nước, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ thiên địch, cải tạo độ mùn cho đất… Nhờ vậy, trong 2, 3 năm trở lại đây, vườn cà phê của gia đình anh năm nào cũng cho thu hoạch ổn định từ 3-4 tấn nhân xô.

Không chỉ giỏi trong trồng trọt, gia đình anh Nguyễn Trường Mai còn nuôi chim bồ câu mang giá trị thương phẩm cho lợi nhuận và kinh tế khá ổn định. Lâu nay, chim bồ câu được nhiều người nuôi với mục đích làm cảnh cho vui là chính, nhưng nuôi chim bồ câu để làm kinh tế thì chưa nhiều người nghĩ tới. Tình cờ trong một lần về quê thăm họ hàng, được tận mắt nhìn thấy mô hình nuôi chim bồ câu nhốt chuồng cho giá trị kinh tế cao và ổn định, nhận thấy đây là mô hình nuôi mới mẻ và nhiều triển vọng nên anh Mai đã bàn với gia đình đầu tư làm chuồng nuôi thử nghiệm 10 cặp bồ câu đầu tiên. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm của những người nuôi trước, đồng thời tìm hiểu qua sách báo, nên sau vài năm, gia đình anh Mai đã xây dựng cho mình một mô hình nuôi chim bồ câu nhốt chuồng khá hoàn chỉnh. Trại bồ câu của anh Mai hiện có trên 200 cặp bồ câu sinh sản. Anh Mai cho biết, nuôi bồ câu nhốt chuồng dễ nuôi, dễ chăm sóc. Chuồng nhốt chim không cần cầu kỳ, thông thoáng nhưng phải bảo đảm kín gió, đủ ánh sáng. Thức ăn cho chim chủ yếu là cám tổng hợp trộn lẫn với lúa, bắp xay nhỏ, người già, trẻ em cũng có thể trông nom và chăm sóc được. Đặc biệt là sức đề kháng của loại bồ câu nhốt chuồng này rất cao, ít bị dịch bệnh như các loại gia cầm khác. Bồ câu ra ràng hiện được anh Mai bán cho các nhà hàng, quán ăn dinh tại TP.Buôn Ma Thuột và thị trấn Quảng Phú với giá 70.000 đồng/cặp, bồ câu giống là 300.000 đồng/cặp và đầu ra tương đối ổn định. Với số lượng đàn bồ câu của gia đình anh Mai như hiện nay, hằng tháng trừ hết chi phí gia đình anh thu lợi từ 5-6 triệu đồng; mỗi năm, từ mô hình chăn nuôi này mang lại lợi nhuận cho gia đình anh khoảng 70 triệu đồng. Ngoài ra, phân chim bồ câu được anh Mai tận dụng trộn với vỏ cà phê ủ làm phân hữu cơ rất tốt cho việc chăm sóc cây trồng.

Được biết, xuất phát từ hiệu quả của việc nuôi chim bồ câu nhốt chuồng của anh Mai, đến nay trên địa bàn huyện Cư M’gar đã có trên 10 hộ cũng nuôi chim bồ câu thương phẩm. Anh Mai cho biết sẵn sàng hướng dẫn, truyền đạt những kiến thức, cung cấp con giống cũng như kinh nghiệm trong việc nuôi chim bồ câu cho những ai có nhu cầu cải thiện kinh tế gia đình từ việc nuôi chim bồ câu thương phẩm…

Văn Sơn
 


Ý kiến bạn đọc