Chương trình kiên cố hóa kênh mương: Cần những ưu tiên đầu tư hợp lý
10:11, 13/02/2012
Tiết kiệm nước, tăng diện tích tưới, tạo thuận lợi cho công tác khai thác và quản lý tài nguyên nước…, đó là những lợi ích thiết thực do kiên cố hóa kênh mương (KCHKM) mang lại mà ai cũng nhận thấy. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên chương trình KCHKM ở Dak Lak trong 10 năm (2000-2010) chỉ đạt 27,3% kế hoạch, khiến rất nhiều công trình thủy lợi không phát huy được hiệu quả tưới tiêu, gây lãng phí lớn cho nguồn nước cũng như ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Tiến độ... chậm
Theo thống kê của Sở NN-PTNT, Dak Lak hiện có 643 công trình thủy lợi lớn, vừa và nhỏ, gồm 516 hồ chứa, 81 đập dâng, 45 trạm bơm, 1 hệ thống đê bao cung cấp nước tưới cho các loại cây trồng như: lúa, cà phê, ngô, rau màu và một phần cấp nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản. Các công trình thủy lợi mới đáp ứng được khoảng 72% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới với gần 274.000 ha, gồm: trên 78.000 ha lúa nước hai vụ, trên 190.700 ha cà phê và hơn 5.000 ha cây trồng cạn khác. Tuy nhiên, xét về hiệu quả tưới, các công trình thủy lợi trên địa bàn chỉ mới phát huy được khoảng 65% - 75% năng lực thiết kế, thậm chí có nhiều công trình như hồ Buôn Jơn (huyện Lak), hồ Dak Minh (huyện Buôn Đôn)... chỉ đạt dưới 40% năng lực thiết kế. Một trong những nguyên nhân khiến các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh không phát huy hết công suất thiết kế là do đầu tư không đồng bộ, nghĩa là nhiều công trình chỉ xây dựng mỗi hạng mục đầu mối hoặc thêm một đoạn kênh ngắn, còn kênh mương chủ yếu là kênh đất có tỷ lệ thất thoát nước cao, tới gần 50% do thẩm thấu và dòng chảy chậm, trong khi kênh bê tông ít bị thất thoát, hiệu suất tưới đạt gần 90%. Chính vì vậy, năm 2000 Chương trình KCHKM giai đoạn 2000-2010 ra đời với mục tiêu phấn đấu hoàn thành cơ bản kiên cố hóa các hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn, gồm 1.033,8 km kênh mương từ loại I đến III. Thế nhưng, sau 10 năm thực hiện, tổng chiều dài số kênh mương được kiên cố hóa chỉ được 282,5 km, trong đó kênh loại I và II 157/470 km, kênh loại III 125,5/563,8 km, bằng 27,3% kế hoạch. Nguyên nhân khiến tiến độ chậm một phần là do chính quyền các cấp chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của chương trình KCHKM nên chưa quan tâm đúng mức công tác này. Đồng thời, nguồn vốn đầu tư cho chương trình còn quá thấp, chỉ mới đáp ứng được 25-30% nhu cầu, cụ thể từ năm 2000 - 2010, tỉnh chỉ bố trí được trên 266 tỷ đồng cho KCHKM (trong khi nhu cầu vốn là 422,2 tỷ đồng).
Kênh mương được kiên cố hóa ở huyện Ea Súp đã giúp nhiều diện tích trồng lúa thoát khỏi tình trạng hạn hán vào mùa khô |
Theo tính toán của các cán bộ chuyên môn, với nguồn vốn hạn hẹp đó, mỗi năm tỉnh cũng chỉ làm được 20 – 30 km kênh mương. Như vậy, phải trên 15 năm nữa Dak Lak mới có thể hoàn thành được mục tiêu KCHKM đặt ra cho năm 2010. Bên cạnh đó, theo Quyết định số 1081/QĐ-UB ngày 23-4-2001 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định thực hiện Chương trình KCHKM trên địa bàn tỉnh, quy định mức đóng góp của người dân từ 40-80% giá trị công trình còn lại là do ngân sách tỉnh và huyện hỗ trợ. Tuy nhiên, do quy định mức đóng góp của người dân cao nên trong 10 năm triển khai chương trình chưa có dự án nào thực hiện được điều này.
Triển vọng từ những chính sách phù hợp
Theo Đề án về chương trình KCHKM giai đoạn 2011-2015, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư kiên cố 479,5 km kênh mương thuộc các công trình kênh mương đã được UBND tỉnh phê duyệt trong quy hoạch thủy lợi, công trình nằm trong vùng khan hiếm về nguồn nước và công trình qua vùng đất thấm nước mạnh, vùng đất xấu, vùng thường xuyên bị lũ lụt, dễ sạt lở hoặc bồi lấp. Trong đó có 19,5 km kênh loại I, gồm các kênh trục chính thuộc các công trình thủy lợi vừa và lớn đang được triển khai do Bộ NN-PTNT đầu tư; 360 km kênh loại II, gồm các kênh trục chính liên huyện, liên xã còn lại hay nằm trong một xã nhưng có quy mô đảm nhận nước tưới từ 70 ha lúa nước hoặc 200 ha cà phê trở lên, và 100 km kênh loại III là những kênh liên thôn, buôn, kênh trục chính đảm nhận diện tích tưới nhỏ hơn 70 ha lúa nước hoặc nhỏ hơn 200 ha cà phê trở xuống. Tổng vốn đầu tư thực hiện KCHKM nói trên là 600 tỷ đồng, gồm: 100 tỷ từ ngân sách tỉnh; 425 tỷ từ vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ; 65 tỷ là vốn vay ưu đãi, còn lại vốn do nhân dân đóng góp là 10 tỷ đồng. Trong đó kênh loại I và II do nguồn vốn ngân sách đầu tư 100%; kênh loại III, vốn ngân sách hỗ trợ 80% giá trị công trình, phần còn lại do người hưởng lợi đóng góp.
Để thực hiện mục tiêu chung là bảo đảm cho các cấp kênh chuyển đủ lưu lượng và đạt cao trình mực nước thiết kế, trước mắt tỉnh sẽ thành lập Ban chỉ đạo KCHKM do một đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban; thành lập Ban quản lý công trình ở những xã, HTX dùng nước có công trình KCHKM (Sở NN-PTNT sẽ thành lập một bộ phận chuyên trách để tham mưu cho Ban chỉ đạo)… Đồng thời, để chương trình mang tính khả thi cao, tỉnh sẽ ưu tiên đầu tư kiên cố hóa hệ thống kênh mương dẫn nước của các công trình thủy lợi ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các công trình tưới dưới 150 ha để đồng bộ với các hệ thống mà Bộ NN-PTNT đã đầu tư... Hy vọng với những chính sách ưu đãi trên, các hệ thống thủy nông hiện có sẽ được hoàn chỉnh đồng bộ thông suốt từ đầu mối đến mặt ruộng, từ đó nâng cao năng suất tưới, tiết kiệm điện, nước và đất xây dựng, giảm chi phí quản lý khai thác và kéo dài tuổi thọ công trình, đặc biệt là đáp ứng được yêu cầu xây dựng nông thôn mới.
Thuận Nguyễn
Ý kiến bạn đọc