Thị trường bán lẻ Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư ngoại
Việc hai nhà bán lẻ hàng đầu của Nhật Bản (Takashimaya và Aeon) công bố những "dự án khủng" tại thị trường Việt Nam đầu năm 2012 dường như hâm nóng lại thị trường bán lẻ trong nước...
Cuối tháng 2-2012, Tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản Takashimaya hoàn thành việc ký hợp đồng thuê mặt bằng rộng 15.000m2 tại vị trí đắc địa của trung tâm Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm chuẩn bị cho sự có mặt chính thức vào năm 2015 tại thị trường Việt Nam. Hiện Tập đoàn này đang tiến hành thành lập văn phòng dự án và làm thủ tục đăng ký mở một công ty tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hướng tới tầng lớp người dân có thu nhập trung bình để phục vụ, đầu tháng 3-2012, Tập đoàn bán lẻ Aeon của Nhật cũng công bố dự án trung tâm mua sắm Aeon-Tân Phú Celadon (Quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh) với mức đầu tư lên đến 109 triệu USD. Theo công bố của hãng tư vấn Mỹ AT Kearney, năm 2008 Việt Nam là thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Năm 2009, ngành bán lẻ cũng được cho là ngành kinh tế có mức tăng trưởng cao nhất Việt Nam (12%). Thậm chí, có dự báo cho rằng năm 2012, doanh số bán lẻ tại thị trường Việt Nam có thể đạt mức 85 tỷ USD. Khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, Việt Nam cam kết mở cửa lĩnh vực phân phối từ 1-1-2009, trên thị trường nội địa sẽ có sự tham gia của các doanh nghiệp phân phối nước ngoài, do đó mức độ cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Ảnh minh họa |
Đến nay, người tiêu dùng Việt Nam đã không còn xa lạ với những tên tuổi các hãng bán lẻ ngoại như Pakson (Tập đoàn Lion, Malaysia), Big C của Tập đoàn Casino (Pháp) đầu tư, hệ thống Metro của Tập đoàn Metro Cash&Carry (Đức); Dairy Farm (Hồng Kông) đang kinh doanh một siêu thị tại tòa nhà Citi Mart trên đường Nguyễn Trãi, Thành phố Hồ Chí Minh; Zen Plaza (Nhật Bản); Diamond Plaza (Hàn Quốc). Tập đoàn Metro (Đức) đã có 8 trung tâm phân phối hàng hóa hoạt động tại các thành phố lớn trên cả nước. Trong tháng 4 này, UBND tỉnh An Giang sẽ bàn giao mặt bằng khu bến xe Long Xuyên cho Metro để xây dựng siêu thị phân phối hàng hóa tại tỉnh này, nâng mạng lưới Metro tại Việt Nam thành 9 điểm trong thời gian tới. Tương tự, Big C cũng đang chuẩn bị đón siêu thị thứ 9 đi vào hoạt động. Thông tin từ BigC, đơn vị này đã được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế trao giấy chứng nhận đầu tư cho dự án Big C Huế. Ông Shinichiro Hori, giám đốc điều hành Quỹ Dream Incubator Việt Nam (Nhật Bản), cho biết: rất nhiều nhà đầu tư Nhật quan tâm đến thị trường Việt Nam. Dân số trẻ, thu nhập đang được cải thiện, thị hiếu tiêu dùng gần gũi với người Nhật là những điểm khiến thị trường bán lẻ Việt Nam hấp dẫn doanh nghiệp Nhật. Hiện nay, một số nhà bán lẻ Nhật chọn con đường hợp tác nhượng quyền cho doanh nghiệp Việt Nam, một số đẩy mạnh phân phối bán buôn trong khi chờ đợi thị trường bán lẻ Việt Nam cởi mở hơn. Việc hai nhà bán lẻ hàng đầu Nhật Bản công bố những dự án khủng tại thị trường Việt Nam đầu năm 2012 dường như hâm nóng lại thị trường bán lẻ trong nước. Không còn là những chuỗi cửa hàng đơn lẻ, các nhà bán lẻ Nhật không giấu tham vọng phát triển một cách bài bản tại thị trường Việt Nam.
Theo Chinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc