Sắp xếp, chuyển đổi các lâm trường thành Công ty TNHH Một thành viên: Nhiều doanh nghiệp vẫn hoạt động kém hiệu quả - Vì sao?
Theo UBND tỉnh, hiện nay, phần lớn các nông, lâm trường sau khi sắp xếp, chuyển đổi thành các công ty TNHH Một thành viên đều sản xuất kinh doanh kém hiệu quả. Thậm chí, có nhiều công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp còn nợ lương của cán bộ, công nhân viên trong nhiều tháng liền.
Chăm sóc rừng ở Krông Bông. |
Sau khi sắp xếp, chuyển đổi, hiện nay, toàn tỉnh có 15 công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp (giảm 4 lâm trường), 8 Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ và Vườn quốc gia, quản lý, bảo vệ trên 491.239 ha, chủ yếu là đất nông nghiệp, đất hoang đồi núi và đất phi nông nghiệp, đất sông suối, mặt nước chuyên dùng. Tỉnh cũng chuyển 10 nông trường cà phê sang thành 10 công ty TNHH Một thành viên chuyên sản xuất kinh doanh cà phê, (giải thể Nông trường cà phê Phước Sơn do làm ăn thua lỗ). Các công ty TNHH Một thành viên sản xuất kinh doanh cà phê này hiện đang quản lý, sử dụng 22.107 ha, trong đó, chủ yếu là đất nông nghiệp, đất phi sản xuất nông nghiệp là 1.593 ha. Qua kiểm tra, các đơn vị trực tiếp sử dụng là 11.829 ha, giao khoán cho các hộ gia đình công nhân là 7.939 ha, diện tích còn lại là liên doanh, liên kết...
Cũng theo đánh giá của UBND tỉnh, sau khi sắp xếp, chuyển đổi, các công ty TNHH Một thành viên sản xuất kinh doanh cà phê thì sản xuất kinh doanh bước đầu có hiệu quả, còn hầu hết các công ty lâm nghiệp đều sản xuất kinh doanh kém hiệu quả. Cụ thể, hiện nay, diện tích đất rừng phòng hộ do không thuộc đối tượng phải thực hiện nghĩa vụ tài chính nên các Ban quản lý, công ty đã nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; còn diện tích đất rừng sản xuất phải chuyển sang hình thức thuê đất nên các công ty TNHH Một thành viên không đủ tài chính để nộp nên vẫn chưa nhận được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh cũng chỉ mới có 2 công ty (Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Krông Bông và M’Drak) đã xây dựng được phương án quản lý và bảo vệ rừng bền vững (được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định và UBND tỉnh phê duyệt), còn đối với 13 công ty lâm nghiệp còn lại, diện tích rừng giao quản lý chủ yếu là rừng trung bình, rừng nghèo, trữ lượng gỗ khai thác ít nên không đủ tiêu chí thực hiện phương án quản lý, bảo vệ rừng bền vững. Một trong những nguyên nhân làm cho các công ty lâm nghiệp sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả là do thiếu vốn để đầu tư phát triển sản xuất. Cụ thể, việc xác định vốn của các doanh nghiệp hiện nay mới chỉ căn cứ vào giá trị tài sản cố định là cơ sở hạ tầng, sân phơi, nhà kho, phương tiện vận tải, vốn lưu động, trong khi đó, tài sản lớn nhất của các lâm trường quốc doanh là rừng tự nhiên vẫn chưa xác định được giá trị nên chưa được tính vào vốn. Do vậy, các lâm trường sau khi chuyển đổi sang thành các công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp gặp khó khăn trong việc đăng ký kinh doanh, ảnh hưởng đến chất lượng chuyển đổi và công tác quản lý tài sản - tài chính của các doanh nghiệp sau chuyển đổi.
UBND tỉnh đã kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm có chính sách ưu tiên cho các công ty TNHH Một thành viên nông- lâm nghiệp vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển rừng, phát triển cà phê, cao su, ca cao. Các công ty lâm nghiệp được tự chủ trong kinh doanh khai thác rừng và hoạt động quản lý bảo vệ phát triển rừng theo phương án quản lý bảo vệ rừng bền vững được phê duyệt; xác định vốn rừng phải theo Nghị định 48 của Chính phủ về nguyên tắc, phương pháp xác định giá các loại rừng... để làm cơ sở xác định lại vốn cho các công ty lâm nghiệp. Tỉnh cũng kiến nghị cần có chính sách cho các công ty lâm nghiệp được hưởng chế độ giao khoán những diện tích rừng sản xuất là rừng tự nhiên nghèo kiệt đang trong thời kỳ nuôi dưỡng, phục hồi, chưa được phép khai thác gỗ theo cơ chế như đối với những khu rừng phòng hộ...
Quang Huy
Yêu cầu các Công ty lâm nghiệp đề xuất mô hình quản lý cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn từng đơn vị
UBND tỉnh vừa có văn bản yêu cầu các Công ty lâm nghiệp trên địa bàn Dak Lak rà soát, đánh giá lại toàn diện hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị mình trong thời gian qua, để trên cơ sở đó đề xuất mô hình quản lý cụ thể, có tính khả thi cao và phù hợp với tình hình thực tiễn của từng đơn vị. Theo đó, các mô hình được đề xuất theo yêu cầu của UBDN tỉnh gồm: mô hình doanh nghiệp (DN) hoạt động theo Luật DN; hoặc là DN công ích, công ty cổ phần; hoặc Ban quản lý, bảo vệ rừng... theo Chỉ thị 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh, tái cơ cấu DN Nhà nước. Dak Lak cũng sẽ có chủ trương kiên quyết sắp xếp, chuyển đổi một số Công ty lâm nghiệp (trong tổng số 15 công ty) quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên thành đơn vị sự nghiệp thực hiện việc khoán chăm sóc và bảo vệ rừng trồng cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu trên địa bàn tỉnh.
Đ.Đ
Ý kiến bạn đọc