Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: “Vướng” từ nhiều phía
Trong thời gian qua, hoạt động của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) tỉnh đã đóng góp đáng kể vào việc bảo vệ quyền lợi NTD trên địa bàn. Tuy nhiên, trong thực tế công tác này còn gặp nhiều khó khăn trở ngại.
Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh và doanh nghiệp tham gia giải quyết một vụ khiếu nại của NTD về chất lượng sữa. |
Mục đích hoạt động của Hội Bảo vệ quyền lợi NTD là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NTD khi bị xâm hại, bảo đảm uy tín cho các nhà sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chân chính và bảo đảm sự công bằng cho NTD khi mua hàng hóa hay sử dụng dịch vụ phải được nhận giá trị tương ứng với đồng tiền mà họ bỏ ra. Vì vậy, Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh chú trọng tuyên truyền pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD; tham gia kiểm tra về chất lượng sản phẩm hàng hóa do các sở, ngành của tỉnh tổ chức để nắm bắt tình hình chấp hành pháp luật về thương mại, đo lường, chất lượng, ghi nhãn hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê của Hội, số vụ khiếu nại về chất lượng hàng hóa, dịch vụ ngày càng tăng, chỉ tính riêng trong năm 2011, Hội đã tiếp nhận giải quyết 32 đơn thư khiếu nại của NTD trên địa bàn. Các hành vi NTD thường bị xâm hại là mua phải hàng hóa có chất lượng thấp hơn công bố, bị gian dối về xuất xứ, cân đo thiếu, thực hiện dịch vụ sai hợp đồng hoặc hợp đồng không minh bạch… Có thể nói, tuy số vụ tư vấn, giải quyết khiếu nại Hội thực hiện trong những năm qua chưa nhiều so với số lượng vụ vi phạm mà cơ quan quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý và diễn biến thực tế trên thị trường, nhưng đã giải quyết đúng thẩm quyền và đi vào chiều sâu theo chức năng, nhiệm vụ pháp luật quy định, bảo vệ được quyền lợi của NTD bị xâm hại, góp phần thực hiện công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD của tỉnh, từng bước tạo được lòng tin đối với NTD.
Tuy nhiên, thực tiễn công tác bảo vệ quyền lợi NTD trong thời gian qua cho thấy, các hành vi vi phạm quyền lợi của NTD xảy ra trên nhiều lĩnh vực đời sống, với nhiều hình thức khác nhau. Các lĩnh vực hay xảy ra vi phạm là: đo lường (gian lận trong kinh doanh xăng dầu, kinh doanh hàng hóa là thực phẩm phục vụ sinh hoạt hằng ngày), an toàn vệ sinh thực phẩm (hàng hóa có các chất bảo quản độc hại, dư lượng kháng sinh cao, các chất phụ gia không bảo đảm), chất lượng (hàng hóa kém chất lượng, không bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn)… Trên thực tế, số vụ khiếu nại còn ít so với số vụ vi phạm bởi vì “vướng” từ nhiều phía. Một mặt, do cơ quan chức năng chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác bảo vệ quyền lợi NTD; một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa ý thức được vai trò NTD với sự “sống còn” của doanh nghiệp. Mặt khác, Hội Bảo vệ quyền lợi NTD mới thành lập, phạm vi hoạt động còn hẹp nên NTD ở nông thôn hầu như chưa biết đến, trong khi phần nhiều trường hợp vi phạm quyền lợi NTD lại diễn ra ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, NTD còn lúng túng chưa biết ai là người giải quyết những vấn đề vi phạm đến quyền lợi của họ. Hơn nữa, xét về góc độ chuyên môn, khi nhận được đơn khiếu nại của NTD, Hội Bảo vệ quyền lợi NTD có trách nhiệm mời nhà cung cấp đến để hòa giải, đền bù thỏa đáng. Song, không phải nói mời là được ngay, thậm chí có đơn vị mời nhiều lần vẫn không đến, luôn viện lý do để né tránh, trì hoãn, kéo dài thời gian, hoặc cử người không có trách nhiệm giải quyết đến, gây thiệt hại cho người tiêu dùng cả về kinh tế, công sức và thời gian.
Bên cạnh đó, việc nhiều NTD chưa biết sử dụng hoặc sử dụng chưa tốt quyền của mình một cách có hiệu quả cũng khiến cho công tác giải quyết vi phạm quyền lợi NTD bị chậm trễ. Thực tế cho thấy, tâm lý chung của không ít NTD là ngại va chạm, sản phẩm không có giá trị lớn mà khiếu nại thì tốn thời gian, công sức… Tình trạng xâm phạm quyền lợi NTD, bán hàng kém chất lượng, thực phẩm không an toàn diễn ra khá nhiều, nhưng rất ít NTD bị vi phạm quyền lợi đứng ra khiếu nại hoặc khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại. Mỗi năm, Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh tiếp nhận và giải quyết khoảng hơn 10 vụ khiếu nại, có vụ hòa giải thành, có vụ khá căng thẳng, phải đề nghị chuyển sang Tòa án giải quyết, nhưng đến nay chưa có NTD nào khởi kiện tại tòa án.
Thiết nghĩ, để thực hiện tốt công tác bảo vệ quyền lợi NTD, cần phải tăng cường hơn nữa vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước để kiểm tra, giám sát các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ NTD. Đồng thời, các cơ quan Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức xã hội, phương tiện thông tin đại chúng và chính NTD cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc giải quyết khiếu nại vi phạm quyền lợi NTD. Hay nói cách khác, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội thì việc thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi NTD mới có hiệu quả và bảo vệ được quyền lợi của NTD cũng như lợi ích chung của toàn xã hội.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc