Người nông dân dám nghĩ dám làm
Quê gốc ở Đông Hưng (tỉnh Thái Bình), năm 1978, ông Lã Như Kỹ vào xây dựng kinh tế mới tại thôn Sơn Cường, xã Buôn Triết (Lak). Lập nghiệp với hai bàn tay trắng, ban đầu cuộc sống của gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn, vợ chồng ông chăm chỉ khai hoang để lo cái ăn trước mắt. Đến năm 1984, khi Nông trường 8/4 (Lak) giải thể, cánh đồng đất rộng hơn 2.000 ha này trở thành cánh đồng hoang vu không người khai hoang. Với suy nghĩ “tấc đất tấc vàng”, không ngại khó khăn, ông cùng gia đình quyết định chuyển đến xã Buôn Tría khai hoang đất trồng lúa.
Với số vốn ít ỏi tích góp được, ông vay mượn thêm và mạnh dạn mua máy cày ATZ trị giá 40 triệu đồng để giúp cho việc khai hoang thuận tiện hơn. Trong những năm qua, cùng với đông đảo bà con nơi đây, ông Kỹ đã biến vùng đất bỏ hoang trở thành một cánh đồng lúa xanh mơn mởn thẳng cánh cò bay. Người nông dân ai cũng phấn khởi, cuộc sống của gia đình ông cũng bớt khó khăn phần nào nhờ vào việc sản xuất 20 ha lúa nước. Tuy nhiên do hệ thống kênh mương của Nông trường 8/4 trước kia đã bị sạt lở, hư hỏng nặng, việc dẫn nước vào ruộng gặp không ít khó khăn, hơn nữa người dân chủ yếu sử dụng đầu bơm nhỏ chạy bằng dầu để tưới nên chi phí đầu tư cao, mà hiệu quả kinh tế thấp, tốn nhiều công sức và tiền của. Nhằm giúp cho việc sản xuất nông nghiệp được thuận tiện, giảm ngày công lao động, chi phí đầu tư, kiên cố hóa hệ thống kênh mương, đáp ứng việc tưới tiêu cho gia đình, góp phần đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, năm 2006, với số tiền gia đình tiết kiệm được, rồi vay mượn thêm, ông Kỹ đã mạnh dạn đầu tư 900 triệu đồng kéo điện lưới quốc gia về hạ trạm biến áp, làm trạm bơm, công suất máy bơm là 1.200 khối/giờ với 2 tổ máy. Nhờ tận dụng được nguồn nước tự nhiên từ con sông Krông Na, hệ thống trạm bơm được xây dựng ở đây luôn bảo đảm nguồn nước tưới cho cánh đồng lúa. Từ đó công việc tưới nước trở nên nhẹ nhàng và thuận tiện hơn, năng suất lúa đã được cải thiện từ 7 tạ/sào lên 9 tạ/sào. Ông Kỹ cho biết “Việc xây dựng trạm bơm đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, bảo đảm tính thời vụ, giải phóng sức lao động cho nông dân… Trước kia, khi làm 1 ha lúa, nước gia đình tôi phải tiêu tốn khoảng 200 lít dầu cho việc làm đất và tưới nước, với giá dầu ngày một cao từ 14 – 22 nghìn đồng/lít thì chi phí đầu tư của gia đình tôi trong công đoạn này là hơn 4 triệu đồng/ha. Khi có máy bơm nước bằng điện, mỗi ha lúa chỉ sử dụng hết 40 lít dầu cho việc làm đất, và 750 nghìn đồng tiền điện tưới; như vậy, chi phí đầu tư đã giảm được 50%”.
Thấy được hiệu quả mang lại từ việc xây dựng trạm bơm, năm 2010, ông Kỹ đã thành lập Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Cánh đồng 8/4 xã Buôn Tría, và vận động thêm hội viên tham gia góp vốn xây dựng trạm bơm, trạm biến áp và hệ thống kênh mương mà ông chính là chủ nhiệm HTX. Tính đến nay, HTX đã xây dựng được 5 trạm bơm gồm 7 máy bơm, và 3 trạm biến áp, với tổng kinh phí đầu tư lên đến gần 3 tỷ đồng. Hiệu quả hoạt động của các trạm bơm thuộc HTX tương đương với các trạm bơm được đầu tư xây dựng từ nguồn kinh phí của huyện, nước tưới luôn bảo đảm một phần là nhờ có sự điều tiết nước của cán bộ thủy nông… Từ khi thành lập đến nay, HTX còn xây dựng, đào mới và nạo vét được trên 15 km kênh mương, trong đó có 300 m là mương bê tông; phục vụ tưới cho 600 ha lúa nước của cánh đồng 8/4 thuộc 2 xã Buôn Tría và Buôn Triết. Bà con nông dân khi sử dụng dịch vụ này thì được hưởng lợi từ hệ thống mương máng do HTX làm để dẫn nước vào ruộng, lệ phí bơm nước thấp (750 nghìn đồng/ha), có đội ngũ thủy nông thực hiện việc điều tiết nước. Như vậy, mức chi phí đầu tư giảm rõ rệt so với những năm trước đây, ít tốn công, không còn vất vả như trước, bà con ai cũng phấn khởi. Anh Nguyễn Trọng Nhân, thôn Liên Kết 3 xã Buôn Tría, một trong những người đang sử dụng dịch vụ nông nghiệp này cho biết: “Gia đình tôi có gần 2 ha lúa nước. Trước đây việc việc dẫn nước vào ruộng gặp rất nhiều khó khăn, nước điều tiết không đều nên ảnh hưởng đến việc sinh trưởng của lúa, năng suất thấp; hơn nữa vì sử dụng đầu bơm nhỏ chạy bằng dầu nên chi phí cao, mỗi năm thu hoạch sau khi trừ chi phí đầu tư thì gia đình không còn lãi được bao nhiêu. Từ ngày có trạm bơm, gia đình tôi đăng ký sử dụng dịch vụ từ HTX, việc tưới tiêu cho lúa trở nên nhẹ nhàng hơn, giảm hẳn chi phí đầu tư, nước được điều tiết vào ruộng kịp thời.
Việc thực hiện thành công ý nghĩ táo bạo của mình, nông dân Lã Như Kỹ đã thật sự góp một phần không nhỏ vào việc giúp bà con nông dân ở địa phương sản xuất nông nghiệp theo hướng cơ giới hóa, vừa giảm chi phí đầu tư, ít ngày công lao động, vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao…
Vy Thủy
Ý kiến bạn đọc