Multimedia Đọc Báo in

Doanh nghiệp mía đường trước sức ép của đường ngoại nhập

10:44, 09/03/2012

Thời điểm này, các doanh nghiệp mía đường đang nhộn nhịp bước vào vụ ép mới. Giá đường giảm, sức ép của đường ngoại cả chính ngạch và nhập lậu… khiến doanh nghiệp mía đường đang đối diện với nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh…

Giá đường được dự báo có thể xuống thấp trong thời gian tới sẽ khiến doanh nghiệp mía đường càng khó khăn.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, ước tính niên vụ mía đường 2011-2012 cả nước sẽ sản xuất được khoảng 1,4 triệu tấn đường, tăng  250.000 tấn so với niên vụ trước. Với con số 40 nhà máy đường thuộc sở hữu của 35 công ty, trong đó có 34 công ty cổ phần hoặc có vốn đầu tư nước ngoài, còn lại là công ty TNHH một thành viên, trong điều kiện được cung cấp đủ nguyên liệu thì sản lượng đường hằng năm hoàn toàn có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng nội địa, hay nói cách khác đã có thể yên tâm làm ăn trên sân nhà. Nhưng thực tế là ngoài lượng đường nhập khẩu được Bộ Công Thương cấp hạn ngạch từ đầu năm, vẫn còn có một lượng đường nhập lậu tràn vào, trong khi các nhà máy đối diện với khó khăn do lượng đường tồn kho có xu hướng gia tăng dù mới chỉ đi được ½ chặng đường của niên vụ mới. Thống kê của Hiệp hội Mía đường Việt Nam đến cuối tháng 2-2012 cho thấy, lượng đường tồn kho đã lên tới 30.000 tấn. Những yếu tố này là một trong những nguyên nhân khiến giá đường giảm từ trên 18.000 đồng/kg trước tết xuống 16.000 đồng/kg sau tết và dự báo có nguy cơ còn tiếp tục giảm trong thời gian tới. Đây cũng là những nguyên nhân lý giải vì sao khó tính toán chính xác được lượng đường tiêu dùng trong nước để bảo đảm cân đối cung cầu.

Băn khoăn với những khó khăn này, ông Võ Xuân Song, Trưởng phòng Tổ chức – Hành chính Công ty Cổ phần Mía đường 333 cho biết: Niên vụ 2011-2012, dự tính sản lượng đường của Công ty là 32.230 tấn. Giá đường từ quý IV năm 2011 đến nay bất lợi cho người sản xuất, chỉ xấp xỉ bằng giá thành. Với vùng nguyên liệu 670 ha, Công ty đã đầu tư 110 tỷ đồng tiền giống, phân bón cũng như hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho nông dân. Với các hộ dân, tiền thuê nhân công thu hoạch không dưới 150 nghìn đồng/ngày, thậm chí cao điểm 300 đồng/ngày, nếu Công ty hạch toán theo đúng mức giá đường trên thị trường để tính giá thu mua mía nguyên liệu cho bà con thì nhiều người sẽ chẳng có lãi chưa nói là lỗ dù mía được mùa. Hệ lụy đó sẽ kéo theo việc nông dân khó khăn trong vấn đề chi trả, thanh toán các khoản đầu tư cho Công ty. Vì vậy, thực hiện theo khuyến cáo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, Công ty bảo đảm mức thu mua mía nguyên liệu bình quân 920 nghìn đồng/tấn; nâng công suất chế biến từ 1.800 tấn mía cây/ngày lên 2.500 tấn/ngày; xây dựng và thông báo kế hoạch thu hoạch, vận chuyển mía cụ thể đến từng địa bàn nguyên liệu; nhà máy hoạt động liên tục 24/24. Về vấn đề tiêu thụ, hiện đường thành phẩm của Công ty Cổ phần Mía đường 333 chủ yếu tiêu thụ trong nước nên cũng như nhiều đơn vị bạn, tác động của yếu tố nhập lậu đường là không nhỏ. Ông Song đề nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ, đưa sản phẩm đường vào mặt hàng bình ổn và quan trọng nữa là phải tăng cường kiểm tra, quản lý, chống nhập lậu đường.

Còn với trách nhiệm của mình trước thực trạng trên, trong cuộc họp triển khai sản xuất vụ mía 2011 – 2012, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã đi đến thống nhất sẽ kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thay đổi cơ chế điều hành nhập khẩu đường thời gian tới. Theo đó, việc cấp phép nhập khẩu đường vẫn được thực hiện theo cam kết khi Việt Nam gia nhập WTO, nhưng chỉ cho phép thông quan sau khi kết thúc vụ ép mía. Khi xảy ra dư thừa cung cục bộ trong ngắn hạn, đề nghị cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu lượng đường hợp lý để giữ mặt bằng giá trong nước. Sau đó, Bộ Công Thương sẽ cấp hạn ngạch nhập khẩu bổ sung ưu tiên cho các doanh nghiệp đã xuất khẩu. Lượng hạn ngạch nhập sẽ bằng đúng lượng đường đã xuất và cũng chỉ cho thông quan sau khi kết thúc vụ ép mía. Về phía các công ty mía đường, giải pháp số một của ngành vẫn là nâng cao năng suất, chất lượng mía; đầu tư dây chuyền công nghệ; xây dựng mối liên kết lâu dài với người trồng mía, bảo đảm vùng nguyên liệu ổn định cho sản xuất, chế biến.

Đàm Giang

 


Ý kiến bạn đọc