Ngành ong mật Dak Lak: Khó khăn về thị trường xuất khẩu
Thời gian này, do thị trường xuất khẩu mật ong Việt Nam sang Mỹ đang gặp trở ngại đã gây bao khó khăn, thách thức cho ngành chăn nuôi ong mật trong nước. Tại Dak Lak, người nuôi ong còn lao đao hơn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm từ ong.
Ngành chăn nuôi ong mật hiện đang gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm mật ong. |
Những năm gần đây, nghề nuôi ong lấy mật ở Dak Lak đang phát triển rất mạnh theo hướng nuôi công nghiệp, đặc biệt là từ khi có thị trường đầu ra ổn định. Sở NN-PTNT Dak Lak cho biết: năm 2000 toàn tỉnh mới có 32.403 đàn ong thì đến năm 2010 đã tăng lên gần 5 lần, với 156.059 đàn, và năm 2011 tổng số đàn ong nơi đây đã vọt lên gần 200.000 đàn. Sản phẩm mật ong chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Mỹ (chiếm 80%), và các nước Nhật, Đức, Canada, Hàn Quốc… với tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2011 đạt trên 15 triệu USD, dẫn đầu cả nước về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu.
Tuy nhiên, sau sự việc 600 tấn mật ong Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ bị trả lại, bởi họ cho rằng trong mật ong Việt Nam có chứa chất Carbenzamin (thuốc trừ nấm), thì việc bán các sản phẩm từ ong (mật, phấn hoa, sữa ong chúa…) trở nên khó khăn hơn. Anh Nguyễn Công Tuấn, người nuôi ong ở thôn 6, xã Ea Dar, huyện Ea Kar cho biết: mấy năm gần đây giá mật ong có tăng lên, song các mặt hàng khác phục vụ chăn nuôi ong (như đường) cũng tăng giá theo, nên việc nuôi ong mật hiện nay lãi rất ít. Mùa này (từ khoảng tháng 10 năm trước đến hết tháng 3 năm sau) anh đang chăn ong ở tỉnh Bình Phước, để ong hút mật cao su, hoa điều, đỡ phần nào chi phí cho ong ăn thêm đường. Nhưng mỗi lần thuê xe vận chuyển đến nơi đặt ong (tính trọn gói cả đi lẫn về cho 300 đàn ong) cũng mất chi phí trên 20 triệu đồng. Mặc dù đầu năm nay, gia đình anh chưa quay được lứa mật nào để bán, nhưng trước những thông tin trên, anh Tuấn lo ngại nếu giá mật ong giảm xuống dưới mức 30.000 đồng như những năm trước đây thì người nuôi ong sẽ lỗ nặng. Trong khi đó, với những hộ đang có mật ong bán thì cũng chẳng sung sướng gì. Anh Trần Anh Dũng, ở xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn cho hay, anh đang nuôi 500 đàn ong, hiện đang tiến hành quay mật. Hơn một tháng trước, việc bán các sản phẩm từ ong không khó, thương lái về tận nhà để thu mua, nhưng hiện nay người dân muốn bán phải đem đến các đại lý lớn, được các chuyên viên kiểm tra gắt gao về chất lượng sản phẩm chưa kể các đại lý còn ép giá từ 32.000 xuống còn 30.000-31.000 đồng/kg mật ong. Nếu là mật, phấn hoa do ong hút từ hoa điều, cà phê thì các đại lý không mua, vì có chứa chất trừ nấm, thuốc BVTV do người dân phun lên để bảo vệ cây.
Người nuôi ong Dak Lak gặp khó khăn về đầu ra của sản phẩm ong mật. |
Ông Lê Tấn Lực, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần ong mật Dak Lak (doanh nghiệp đầu tư nuôi ong lớn nhất nước và là đơn vị thu mua, xuất khẩu mật ong lớn nhất Tây Nguyên hiện nay) cho hay: trong khi chờ đợi hướng giải quyết của các cơ quan chức năng trong nước làm việc với phía đối tác nhập khẩu là Mỹ, doanh nghiệp cũng đang tìm cách tháo gỡ khó khăn cho người nuôi ong trong, ngoài tỉnh bằng việc đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường các nước Trung Đông, châu Á…, đồng thời mở rộng thêm thị trường tiêu thụ mới, cố gắng không để người nuôi ong thiệt thòi lớn. Theo ông Đinh Quyết Tâm, Chủ tịch Hiệp hội nuôi ong Việt Nam: những năm gần đây, việc xuất khẩu mật ong trong nước phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ, vì gần 90% xuất sang thị trường này. Vừa qua, Hiệp hội cùng Bộ NN-PTNT đã làm việc với Thương vụ Việt Nam tại Mỹ để cùng nhau thuyết phục phía đối tác điều chỉnh tỷ lệ Carbenzamin có trong mật ong cho phù hợp chung giữa hai nước nhằm tháo gỡ ách tắc trong việc xuất khẩu sản phẩm mật ong sang thị trường này.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc