Ba phương án giảm lãi suất cho vay
Theo Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (vafi), lãi suất cho vay có thể kéo giảm xuống mức 10%/năm như giai đoạn 2005-2007, nếu các ngân hàng có cách làm phù hợp và quyết tâm cao…
Giảm lãi có chọn lọc
Khoảng 1 tháng trở lại đây, thị trường liên tiếp đón nhận thông tin giảm lãi suất từ các ngân hàng (NH) quốc doanh và cổ phần. Mỗi NH có một mức giảm và phạm vi áp dụng khác nhau, song nhìn chung mức giảm giao động trong khoảng 1%-3%/năm so với mặt bằng chung trên thị trường. Cụ thể, cách đây vài tuần mới chỉ có bốn NH Nhà nước là Agribank, Vietinbank, Vietcombank và BIDV giảm lãi suất cho vay 1%-1,5%/năm, xuống thấp nhất còn 14,5%/năm. Đến thời điểm này, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần cũng đã thông báo hạ lãi suất cho vay. Ngân hàng Á Châu (ACB) với chương trình “Tín dụng ưu đãi lãi suất dành cho doanh nghiệp xuất, nhập khẩu” với quy mô lên đến 100 triệu USD, tập trung vào các ngành như gạo, thủy sản, điều, xăng dầu, nhựa, sắt thép…; thời gian thực hiện từ ngày 8-2-2012 đến 30-6-2012. Mới đây, Ngân hàng Quốc tế (VIB) cũng thông báo dành 4.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn bình quân 1,5%/năm, áp dụng riêng cho các DN sản xuất, xuất nhập khẩu. Trọng điểm của gói tín dụng này là các DN nhỏ và vừa, DN hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu gạo, cà phê, thủy sản, đồ gỗ, dệt may… Ngoài ra, VIB còn dành thêm 50 triệu USD với lãi suất ưu đãi cho các DN xuất nhập khẩu nhằm giải ngân tài trợ vốn lưu động, chiết khấu chứng từ với tỷ lệ tài trợ lên đến 95%. Tương tự, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa công bố: kể từ tháng 3-2012, lãi suất cho vay đều được giảm so với biểu lãi suất hiện hành, trong đó mức giảm cao nhất lên tới 2%/năm. Ngoài ra VPBank còn đưa ra gói tín dụng ưu đãi với lãi suất vay đặc biệt, thấp hơn 3% so với các khoản vay thông thường, phục vụ các khách hàng thuộc đối tượng ưu đãi vay phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và DN xuất khẩu, sản xuất kinh doanh với tổng hạn mức lên tới 5.000 tỷ đồng; thời gian thực hiện chương trình trong vòng 6 tháng …
Thiếu vốn đang là một trong những nguyên nhân chính khiến tiến độ thi công các công trình bị "dẫm chân tại chỗ". (Ảnh minh họa) |
Tuy nhiên, theo phản ánh của các DN, thực tế không dễ tiếp cận các gói tín dụng hỗ trợ, ưu đãi mà một số NH vừa công bố thời gian qua bởi có quá nhiều điều kiện ràng buộc, như: phải kinh doanh có lãi, thanh toán qua NH cho vay v.v… Lãnh đạo một số NH thừa nhận: chưa thể mở rộng cho vay với lãi suất ưu đãi vì lãi suất huy động hiện nay đã xấp xỉ 14%/năm, trong khi cho vay 15%-16%/năm thì NH không có lợi nhuận. Hơn nữa, việc cho vay phải hết sức thận trọng, NH phải nắm chắc được tính khả thi của phương án sản xuất, kinh doanh thì mới dám quyết “đi cùng” khách hàng. Vì vậy, chắc chắn sẽ dẫn đến việc một số khách hàng được giảm lãi suất ở mức thấp nhất, còn số khác vẫn phải chịu áp lực về lãi suất cao.
Ba phương án giảm lãi suất
Để nhanh chóng hạ lãi suất cho vay, tháo gỡ khó khăn về vốn sản xuất cho DN, VAFI đưa ra 3 phương án. Phương án thứ nhất - hiện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang triển khai - đó là chỉ đạo các NHTM Nhà nước hạ dần lãi suất cho vay, từ đó triển khai đến các NHTM cổ phần khác dựa vào sự tăng, giảm của chỉ số giá tiêu dùng và thị trường liên NH mà NHNN thực hiện bơm tiền ở mức độ liều lượng để cuối cùng sẽ điều chỉnh trần lãi suất huy động. Với phương án này, VAFI cho rằng lãi suất sẽ giảm rất chậm; dự kiến phải đến cuối năm 2012, lãi suất cho vay còn giao động ở mức 14%-18%/năm, phổ biến ở mức 15%-17%/năm. Mức lãi suất này vẫn còn quá cao so với lợi nhuận thực tế mà DN thu được. Do vậy, VAFI đề xuất phương án thứ hai là NHNN nên giảm ngay lãi suất huy động đối với tiền gửi của các tổ chức xuống mức 11%/năm. Theo thống kê chọn mẫu của VAFI, lượng tiền gửi của tổ chức trong các tổ chức tín dụng chiếm tỷ lệ 40%-55% tổng lượng tiền gửi, đây là con số không nhỏ và có tác động nhanh đến lãi suất cho vay. Việc giảm ngay lãi suất huy động của đối tượng này sẽ không ảnh hưởng đến trật tự huy động vốn của hệ thống NH, không tác động đến thị trường ngoại tệ. Đồng thời cần khống chế lãi suất tiền gửi ngoại tệ và vàng miếng ở mức không quá 1%/năm nhằm làm tăng sức hấp dẫn đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam, thúc đẩy tiến trình bán vàng, ngoại tệ cho khối NHTM. Cùng với đó, đặt trần lãi suất cho vay không quá 18%/năm; tiến tới giảm dần lãi suất tiền gửi của dân cư và hạ tiếp trần lãi suất cho vay. Với phương án này, dự báo đến cuối năm 2012, lãi suất cho vay sẽ giao động quanh mức 12%-16%/năm, phổ biến ở mức 14%-15%/năm. Dù vậy, theo VAFI, mức lãi suất này vẫn còn cao và không tương xứng với tình hình thực tế. Phương án cuối cùng, được xem là phù hợp nhất: VAFI đề nghị sớm ban hành nghị định về kinh doanh vàng, vì quy định này có tác động tích cực đến bình ổn thị trường ngoại hối. Điểm mấu chốt của nghị định là ban hành chính sách thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt đối với hoạt động kinh doanh vàng. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, Bộ Tài chính và NHNN có thể phối hợp, xây dựng mức thuế giá trị gia tăng và tiêu thụ đặc biệt đối với hoạt động kinh doanh vàng miếng, vàng trang sức lên 20% cho phù hợp với luật thuế hiện hành. Nếu làm được điều này sẽ xóa bỏ được tình trạng đầu cơ, lướt sóng vàng miếng; đồng Việt Nam được bảo vệ mạnh mẽ; sẽ lên giá và “chảy” vào hệ thống NH. Khi kết hợp thực hiện phương án này với phương án thứ hai nêu trên sẽ tạo ra những điều kiện cần thiết để kéo lãi suất cho vay xuống mức thấp như giai đoạn 2005-2007.
Theo các NH, không riêng gì DN mà bản thân họ cũng nóng lòng giảm lãi suất cho vay để kích thích phát triển. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất còn phải căn cứ vào tình hình thực tế. Dù vậy, nếu tất cả các NH cùng hưởng ứng, không “xé rào” huy động vượt trần thì việc giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện thuận lợi để DN ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh sẽ trở thành hiện thực.
Theo báo cáo của UBND tỉnh: đến tháng 2-2012, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 13.574 tỷ đồng, tăng 2,5% so với tháng trước; tổng dư nợ cho vay đạt 31.626 tỷ đồng, giảm 1,7% so với tháng trước. Chi nhánh NHNN Dak Lak cũng cho biết: lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam đang được các tổ chức tín dụng trên địa bàn áp dụng phổ biến ở những mức sau: lĩnh vực xuất khẩu (khoảng 16%/năm); nông nghiệp - nông thôn (17%/năm), sản xuất - kinh doanh khác (17%-19%/năm), phi sản xuất (19%-22%/năm).
Trần Sáu
Ý kiến bạn đọc