Multimedia Đọc Báo in

Nhân rộng mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp: Nhìn từ liên minh trồng bông vải ở Buôn Đôn

08:39, 05/03/2012

Với thực trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, năng suất thấp thì liên kết “4 nhà” trong phát triển nông nghiệp được xem là giải pháp hữu hiệu đối với một huyện thuần nông như Buôn Đôn. Tuy nhiên, vấn đề liên kết trong sản xuất ở đây vẫn chưa được các bên quan tâm đúng mức.

Bà con nông dân thu hoạch bông.

Là một huyện thuần nông thuộc diện nghèo của tỉnh, Buôn Đôn có trên 18.000 ha đất nông nghiệp với các loại cây trồng chủ yếu là lúa, hoa màu, bông vải, cà phê, điều, tiêu. Lợi thế của Buôn Đôn là chăn nuôi đại gia súc, tuy nhiên đàn trâu, bò của huyện cũng chỉ mới phát triển ở quy mô nhỏ, chất lượng chưa cao. Trong khi đó, trồng trọt chiếm tỷ trọng trên 80% giá trị sản xuất nông nghiệp, nhưng quy mô nhỏ lẻ, manh mún do chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, nhất là việc liên kết, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Với chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng (theo Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24-6-2002 của Thủ tướng Chính phủ), trên địa bàn huyện cũng đã xuất hiện mô hình liên kết giữa doanh nghiệp (DN) và nông dân trồng bông, mía. Đơn cử như Liên minh sản xuất bông vải gồm Công ty Cổ phần Bông Tây Nguyên và 9 tổ hợp tác gồm 800 hộ nông dân trồng bông vải trên địa bàn huyện, qua đó nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh cho nông dân sản xuất quy mô nhỏ thông qua các giải pháp hỗ trợ tiếp cận thị trường, cung cấp và chuyển giao kỹ thuật ứng dụng các công nghệ sản xuất mới, cũng như được hỗ trợ chi phí hạt giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, Công ty còn cử cán bộ kỹ thuật triển khai tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân; cam kết với người trồng bông thu mua hết sản phẩm. Anh Trần Văn Dũng, thôn 2, xã Tân Hòa cho biết, khi tham gia liên kết với DN thì những hộ trồng bông như gia đình anh không những không phải lo đầu ra mà còn được hỗ trợ vật tư, kỹ thuật, nhờ đó nên anh luôn yên tâm sản xuất và có thu nhập ổn định. Thực vậy, mô hình trên đã giúp nông dân am hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản bông sau thu hoạch, cải thiện năng suất, chất lượng bông vải; đầu ra cho sản phẩm được ổn định, thu nhập của nông hộ tăng lên.

Trên đây chỉ là ví dụ tiêu biểu về mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Buôn Đôn. Thực tế, số lượng các mô hình liên kết có hiệu quả còn rất ít. Nguyên nhân khiến nông dân chưa mặn mà với việc tiêu thụ nông sản theo hợp đồng, một phần là do tập quán sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, phần khác do một số DN không thực hiện nghiêm túc hợp đồng hoặc bỏ rơi nông dân khi thị trường tiêu thụ có biến động, khiến nông dân mất lòng tin. Còn phía DN chưa thiết tha với việc liên kết là do sự ràng buộc về mặt pháp lý giữa nông dân và DN còn lỏng lẻo; quy cách, chất lượng sản phẩm nông dân cung cấp cho DN không đồng đều, hoặc nông dân bán sản phẩm cho thương lái vì giá cao hơn, khiến DN bị mất nguồn nguyên liệu diễn ra khá phổ biến. Hậu quả là DN thiếu nguồn cung ổn định, còn nông dân chịu cảnh đầu ra bấp bênh.

Để nhân rộng nhiều hơn nữa các mô hình cần có sự liên kết chặt chẽ và có sự thụ hưởng bình đẳng, phù hợp giữa 4 nhà. Bên cạnh đó, Nhà nước cần đứng ra làm đầu mối, điều tiết, chỉ đạo trong quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, cho vay vốn,... Đồng thời, tăng cường đầu tư công tác nghiên cứu khoa học nhằm tạo thuận lợi cho nhà khoa học nghiên cứu,  chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất theo hướng chất lượng cao. Cùng với việc tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết những nông dân có diện tích nhỏ lại với nhau thành các tổ hợp tác hoặc HTX, nhằm hình thành vùng nguyên liệu có sản lượng đủ lớn, chất lượng tốt. Việc ký kết hợp đồng giữa DN và nông dân cũng sẽ thuận lợi hơn khi thông qua một đầu mối là đại diện các tổ hợp tác, HTX. DN phải tạo được chữ tín và cam kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân, trên cơ sở Nhà nước hỗ trợ DN về xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường và xây dựng những thương hiệu mạnh... Đây là điều kiện cần thiết để DN mạnh dạn đầu tư, liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân cũng như nông dân an tâm sản xuất và gắn bó lâu dài với DN.

Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.