Nông dân Krông Pak thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi
09:50, 14/02/2012
Chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất để cải tạo những vườn cây năng suất thấp, tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp hội...là những yếu tố quan trọng giúp hội viên nông dân huyện KRông Pak vượt khó, vươn lên làm giàu.
Từ những điển hình
Sau nhiều năm “theo đuổi”, dồn hết vốn liếng, công chăm sóc vào 6 sào cà phê nhưng nợ vẫn hoàn nợ nên năm 2000, vợ chồng anh Nguyễn Trọng Hải (tổ dân phố 1, thị trấn Phước An) quyết định chuyển sang chăn nuôi heo, bò và trồng rau xanh. Nhưng một biến cố bất ngờ xảy đến vào năm 2003 khi đàn vật nuôi cả trăm con heo, bò của gia đình bị chết gần hết do dịch tai xanh và lở mồm long móng. Mặc dù trắng tay sau nhiều lần thất bại nhưng vợ chồng anh vẫn không từ bỏ ước mơ làm giàu. Qua tham khảo thị trường, anh quyết định cầm cố tài sản vay vốn đầu tư xây dựng trang trại nuôi gà thịt. Do giá cả và nhu cầu thị trường bấp bênh nên việc nuôi gà thịt cũng chỉ đủ chi tiêu hằng ngày. Khi được biết đến nguồn vốn vay giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội, anh Hải đã chủ động tìm hiểu và xây dựng dự án phát triển kinh tế trang trại, mở rộng sang chăn nuôi gà siêu trứng. Năm 2009, dự án được duyệt với mức vay 100 triệu đồng, gia đình anh có thêm vốn mở rộng quy mô chăn nuôi lên 5.000 gà đẻ trứng và 2.000 gà hậu bị. Hiện nay, bình quân mỗi ngày gia đình anh cung cấp cho thị trường 3.000 quả trứng. Ngoài thu nhập từ bán trứng, mỗi kg gà quá lứa đẻ được xuất bán với giá trung bình 60.000 đồng nên sau khi trừ chi phí, gia đình anh cũng thu lãi trên 300 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, để đề phòng rủi ro trong chăn nuôi, hơn 3 năm qua, gia đình anh đã đầu tư nuôi thử nghiệm 10 heo rừng giống, đến nay đã phát triển đàn lên 40 con, hứa hẹn sẽ tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình trong thời gian tới.
Trang trại nuôi gà của gia đình anh Nguyễn Trọng Hải đem lại thu nhập ổn định trên 300 triệu đông/năm |
Gia đình ông Trần Đức Sinh (buôn Ea Đun, xã Ea Kênh) có 2,5 sào cà phê đã già cỗi nên mặc dù cố gắng công đầu tư, chăm sóc nhưng những năm giá cà phê xuống thấp, thu nhập cũng chỉ đủ chi trả tiền phân bón, công tưới... Thấy vậy, gia đình ông đã quyết định nhổ bỏ toàn bộ diện tích cây cà phê cũ, cải tạo lại đất bằng vôi bột và tạm thời trồng luân canh các loại hoa màu. Đang phân vân chưa biết chọn loại cây trồng nào là cây chủ lực trong phát triển kinh tế thì năm 2006, gia đình ông được các ngành hữu quan và Hội Nông dân (HND) huyện hỗ trợ giống cà phê ghép TR5, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc... nên đã mạnh dạn gây dựng lại vườn cây. Đến niên vụ 2011-2012, vườn cà phê nhà ông phát triển xanh tốt, quả to, chín đều. Ông Sinh cho biết, qua thực tế cải tạo vườn cà phê già cỗi, ông đúc rút được nhiều kinh nghiệm. Thay vì bón nhiều phân hữu cơ làm tăng chi phí đầu tư, nay gia đình ông đã chú trọng sử dụng phân vô cơ, làm cỏ, cắt cành, tưới nước đúng thời điểm nên hạn chế được sâu bệnh, nhất là bệnh rỉ sắt. Nhờ vậy, khi vườn cây bước vào giai đoạn kinh doanh năm thứ 2 đã đạt năng suất, chất lượng ổn định, khoảng 6 tạ nhân/sào, đem lại thu nhập trên 100 triệu đồng/năm...
Đến cách “tiếp sức” của Hội
Với tổng số trên 19.700 hội viên, những năm qua, HND huyện Krông Pak luôn chú trọng triển khai các biện pháp giúp nông dân phát triển kinh tế. Ngoài việc tín chấp cho hội viên vay vốn phát triển sản xuất, Hội đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông huyện tổ chức các lớp tập huấn, xây dựng nhiều mô hình trình diễn cây, con có năng suất cao, như mô hình trồng lúa lai IR 64, Nhị ưu 838, PH 71, IR 62032, IR 841, OM 2031; ngô lai VN 10-CP 888, LVN 14… Bên cạnh đó, Hội cũng chủ động giới thiệu những mô hình mới để nông dân áp dụng như trồng tre lấy măng, cây cảnh, hoa phong lan, rau xanh, nuôi heo rừng lai, ếch, gà siêu trứng… Ngoài ra, với lợi thế của huyện có diện tích cà phê lớn nhất tỉnh (gần 18.000 ha, sản lượng ước đạt khoảng 19.000 tấn/năm), Hội chú trọng phối hợp với các các ngành chức năng hướng dẫn nông dân cải tạo, lai ghép các vườn cà phê già cỗi, năng suất thấp, trồng xen canh cây ăn quả trong vườn cà phê…
Nhiều nông dân huyện Krông Pak đã cải tạo lại vườn cà phê già cỗi bằng những giống mới cho năng suất, chất lượng cao |
Từ sự hỗ trợ thiết thực trên, hội viên nông dân trên địa bàn huyện đã phát huy được tiềm năng đất đai, vốn, nguồn lao động và khả năng sáng tạo, đức tính cần cù, chịu khó để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng. Nhờ vậy, số hội viên đạt danh hiệu sản xuất – kinh doanh (SXKD) giỏi ngày càng nhiều. Tính đến cuối năm 2011, toàn huyện có 5.433 hộ đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi các cấp, tăng 3.703 hộ so với năm 2007. Trong đó, cấp Trung ương có 12 hộ, cấp tỉnh 381 hộ, cấp huyện 1.775 hộ, cấp xã 3.265 hộ. Trên từng lĩnh vực như kinh doanh, sản xuất rau màu, cà phê, chăn nuôi gia súc – gia cầm… đều có những cá nhân điển hình tiên tiến với mức thu nhập vài trăm triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí đầu tư. Điều đáng nói, những nông dân SXKD giỏi không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình mà còn tạo việc làm ổn định và giúp vốn, cây, con giống, kinh nghiệm sản xuất cho các hội viên khó khăn có điều kiện vươn lên, ổn định cuộc sống. HND huyện cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ nông dân, phát động nhiều phong trào thi đua nhằm khơi dậy nội lực của hội viên trong công cuộc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc