Những kết quả tích cực của chương trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở huyện Ea Súp
09:21, 15/02/2012
Huyện Ea Súp có diện tích tự nhiên rộng, thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp quy mô lớn. Trước yêu cầu xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững, tháng 11-2006, Huyện ủy Ea Súp đã ban hành Chương trình số 08 về “Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2006-2010”, trong đó xác định: Chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp hàng hóa, có cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý, hiệu quả. Đa dạng hóa cây trồng vật nuôi và xác định cây trồng vật nuôi mũi nhọn để tập trung phát triển. Xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Sau khi chương trình được ban hành, Huyện ủy Ea Súp đã chỉ đạo việc điều tra, lấy mẫu đất phân tích, đánh giá, lập bản đồ thổ nhưỡng của huyện nhằm làm căn cứ, cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế nông nghiệp. Huyện đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các xã hướng dẫn người dân chuyển đổi cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, sinh thái từng vùng, gắn với hiệu quả kinh tế và thị trường tiêu thụ; đồng thời, thực hiện mô hình “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp. Kết quả, sau 5 năm, huyện Ea Súp đã đạt được những kết quả tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; sản xuất nông nghiệp của huyện đã phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, giá trị trồng trọt, chăn nuôi luôn đạt và vượt chỉ tiêu, giá trị kinh tế trên đơn vị sản xuất tăng rõ rệt.
Nông dân huyện Ea Súp chăm sóc ruộng lúa. Ảnh: Thuận Nguyễn |
Cụ thể, nếu năm 2006 diện tích cây trồng các loại trên địa bàn huyện Ea Súp là hơn 36.600 héc-ta thì đến năm 2010 đã tăng lên hơn 42.100 héc-ta, sản lượng tăng từ 63.786 tấn lên 86.083 tấn. Trong đó, diện tích cây lúa liên tục được mở rộng, từ 9.981 héc-ta năm 2006 tăng lên 11.910 héc ta năm 2010, sản lượng đạt 53.512 tấn, tăng 19.223 tấn so với năm 2006. Đặc biệt, nhiều giống lúa mới, lúa lai có khả năng kháng sâu bệnh, cho năng suất cao đã được nông dân huyện Ea Súp đưa vào sản xuất đại trà, như: IR64, VN95-20, ML48, Nàng Hương, Tám thơm… Bên cạnh lúa, ngô lai, thuốc lá, các loại cây họ đậu, sắn, mía, cao su cũng được người dân huyện Ea Súp đưa vào trồng và cho hiệu quả kinh tế cao. Năm 2010, sản lượng ngô lai của huyện Ea Súp đạt 30.881 tấn, tăng hơn 5.000 tấn so với năm 2006; năm 2011, diện tích sắn trên địa bàn huyện tăng lên 4.601 héc-ta, sản lượng đạt hơn 36.800 tấn.
Đối với chăn nuôi gia súc, gia cầm, huyện Ea Súp chú trọng đến việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cải tạo giống nhằm rút ngắn chu kỳ chăn nuôi nhưng vẫn nâng cao được chất lượng và sản lượng. Mặc dù trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi của tỉnh nói chung, huyện Ea Súp nói riêng bị ảnh hưởng bởi các dịch bệnh lở mồm long móng, cúm A-H5N1 làm cho đàn trâu, bò, gia cầm bị giảm đáng kể nhưng số lượng đàn trâu bò và gia cầm của huyện vẫn ở mức cao so với những năm trước. Năm 2010, đàn trâu, bò của huyện Ea Súp có 20.033 con, đàn heo có 24.068 con, đàn gia cầm hơn 235 nghìn con. Riêng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 1.940 héc-ta, sản lượng khai thác là 3.258 tấn.
Ông Nguyễn Hoàng Vũ, Phó Bí thư Huyện ủy Ea Súp đã đánh giá: “Sau 5 năm thực hiện, Chương trình số 08 về “Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2006-2010” đã phát huy hiệu quả và đạt được những kết quả tích cực, góp phần làm chuyển biến kinh tế nông nghiệp của huyện Ea Súp theo hướng sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc thực hiện chương trình vẫn còn có 1 số tồn tại, đó là: việc trồng trọt vẫn còn phụ thuộc nhiều vào khí hậu và thời tiết; công tác chuyển giao công nghệ, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế; việc phát triển chăn nuôi theo mô hình công nghiệp, bán công nghiệp và trang trại với quy mô vừa và lớn còn ít, chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Những tồn tại đó sẽ là bài học kinh nghiệm để huyện Ea Súp đưa ra những biện pháp khắc phục trong thời gian tới nhằm phát triển một nền kinh tế nông nghiệp toàn diện, bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.
Trần Cường
Ý kiến bạn đọc