Vì sự bình yên của rừng
Phát động quần chúng tập trung, tổ chức vận động cá biệt, huy động cả hệ thống chính trị, già làng, trưởng buôn, người có uy tín trong cộng đồng cùng vào cuộc để tuyên truyền, vận động người dân thay đổi hành vi, nhận thức trong cách “đối xử” với rừng là những biện pháp được Đảng bộ, chính quyền huyện Krông Năng cũng như xã Ea Hồ triển khai, áp dụng thời gian qua. Chính những cách làm linh hoạt ấy đã góp phần bảo vệ, tìm lại sự bình yên cho rừng.
Rừng có một vai trò quan trọng đối với cuộc sống của con người. (Ảnh: Đặng Bá Tiến) |
Nhớ lại những ngày cùng một số người ở buôn Dun (xã Ea Hồ) đi xâm canh rừng trái phép tại Tiểu khu 340A (xã Ea Dah, huyện Krông Năng), anh Y Suôn Niê vẫn cảm thấy hối hận. Gia đình anh là hộ nghèo của buôn, hai vợ chồng không có việc làm ổn định. Chị H’Nhuê Mlô – vợ anh lại lần lượt sinh 4 con nhỏ nên chỉ ở nhà nuôi con và làm việc nội trợ. Mọi chi tiêu trong gia đình đều trông cả vào việc làm thuê của anh và 1,5 sào cà phê, 1 sào lúa do bố mẹ vợ chia cho. Do diện tích sản xuất ít lại không có vốn đầu tư, năng suất thấp nên cái vòng luẩn quẩn “đông con – không việc làm ổn định – nghèo đói” cứ lặp đi lặp lại. Vì vậy, năm 2010, khi một số phần tử xấu trong buôn lôi kéo, dụ dỗ, anh đã cùng tham gia phá rừng ở Tiểu khu 340A với mong muốn có thêm đất sản xuất. Nhưng sau khi được các ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương, ban tự quản buôn và các thành viên Đội Công tác 235 của xã tuyên truyền, vận động, anh Y Suôn đã nhận ra hành vi sai trái và từ bỏ việc phá rừng. Anh Y Suôn bộc bạch: “Mình đã nhận ra sai lầm, giờ chỉ mong muốn bà con hãy chăm chỉ làm ăn, đừng nghe theo lời kẻ xấu xúi giục. Nếu gia đình nào thực sự thiếu đất thì làm đơn trình bày đề nghị chính quyền cấp chứ không nên phá rừng”. Từ đó đến nay, ngoài việc chăm chỉ canh tác cà phê, lúa của gia đình, anh tranh thủ đi làm thuê kiếm thêm thu nhập. Cuối năm 2010, gia đình anh được Nhà nước hỗ trợ làm nhà theo Chương trình 167 nên đã có chỗ ở ổn định, cuộc sống cũng bớt cơ cực hơn trước.
Thành viên Đội Công tác 253 xã Ea Hồ gặp gỡ, trò chuyện với bà con buôn Dun. |
Ông Y Bhiu Mlô (Ma Lâm), Chủ tịch UBMTTQ xã, Đội trưởng Đội Công tác 253 của xã cho biết, thời gian qua, trên địa bàn huyện Krông Năng nổi lên tình trạng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ của 12 buôn thuộc xã Ea Hồ và thị trấn Krông Năng kéo vào tiểu khu 340A xâm canh rừng trái phép lấy đất sản xuất. Trước tình trạng trên, các cấp, ngành liên quan của tỉnh, huyện đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng phương án cụ thể trong công tác phát động quần chúng với nhiều cách thức linh hoạt, sát với tình hình địa phương. Trên cơ sở đó, Đảng ủy xã Ea Hồ đã phân công các đảng viên, bí thư chi bộ các buôn, thành viên Đội Công tác 235, cán bộ các ngành, đoàn thể phối hợp với cán bộ của tỉnh, huyện trực tiếp tham gia công tác phát động quần chúng ở các buôn trên địa bàn xã nhằm tuyên truyền về Luật Đất đai, Luật Chăm sóc – bảo vệ rừng, ý thức chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, Đảng ủy xã đã phân công cán bộ địa phương, phối hợp với ban tự quản buôn, già làng, trí thức, người có uy tín cùng trực tiếp tham gia vận động những đối tượng cầm đầu. Ngoài ra, các cấp, ngành cũng phối hợp tổ chức tiếp xúc cử tri, lồng ghép công tác phát động quần chúng nhằm nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của bà con. Xác định được đặc điểm địa bàn có đông đồng bào theo đạo Tin lành, chính quyền địa phương đã tổ chức gặp mặt, phối hợp với trưởng, phó 5 điểm nhóm Tin lành để làm công tác vận động. Không chỉ tổ chức phát động quần chúng tập trung, vận động cá biệt, chính quyền xã Ea Hồ còn phân công trách nhiệm tuyên truyền, vận động theo các đoàn thể như Hội Phụ nữ, Thanh niên, Nông dân, Cựu chiến binh, Người cao tuổi… Nhờ vậy, từ tháng 10 - 2010 đến nay, người dân 12 buôn trên địa bàn xã không đi xâm canh đất rừng ở Tiểu khu 340A nữa. Cũng theo ông Ma Lâm, để tăng cường công tác nắm tình hình, 12 thành viên trong Đội công tác 235 của xã được phân công phụ trách 12 buôn. Ngoài việc đi cơ sở nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của bà con, mỗi thành viên trong Đội đều tự xây dựng những “tai mắt” ở địa bàn dân cư. Chính cách làm này đã tạo ra một mạng lưới thông tin rộng khắp, kịp thời thông báo những tình huống phát sinh để có giải pháp ứng phó thích hợp. Song song với công tác phát động quần chúng, Huyện ủy Krông Năng và Đảng ủy xã Ea Hồ cũng trực tiếp chỉ đạo việc rà soát, lập danh sách những hộ thực sự thiếu đất sản xuất để đưa ra biện pháp giải quyết thấu tình, đạt lý. Trên địa bàn xã hiện còn 40 hộ chưa có đất sản xuất, 340 hộ diện tích đất sản xuất dưới 3 sào. Năm 2011, huyện đã tiến hành quy hoạch đất tại Tiểu khu 311, 314 ở xã Cư Klông để cấp cho 86 hộ thuộc các buôn: Mrưm, Alê, Mngoan, Giêr, Dun, Wik, Hồ B và buôn Năng. Đồng thời, nhiều người được tạo điều kiện vào làm công nhân tại Công ty Cao su Krông Buk...
Tuy nhiên, để giải quyết triệt để tình trạng phá rừng, theo ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Bí thư Đảng ủy xã, ngoài công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức phát động quần chúng, quy hoạch cấp đất sản xuất cho những hộ thực sự thiếu đất, các ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ rừng nhằm tránh tình trạng “té nước theo mưa”. Đồng thời, cần tăng cường công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ; ưu tiên bố trí việc làm cho con em đồng bào đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp… và điều quan trọng hơn cả chính là nâng cao ý thức của mỗi người dân cùng chính quyền địa phương trong việc chung tay bảo vệ, tránh mọi sự xâm hại tài nguyên rừng.
Yến Ngọc
Ý kiến bạn đọc