Những điển hình trong lao động sáng tạo
Không chỉ cần cù trong lao động sản xuất, họ còn là những con người có lòng đam mê nghiên cứu, sáng tạo làm nên những sản phẩm, những công trình mang ý nghĩa kinh tế - xã hội, góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng quê hương đất nước…
“Khắc tinh” của côn trùng hại cây
Tốt nghiệp trường Đại học lâm nghiệp tại Hà Nội, năm 1978, Kỹ sư Nguyễn Xuân Thanh (SN 1951) về làm công tác giảng dạy bộ môn Côn trùng Nông – lâm nghiệp tại khoa Nông lâm, Trường Đại học Tây Nguyên. Ông đã hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh và lấy bằng Tiến sĩ Nông nghiệp vào năm 1991, đã có nhiều công trình nghiên cứu về cây trồng, đặc biệt là các loại côn trùng chuyên gây bệnh trên cây trồng ở khu vực Tây Nguyên. Tên tuổi của ông được nhiều người biết đến với biệt danh “tiến sĩ côn trùng”.
Mới đây “Tiến sĩ côn trùng” Nguyễn Xuân Thanh vừa hoàn thành đề tài nghiên cứu về giải pháp Sử dụng loại nấm Peciliomycesciadae. Samon 1074, có trong điều kiện tự nhiên tại địa phương để phòng trừ các loại ve sầu và một số loại côn trùng khác gây hại trên cây cà phê tại Tây Nguyên, và nghiên cứu này đã đoạt giải 3 tại cuộc thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ III (năm 2010-2011). Đây là đề tài được giới chuyên môn đánh giá cao bởi mang tính ứng dụng thực tiễn, có ý nghĩa quan trọng đối với ngành nông nghiệp Tây Nguyên.
Theo tiến sĩ Thanh, ve sầu là loại côn trùng hại cây trồng trong tự nhiên, đặc biệt là trên cây cà phê rất khó phát hiện và xử lý. Cây cà phê khi bị ve sầu hại không những năng suất giảm mà còn bị chết, thiệt hại cho người nông dân là rất lớn. Ấu trùng ve sầu là loài rất khó tìm, chúng thường trốn sâu dưới đất – độ sâu thường 30-40 cm và chúng rất khỏe, các loại thuốc hóa chất rất khó để tiêu diệt chúng. Nạn ve sầu hại cây cà phê luôn là nỗi ám ảnh của người trồng cà phê. Sau một thời gian cùng học trò đi điền dã, nghiên cứu ở những vùng trồng cà phê bị ve sầu hại, ông phát hiện ra rằng, ve sầu thường bị một số loại nấm ký sinh trên cơ thể, trong đó có loại nấm làm ve sầu chết. Từ phát hiện trên, ông đã thu thập mẫu và cho phân lập, tách ra từng loại nấm (trên cơ thể ve sầu có rất nhiều loại nấm ký sinh) và tìm ra loại nấm Peciliomycesciadae. Samon 107 – nguyên nhân gây chết cho ve sầu, nhưng tỷ lệ nấm này trên ve sầu có tỷ lệ rất ít, chỉ 5-7%. Khi đã tìm và tách chính xác loài nấm này, ông tạo ra số lượng lớn bào tử nấm này bằng cách nhân đôi bào tử, sau đó, tạo ra chế phẩm sinh học nấm ký sinh dùng để diệt trừ ve sầu và ông đã thành công khi đưa vào thực nghiệm. Tại cuộc thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ III, đây là giải pháp duy nhất về nông nghiệp tham dự cuộc thi và là đề tài nghiên cứu đầu tiên trên cả nước về sử dụng ký sinh trùng nấm trong tự nhiên để diệt trừ ve sầu hại cây trồng.
Máy bơm nước chạy bằng…nước
Chỉ từ một ý tưởng nghe chừng như “điên rồ”, một ông chủ Doanh nghiệp tư nhân đã mày mò, sáng tạo ra được một máy bơm nước hoạt động bằng… sức nước. Anh là Dương Minh Tâm (SN 1978), chủ Doanh nghiệp tư nhân Việt Hân (TP. Buôn Ma Thuột), chuyên phân phối dầu nhờn, ắc quy.
Nhắc lại quá trình làm ra máy bơm nước này, anh Tâm vẫn chưa hết bật cười vì ý tưởng đến quá bất ngờ đến thú vị. Anh tâm sự: “Mình là doanh nghiệp nên mọi tâm trí đều dồn vào việc buôn bán, có biết gì về máy móc đâu. Vậy nhưng chỉ trong một đêm mất ngủ, nghe tiếng nước suối Đốc Học chảy róc rách sau nhà, bỗng dưng mình chợt nghĩ vu vơ làm thế nào để đưa nước suối lên mà không cần phải dùng máy bơm bằng điện hoặc nhiên liệu? Ngay từ ý tưởng đó, mình nghĩ ngay đến các guồng quay lấy nước ngoài miền Bắc, liên tưởng đến hệ thống bơm nước bằng tay từ các giếng khoan… Xâu chuỗi lại nguyên lý hoạt động của chúng, mình đã có ngay ý tưởng lắp ráp một máy bơm nước chạy bằng… sức nước.
Và chỉ trong vòng đúng một tháng mày mò lắp ráp, bộ khung của chiếc máy bơm nước chạy bằng sức nước đã cơ bản hoàn thành. Kết cấu của máy vô cùng đơn giản với một hệ thống cánh quạt và hệ thống máy bơm chỉ gồm bộ pít – tông và hệ thống truyền động (có thể dùng xích, dây cô-roa hoặc bánh răng…). Nguyên lý hoạt động của máy cũng cực kỳ đơn giản: Máy đặt ở nơi có dòng nước chảy, nước sẽ đẩy hệ thống cánh quạt quay, tạo truyền động đến pít –tông, pít – tông sẽ nén đẩy nước phun lên. Công suất của máy thì tùy thuộc vào dòng chảy của nước cũng như thể tích pít – tông. Cũng bởi đơn giản như vậy nên chi phí lắp ráp rất thấp.
Anh Tâm cho biết, ngay sau khi mình thử nghiệm thành công với chiều cao nước lên trên 20m, các cán bộ Sở Khoa học – Công nghệ đã về tận nơi chứng kiến và đánh giá rất cao sáng kiến này. Ngay lập tức, máy bơm được đưa vào Ea Súp để chạy thử nghiệm trước sự chứng kiến của bà con nông dân và lãnh đạo huyện. Ai cũng đánh giá rất cao về hiệu quả cũng như sự tiện lợi của máy. Bởi thực tế hiện tại cho thấy, trên một số diện tích đất nông nghiệp hệ thống thủy lợi không đến được, hoặc có thể kênh mương được thiết kế thấp hơn đất sản suất. Để lấy được nước lên ruộng, rẫy, người nông dân phải sử dụng máy bơm bằng điện hoặc máy chạy bằng xăng, dầu. Nếu máy bơm của anh Tâm được áp dụng rộng rãi thì người nông dân có thể tiết kiệm được khoảng chi phí này, và đương nhiên hiệu quả bảo vệ môi trường là rõ rệt.
Dự định của Dương Minh Tâm là sẽ nghiên cứu chuyên sâu thêm để cải tiến lại một số chi tiết của máy hợp lý hơn, sau đó sẽ chuyển giao công nghệ lắp ráp cho bà con nông dân mà không hề có ý định sản xuất máy để bán hoặc bán bản quyền. “Nhìn thấy đồng ruộng bà con xanh tươi, đời sống người dân ngày càng khấm khá là mình đã thấy vui rồi. Nghề của mình là kinh doanh chứ không phải là nghiên cứu cơ khí nên sản phẩm này là chỉ để giúp người dân thôi!”- anh Tâm chia sẻ.
“Cây sáng kiến” của ngành giáo dục
Thấm nhuần lời dạy của Bác “Vì lợi ích trăm năm trồng người” và thực hiện Cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, những năm qua, thầy Tống Văn Thành, giáo viên Trường THPT Cư M’gar (huyện Cư M’gar) đã không ngừng nỗ lực học hỏi, có những sáng kiến áp dụng trong thực tiễn góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.
Sau khi tốt nghiệp khoa Toán – Tin (Trường Đại học Tây Nguyên) năm 2005, thầy Thành về công tác tại Trường THPT Cư M’gar. 3 năm sau, anh bảo vệ thành công Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Đại số - Lý thuyết số ở Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh. Vốn đam mê toán học từ nhỏ và hiện thường xuyên tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi toán của trường, thầy Thành luôn trăn trở làm thế nào để học sinh dễ dàng tiếp thu và nhớ lâu các kiến thức toán học liên quan đến Phép biến hình trong bộ môn Hình học lớp 11. Bởi đây là một chuyên đề khá mới, nếu chỉ dạy đơn thuần theo kiến thức trong sách giáo khoa, học sinh sẽ khó tiếp thu và vận dụng vào thực tế. Trong khi đó, hầu hết những kiến thức liên quan đến Phép biến hình, học sinh sẽ gặp và vận dụng được rất nhiều trong thực tế cuộc sống như các thiết kế kiến trúc, tìm hiểu về côn trùng, cây cối… Vì vậy, ngoài giờ lên lớp, soạn giáo án, thầy Thành tranh thủ thời gian viết sáng kiến kinh nghiệm “Rèn luyện tư duy, kỹ năng giải toán của học sinh ở bậc THPT thông qua dạy học Phép biến hình”. Sáng kiến này đã đạt giải B cấp tỉnh (không có giải A) trong cuộc thi “Sáng kiến kinh nghiệm về công tác quản lý, công tác giáo dục dạy và học năm học 2010-2011”. Sáng kiến này đã được thầy Thành áp dụng trong dạy học chuyên đề Phép biến hình nói riêng và môn Toán nói chung đem lại hiệu quả rõ rệt. Thay vì chỉ giảng lý thuyết, diễn giải, phân tích chung chung, thầy Thành đã sử dụng phương pháp trực quan sinh động, cho học sinh quan sát mô hình thực tế, tự đưa ra những nhận xét về mặt toán học. Để giúp học sinh hiểu và ghi nhớ các kiến thức liên quan, thầy Thành đã tìm tòi những tài liệu và các dạng bài tập liên quan trong các sách giáo khoa, tham khảo, nâng cao, sau đó hệ thống lại và đưa vào bài giảng của mình. Từ những cách làm trên đã giúp học sinh nhìn nhận được những mối quan hệ giữa thực tế cuộc sống và toán học, tạo hứng thú và niềm say mê học tập.
Chàng kỹ sư trẻ không ngừng sáng tạo
Trước tình trạng các trạm thu phát sóng di động (gọi tắt BTS) thường xuyên bị đứt cáp, gây mất liên lạc cho người sử dụng điện thoại, mặt khác, các trạm BTS thường nằm xa trung tâm nên việc vận hành, giám sát, theo dõi các thiết bị trên tuyến gặp rất nhiều khó khăn, chàng kỹ sư trẻ Vũ Tiến Long, thuộc Trung tâm Chuyển mạch – Truyền dẫn (Viễn thông Dak Lak – Dak Nông) đã đưa ra sáng kiến “Chia sẻ tài nguyên trên Ring tốc độ cao tạo Ring tốc độ thấp”.
Lý giải về sáng kiến của mình, Long nói, thông thường, các thiết bị truyền dẫn tốc độ thấp như: Metro100, Metro1000, OSN500… sử dụng truyền dẫn tốc độ thấp cho các trạm BTS có khoảng cách truyền dẫn ngắn được kết nối theo Ring (dây cáp quang nối giữa các trạm BTS với nhau thành một vòng tròn gọi là Ring) trên cáp hoặc theo hình chuỗi, do đó khi xảy ra sự cố mất điện hoặc đứt cáp quang thường dẫn đến bị mất liên lạc BTS. Trong khi đó, các vòng Ring có tốc độ lớn hơn được sử dụng để làm truyền dẫn chính đã được kết nối theo Ring vật lý và có độ ổn định cao hơn, thường không bị ảnh hưởng nhiều khi có sự cố đứt cáp hoặc mất điện. Vì thế, tôi đã nghĩ ra sáng kiến tạo Ring vật lý cho thiết bị truyền dẫn có tốc độ thấp hơn bằng việc sử dụng một phần băng thông trên Ring lớn có tốc độ cao hơn để hạn chế tình trạng mất liên lạc khi bị đứt cáp quang và bảo vệ được cho thiết bị truyền dẫn tốc độ thấp.
Sau gần 8 tháng tìm tòi, thử nghiệm, cuối cùng Long và các cộng sự đã áp dụng thành công sáng kiến này vào thực tế ở hầu hết các trạm BTS trên địa bàn Dak Lak và Dak Nông. Lợi ích mà sáng kiến thu lại là hạn chế được mức thấp nhất việc mất liên lạc khi xảy ra sự cố đứt cáp hoặc mất nguồn; tiết kiệm được sợi quang và thiết bị truyền dẫn do chỉ cần sử dụng 2 sợi quang để đấu nối truyền dẫn (trước đó là 4 sợi), phần còn lại được chia sẻ trên thiết bị truyền dẫn có dung lượng lớn hơn. Ngoài ra, vấn đề dung lượng truyền dẫn đầu gần cũng được đáp ứng tốt hơn và khả năng vận hành, giám sát thiết bị cũng được đơn giản đi nhiều. Sáng kiến “Chia sẻ tài nguyên trên Ring tốc độ cao tạo Ring tốc độ thấp” đã được tập đoàn Bưu chính Viễn thông trao giải thưởng “Ngày sáng tạo VNPT 2011” và là một trong hai gương mặt tiêu biểu đại diện cho tuổi trẻ Dak Lak tham gia liên hoan “Người thợ trẻ giỏi toàn quốc lần thứ III năm 2012” do Trung ương Đoàn tổ chức tại tỉnh Cần Thơ.
Tận thu nước nóng từ quá trình vệ sinh công nghiệp thiết bị
Chỉ là một nhân viên nhà nấu tại Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn – Dak Lak nhưng Cao Thị Thanh Nhàn (SN 1982) đã thực sự “gây bất ngờ” khi cùng với một cộng sự của mình nghiên cứu đưa ra được giải pháp tối ưu trong quá trình vệ sinh công nghiệp (gọi tắt là CIP), tiết kiệm được một lượng nước lớn cũng như nhiệt lượng cần thiết, giảm thiểu nước thải công nghiệp ra môi trường… Đề tài với tên gọi “Tận thu nước nóng từ quá trình vệ sinh công nghiệp thiết bị” đã đoạt giải Khuyến khích của Bộ Công Thương năm 2010.
Mô tả về đề tài nghiên cứu của mình, Nhàn hóm hỉnh: “Không có gì cao siêu cả đâu. Chỉ là mình tận dụng nước vệ sinh cuối cùng của công đoạn này để làm nước vệ sinh lượt đầu tiên của công đoạn kia thôi!”. Nói rồi Nhàn giải thích: Theo quy định, quá trình CIP tại nhà máy được thực hiện thường xuyên theo định kỳ 1 lần/tuần tại bộ phận nấu, xưởng nấu - lên men với tổng cộng 7 chương trình CIP. Và quá trình thực hiện CIP thiết bị được thực hiện tổng cộng 11 bước, bao gồm tráng thiết bị, tráng soude, tuần hoàn soude, nước nóng đuổi soude, tuần hoàn nước nóng… rồi đến công đoạn cuối cùng là nước nóng tráng thiết bị.
Trong quá trình làm việc tại nhà nấu, Nhàn nhận thấy việc CIP như vậy là lãng phí một lượng nước nóng lớn cùng với một lượng lớn năng lượng làm nóng nước và gây tải cho hệ thống xử lý nước thải. Trăn trở của Nhàn cũng được một đồng nghiệp khác trong công ty là Tôn Nữ Phương Vi quan tâm. Chỉ sau một thời gian ngắn, Vi và Nhàn đã hoàn thành được đề tài nghiên cứu về giải pháp tận thu nước nóng từ quá trình vệ sinh công nghiệp thiết bị với ý tưởng là thu hồi lượng nước nóng từ công đoạn cuối cùng của một CIP để sử dụng làm nước tráng thiết bị của một CIP khác. Nghiên cứu này của Nhàn và Vi đã ngay lập tức được áp dụng vào hệ thống nấu của nhà máy mà không hề gây ảnh hưởng gì đến hệ thống thiết bị cũng như chất lượng của CIP. Không những thế, về mặt kinh tế giải pháp này còn tiết kiệm được khoảng gần 200 m3 nước/tháng, đồng nghĩa với việc giảm được chừng đó lượng nước thải công nghiệp xả ra môi trường.
Niềm vui tạo ra những sản phẩm có ích
“Khi những sản phẩm của mình làm ra, có ích cho mọi người và được mọi người tin dùng – đó là niềm vui lớn nhất của bất cứ nhà sản xuất nào, đặc biệt là đối với những người sáng tạo ra sản phẩm ấy”. Sự tâm huyết, mong muốn tạo ra những sản phẩm tốt phục vụ bà con nông dân của ông Nguyễn Phụng, chủ cơ sở sản xuất cơ khí Hưng Phát (TP. Buôn Ma Thuột) đã được khẳng định bằng giải Nhì (không có giải Nhất) dành cho giải pháp sáng tạo Máy bóc vỏ cà phê khô CX2 tại Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh lần thứ III năm 2011.
Để biến ý tưởng sáng tạo hình thành nên sản phẩm máy bóc vỏ cà phê khô là cả một quá trình tích lũy kinh nghiệm thực tiễn lâu dài và không nản chí. Những suy nghĩ như: Làm thế nào để khi xay xát, quạt gió chỉ có vỏ, rác bay ra còn nhân ở lại; làm sao để hệ thống nghiền hoạt động tốt, chỉ nghiền nát vỏ mà nhân không bị ảnh hưởng… luôn túc trực, trăn trở trong ông. Sau hơn 10 năm mày mò nghiên cứu, cải tiến, trải qua nhiều phiên bản, máy bóc vỏ cà phê khô CX2 đã hoàn thiện, đáp ứng tốt các yêu cầu và thể hiện tính ưu việt với công suất, năng suất cao: xay nhanh, ít tốn nhiên liệu, nhân không bị nát, vỡ không bị hao hụt khi quạt sạch, ít bụi bặm, không gây ô nhiễm môi trường… Điều đặc biệt là sản phẩm này được làm ra thì có đến hơn 80% các nguyên liệu thô do chính cơ sở của ông gia công như: thép tấm, thép V, thép tròn phi 6 – 16… và chỉ có một số ít phụ tùng được mua về lắp ráp như ổ bi, buly truyền động.
Từng tham gia nhiều hội chợ, triển lãm, Festival cà phê, có thể nói lần nào sản phẩm máy bóc vỏ cà phê khô của ông cũng thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân, càng ngày càng có thêm nhiều người biết đến sản phẩm mang thương hiệu Hưng Phát. Tính đến nay, cơ sở sản xuất cơ khí của ông đã đưa ra thị trường hơn 10.000 máy và năm nào cũng “cháy hàng”, không đủ cung cấp cho thị trường.
Nhóm PV (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc