Gỡ khó cho doanh nghiệp: Cần sự nỗ lực hơn nữa từ phía ngân hàng
Lãi suất ngân hàng vẫn còn cao và cũng không dễ vay, khiến doanh nghiệp (DN) thiếu vốn, sản xuất kinh doanh bị đình trệ. Trong khi đó, do khó khăn chung của nền kinh tế, sức mua sụt giảm dẫn đến hàng tồn kho tăng, thời gian thu hồi vốn chậm... đã và đang đẩy nhiều DN đến bờ vực phá sản!
DN mong muốn được cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ để có vốn tiếp tục đầu tư. |
Kết thúc quý I-2012, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 4.612 tỷ đồng, tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 29% kế hoạch (KH). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 2.670 tỷ đồng, tăng hơn 10%, đạt xấp xỉ 38% KH; công nghiệp, xây dựng đạt 439 tỷ đồng, tăng hơn 7%, gần bằng 14%KH; dịch vụ đạt hơn 1.500 tỷ đồng, tăng gần 15%, đạt trên 24%KH. Những con số trên cho thấy, kinh tế của tỉnh có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, nhưng đạt rất thấp so với KH đề ra. Điều này cho thấy, sản xuất kinh doanh của nhiều ngành nghề đang gặp không ít khó khăn, thậm chí là đình trệ. Theo UBND tỉnh, trong quý I-2012, đã có 15 DN bị xử lý theo hình thức xóa tên và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký DN, tăng 12 DN so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, còn có 4 chi nhánh và 1 văn phòng đại diện chấm dứt hoạt động; 9 DN tạm ngừng sản xuất kinh doanh và 40 DN bỏ địa chỉ kinh doanh. Chỉ tính riêng địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, đã có 30% DN không phát sinh doanh thu trong quý.
Trên thực tế, số DN gặp khó khăn, sản xuất đình trệ có thể còn cao hơn nhiều lần con số mà cơ quan Nhà nước thống kê trên. Giám đốc một DN cho hay, quý I-2012, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt khoảng 180 triệu USD, trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu chỉ chừng 0,7 triệu USD, điều đó cho thấy, DN ngưng hoạt động khá nhiều, lượng nguyên liệu, vật tư, thiết bị… nhập về ít hơn những năm trước. Trong năm 2011 và những tháng đầu năm 2012, việc vay vốn ngân hàng gặp nhiều trở ngại do ngân hàng khá dè dặt trong cho vay, hoặc lãi suất cao nên DN không dám mạo hiểm vay vốn đầu tư. Theo số liệu thống kê, tổng doanh số cho vay của các tổ chức tín dụng trong quý I-2012 chỉ đạt khoảng 9.200 tỷ đồng, giảm gần 8% so với cùng kỳ năm trước nâng tổng dư nợ cho vay nền kinh tế lên 31.579 tỷ đồng, tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm trước, giảm 0,8% so với đầu năm. Trong khi đó, trong 3 tháng qua, số vốn mà các tổ chức tín dụng thu vào (9.885 tỷ đồng) cao hơn con số cho vay, nên chuyện DN thiếu vốn là khó tránh khỏi. Hầu hết DN trên địa bàn thuộc loại nhỏ và vừa, năng lực tài chính hạn chế, hoạt động phụ thuộc khá lớn vào vốn vay ngân hàng nên khi ngân hàng hạn chế cho vay là gặp khó khăn ngay. Ở một khía cạnh khác, tốc độ lạm phát của nền kinh tế cũng đang tác động xấu đến nguồn vốn kinh doanh của DN, cùng với hàng hóa sản xuất ra bán không được do sức mua yếu càng kéo dài thời gian thu hồi vốn, làm cho DN càng khó khăn hơn.
DN giải thể, ngưng hoặc tạm ngưng hoạt động kéo theo nhiều hệ lụy, không chỉ riêng cho người lao động không có lương, các ngân hàng khó thu hồi được nợ vay mà Nhà nước cũng bị thất thu ngân sách…. Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn cho DN, tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2012, ban hành ngày 9-4-2012, Chính phủ đã giao NHNN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có giải pháp hiệu quả tiếp tục thực hiện lộ trình giảm lãi suất, tăng khả năng tiếp cận vốn đối với DN. Và, từ đầu năm đến nay, NHNN cũng đã 2 lần giảm lãi suất huy động, hiện trần lãi suất huy động tối đa còn 12%/năm; các ngân hàng thương mại cũng đã và đang tiến hành giảm lãi suất cho vay. Hiện, lãi suất cho vay phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu ở mức 14,5%-16%/năm, thấp nhất 13,5%/năm áp dụng đối với khách hàng doanh nghiệp cam kết bán ngoại tệ cho ngân hàng; cho vay sản xuất - kinh doanh khác 16,5%-20%/năm, thấp nhất 15%/năm; cho vay lĩnh vực phi sản xuất 20-25%/năm. Cùng với giảm lãi suất cho vay, nên chăng các ngân hàng cũng cần thực hiện cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ đối với các khoản vay không trả nợ đúng hạn do tác động của các yếu tố kinh tế làm cho sản xuất, kinh doanh của DN gặp khó khăn như chậm tiêu thụ sản phẩm, tồn kho hàng hóa nhiều, đồng thời xem xét cho vay mới đối với DN sản xuất kinh doanh có hiệu quả và bảo đảm khả năng trả nợ cho ngân hàng ... Được như vậy thì mới giúp cho DN từng bước thoát ra khỏi tình cảnh khó khăn như hiện nay.
Trần Sáu
Ý kiến bạn đọc