Multimedia Đọc Báo in

Lãi suất cho vay vẫn còn cao

10:17, 28/03/2012

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến giữa tháng 3-2012, lãi suất cho vay đồng Việt Nam phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu ở mức 14,5%-16%/năm; sản xuất - kinh doanh khác 16,5%-20%/năm; phi sản xuất 20%-25%/năm. Tuy nhiên, theo nhiều khách hàng, mức lãi suất như vậy vẫn còn khá cao, đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh của họ.

Giao dịch tại Viettinbank Dak Lak.

Giám đốc một đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bộc bạch: Cùng với những khó khăn của nền kinh tế và mức lãi suất cho vay hiện nay, ít có doanh nghiệp (DN) nào làm ăn có lãi. Với mức lãi suất 19%/năm như DN đang vay, cứ 1 tỷ đồng thì mỗi năm phải trả lãi đến 190 triệu đồng, tính ra lợi nhuận thu được hàng năm chỉ đủ để trả lãi ngân hàng chứ chưa đủ để khấu hao tài sản. Điều này chẳng khác nào DN đang bán tài sản của mình để “ăn” dần!

Theo một số đơn vị kinh doanh vận tải thì mấy năm gần đây, hoạt động lĩnh vực này không còn “ăn nên làm ra” như trước nữa, bởi ngày càng có nhiều DN vận tải ra đời, cùng với tình trạng vận tải “chui” (không đăng ký kinh doanh) khiến thị trường này cạnh tranh gay gắt. Trong khi đó, do ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, lượng hàng hóa lưu thông không nhiều nên tần suất kinh doanh giảm đáng kể, thời gian xe nghỉ nhiều hơn lăn bánh. Không riêng gì các đơn vị vận tải mà nhiều DN hoạt động ở các lĩnh vực khác cũng rơi vào tình trạng tương tự. Một DN chuyên khai thác, kinh doanh vật liệu xây dựng ở thị xã Buôn Hồ cho hay: với mức lãi suất tiền vay hiện tại, đơn vị chỉ mong duy trì được hoạt động là tốt rồi. Những năm trước, sản xuất kinh doanh sôi động, lợi nhuận thu được cao thì còn có thể xoay xở được, chứ thời gian gần đây hàng hóa làm ra không bán được, việc trả lãi ngân hàng càng trở nên nặng nề hơn. Không chỉ DN, mà hộ sản xuất nông nghiệp cũng đang đối mặt với những khó khăn do lãi suất ngân hàng cao. Theo một hộ sản xuất cà phê lâu năm ở huyện Krông Buk, tổng vốn đầu tư chăm sóc 1 ha cà phê kinh doanh hết 80-90 triệu đồng/năm, trong khi trung bình mỗi vụ chỉ cho sản lượng chừng 3 tấn, với giá bán gần 40.000 đồng/kg nhân xô như hiện nay, thì người sản xuất còn lãi 30-40 triệu đồng. Nếu vay vốn ngân hàng chừng 50-60 triệu đồng, lãi suất 18,5%/năm (mức lãi suất hộ nông dân này vừa vay tại một tổ chức tín dụng trên địa bàn), mỗi năm khách hàng phải trả lãi từ 9-11 triệu đồng, tương đương với khoảng 25%  lợi nhuận, chưa tính các chi phí khác. Như vậy, lợi nhuận của người trồng cà phê ở đây may lắm chỉ đủ trang trải cho cuộc sống gia đình trong năm chứ không còn vốn để tái đầu tư mở rộng sản xuất. Đó là trong điều kiện bình thường, chứ gặp những năm thời tiết khắc nghiệt, giá cả nông sản xuống thấp thì kết quả sản xuất có thể bị âm.

Đầu tháng 3-2012, NHNN đã quyết định giảm lãi suất tiền gửi với mức 1%/năm. Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 6% xuống còn 5%/năm; tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng trở lên giảm từ 14% xuống còn 13%/năm; riêng quỹ tín dụng nhân dân cơ sở ấn định mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng trở lên giảm từ 14,5% xuống 13,5%/năm. Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, mặc dù lãi suất huy động và cho vay đã hạ nhưng so với nhu cầu của doanh nghiệp thì đó vẫn là mức cao. Vì vậy, thời gian tới vẫn phải tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp tục hạ lãi suất. Nếu CPI năm nay chỉ tăng ở mức 10%/năm như mục tiêu đặt ra thì lãi suất huy động cũng có thể sẽ giảm về mức 10%/năm. Nếu lạm phát có xu hướng giảm dần thì phấn đấu mỗi quý giảm 1% lãi suất huy động và đến cuối năm, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ về ngưỡng 14,5%-16%/năm.

Ngày 22-3-2012, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có văn bản yêu cầu 5 ngân hàng (NN&PTNT Việt Nam, Công thương Việt Nam, Ngoại thương Việt Nam, ĐT&PT Việt Nam và Phát triển Nhà đồng bằng sông Cửu Long) thực hiện có hiệu quả việc tuyên truyền và phát động phong trào thi đua nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, hạ lãi suất cho vay đến toàn thể cán bộ, công nhân viên trong hệ thống và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2012; triển khai thực hiện kế hoạch kinh doanh năm 2012 phù hợp với định hướng và các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng của Chính phủ và NHNN; rà soát các định mức chỉ tiêu; cải tiến cơ chế quản trị, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng tài sản. Trên cơ sở đó, xác định các biện pháp, mức tiết giảm chi phí để đạt được mục tiêu tiết giảm từ 5%-10% và hạ lãi suất cho vay. Yêu cầu các ngân hàng đăng ký biện pháp và mức tiết giảm cụ thể với NHNN và Bộ Tài chính trước ngày 10-4-2012...

Trần Sáu


Ý kiến bạn đọc