Xây dựng hệ thống khuyến nông cơ sở: Cần có chính sách hợp lý
Quanh năm bám đồng, bám ruộng cùng bà con nông dân, những cán bộ khuyến nông viên cơ sở (KNVCS) được xem là lực lượng tiên phong trong việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến tay nông dân. Thế nhưng, đội ngũ này vẫn chưa được chính quyền các cấp quan tâm đúng mức; chế độ, chính sách dành cho họ vẫn chưa thật sự tương xứng với công sức lao động mà họ đã cống hiến…
Từ những bất cập...
Thực tế cho thấy, đội ngũ cán bộ KNVCS luôn sát cánh với nông dân trong hầu hết các hoạt động sản xuất nông nghiệp: tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật, xây dựng các mô hình trình diễn, đưa các giống cây, con mới đến với nông dân…, góp phần đáng kể vào việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên, sự đầu tư cho các hoạt động khuyến nông tại cơ sở còn nhiều bất cập, nhất là trong việc huấn luyện, đào tạo nâng cao trình độ và chế độ phụ cấp cho đội ngũ này.
![]() |
Tính đến nay, toàn tỉnh có 180 khuyến nông viên cấp xã, 567 cộng tác viên khuyến nông ở các thôn, buôn. Lực lượng KNVCS có trình độ văn hóa, chuyên môn không đồng đều, chỉ một số ít cán bộ có trình độ đại học; 511 cộng tác viên chưa qua huấn luyện, đào tạo. Chưa kể, phần lớn khuyến nông phải kiêm nhiệm việc khác, nên việc đầu tư vào hoạt động khuyến nông chưa được chuyên sâu. Ngay cả chuyên ngành đào tạo của mỗi khuyến nông viên khi áp dụng vào thực tế cũng có nhiều bất cập, nhiều trường hợp, khuyến nông viên có chuyên ngành trồng trọt phải kiêm luôn cả lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản… Do phải kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực nên khối lượng công việc của cán bộ KNVCS quá nhiều, phải tham gia hầu hết các chương trình khuyến nông, khuyến ngư ở địa phương, tiếp thu và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất; tham mưu cho địa phương về việc tổ chức phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi… Trong khi đó, chế độ phụ cấp cho KNVCS lại quá thấp, cấp xã từ 250.000-300.000 đồng/tháng/người, cộng tác viên từ 120.000-150.000 đồng/tháng/người. Anh Nguyễn Văn Sanh, cán bộ khuyến nông xã Dur Kmăn, huyện Krông Ana cho biết, công việc của một khuyến nông viên cấp xã rất nhiều, từ nông nghiệp, thủy sản đến lâm nghiệp đều phải gánh hết, nhưng tiền phụ cấp chỉ được 300 nghìn đồng/tháng, không đủ tiền xăng xe đi công tác ở các thôn, buôn!
...Đến chính sách “chiêu hiền đãi sĩ”
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, tổ chức khuyến nông hiện vẫn chưa được quan tâm xây dựng đồng bộ, đặc biệt là tuyến huyện và cơ sở. Toàn tỉnh có 184 xã, phường, thị trấn và 2137 thôn, buôn. Trong đó có 30 xã đặc biệt khó khăn, nếu thực hiện theo Nghị định 02/2010/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về khuyến nông thì Dak Lak còn thiếu đến 34 cán bộ khuyến nông viên cấp xã và 1.980 cộng tác viên. Nguyên nhân là do chưa có chính sách thu hút cán bộ tham gia vào hệ thống khuyến nông cơ sở, kinh phí đầu tư cho hoạt động khuyến nông còn thấp; cơ chế chính sách hỗ trợ khuyến nông còn mang tính bình quân, dàn trải… Vì vậy, không tạo được động lực động viên, khích lệ đội ngũ này làm việc và cống hiến nhiệt tình. Có rất nhiều trường hợp, KNVCS gặp công việc nào có thu nhập khá hơn họ sẵn sàng ra đi. Vì thế, nhiều xã, phường rơi vào tình trạng thiếu cán bộ khuyến nông, làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của hệ thống khuyến nông trong toàn tỉnh.
Theo ông Nguyễn Nhật Lệ, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, để hệ thống khuyến nông cơ sở hoạt động hiệu quả thì trước hết cần có đội ngũ cán bộ có tâm huyết, được đào tạo cơ bản, có trình độ chuyên môn đáp ứng được yêu cầu công việc. Nhưng để thu hút được những đối tượng này, cần có chính sách “chiêu hiền đãi sĩ”. Trong đó, niềm hy vọng lớn là với Đề án xây dựng hệ thống khuyến nông cơ sở vừa được kỳ họp lần 3, HĐND tỉnh khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016 thông qua sẽ là bàn đạp để hệ thống khuyến nông Dak Lak phát triển toàn diện, hiệu quả hơn.
Thuận Nguyễn
Ý kiến bạn đọc