Multimedia Đọc Báo in

Những triệu phú nông dân trẻ

04:53, 03/04/2012

Với sức trẻ, nghị lực vượt khó vươn lên, 7 thanh niên tỉnh ta đã trở thành những triệu phú nhà nông, vinh dự được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng Giải thưởng Lương Định Của năm 2011 - giải thưởng cao quý dành cho thanh niên nông thôn có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ và xây dựng nông thôn mới. Điểm chung dễ nhận thấy ở những triệu phú nông dân trẻ này chính là ý chí, nghị lực, sự quyết tâm và khát vọng làm giàu chính đáng.

Làm ăn kinh tế phải mạnh dạn “dám nghĩ, dám làm”

Đến khu vườn rộng 3 ha của anh Nông Văn Việt, Bí thư Chi đoàn Dân quân tự vệ xã Cuôr Knia (Buôn Đôn) mới thấy hết được sự đầu tư lớn về công sức của anh để biến mảnh đất nghèo hoang hóa trở thành vườn cây đa canh sum suê. Năm 2005, từ 20 triệu đồng vốn vay của Đoàn thanh niên, anh đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây ngắn ngày sang trồng cà phê và hồ tiêu.

Nông Văn Việt

Với quyết tâm lập nghiệp, vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm, sau 4 năm vật lộn với cuộc sống khó khăn, đến nay anh đang sở hữu một tổ hợp trang trại gồm 7.000 m2 đất kinh doanh cây cà phê; 1.000 trụ tiêu trên diện tích 17.000 m2; 8.000 m2 lúa nước, 700 m2 ao cá, với thu nhập bình quân hằng năm là 224 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động địa phương và 150 lao động thời vụ. “Để phát triển kinh tế, bản thân mỗi bạn trẻ cần phải nỗ lực cố gắng, cần cù chịu khó, ham học hỏi, đặc biệt phải “dám nghĩ, dám làm”, đó là bài học kinh nghiệm mà anh Việt tích lũy được từ thực tế thực hiện mô hình phát triển kinh tế của bản thân.

Không chỉ làm ăn kinh tế giỏi, anh Việt còn là một đảng viên trẻ, Ủy viên Ban Chấp hành Chi đoàn Dân quân tự vệ xã Cuôr Knia, luôn hăng hái, tích cực trong các hoạt động phong trào do Đoàn thanh niên tổ chức.

Lấy ngắn nuôi dài

“Năng động, tự tin, say mê công tác Đoàn” là ấn tượng dễ thấy khi tiếp xúc với anh Mai Văn Trịnh, sinh năm 1982, trú tại thôn Hòa Hiệp, xã Quảng Hiệp (Cư M’gar), một trong những gương thanh niên phát triển kinh tế giỏi và tích cực tham gia phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư.

Khởi nghiệp khi bản thân còn gặp nhiều khó khăn về vốn, kỹ thuật... nhưng với phương châm “vừa làm, vừa học, lấy ngắn nuôi dài”, cộng với tinh thần cần cù, chịu khó, anh Trịnh đã từng bước vượt qua khó khăn để thực hiện thành công mô hình “Chăn nuôi heo, gà thả vườn, trồng và chăm sóc cà phê”. Hiện tại, trang trại của anh có 450 con gà, 3 con heo nái và 20 con heo thịt; 600 cây cà phê và 0,3 ha ngô. Tổng thu nhập bình quân hằng năm là 80 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động và việc làm thời vụ cho 6 lao động.

Anh Trịnh cho biết: “Giải thưởng Lương Định Của giúp tôi tự tin hơn trên con đường mà mình đã chọn. Thời gian tới tôi sẽ tiếp tục đầu tư để mở rộng quy mô trang trại và tích cực hỗ trợ, giúp đỡ đoàn viên thanh niên tại địa phương cùng vươn lên thoát nghèo”.

Làm gì cũng cần phải có sự đam mê

Vì sao lại chọn phát triển kinh tế nông thôn trong khi có rất nhiều công việc khác, nhiều cơ hội khác đang đến với mình? Đó là câu hỏi mà nhiều người đã đặt ra với anh Trần Công Xuất - một thanh niên trẻ tuổi, từng tốt nghiệp bằng giỏi khoa Nông lâm, Trường Đại học Tây Nguyên. Không giống như bao thanh niên khác rời xa quê hương để lập nghiệp, anh Trần Công Xuất, Bí thư chi đoàn thôn 4, xã Ea Hu (Cư Kuin) đã chọn nông nghiệp, nông thôn làm con đường đi cho mình.

Trần Công Xuất

Sinh ra và lớn lên tại vùng đất mà người dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng cuộc sống vẫn không mấy khá giả, vì vậy, ước mơ làm giàu từ đất luôn cháy bỏng trong chàng thanh niên đầy nghị lực. Tốt nghiệp đại học, anh trở về xã Ea Hu. Thấy vùng đất canh tác của gia đình chưa phát huy được các tiềm năng kinh tế, từ những kiến thức được học ở trường cộng với việc cần cù chịu khó, anh đã biến vùng đất khô cằn thành một mô hình sản xuất VAC: chăn nuôi heo, gà thả vườn và đào ao thả cá… Đến nay mô hình của anh đã phát triển mạnh, cho năng suất và thu nhập ổn định hằng năm trên 100 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động. Ngoài việc phát triển mô hình VAC, Trần Công Xuất còn mở thêm dịch vụ thú y phục vụ bà con trong xã, đồng thời tư vấn cho đoàn viên thanh niên về kỹ thuật, chọn giống, xây dựng chuồng trại, cách phòng, chống bệnh dịch…

Làm ăn kinh tế giỏi, Xuất còn tích cực tham gia các hoạt động Đoàn - Hội. Anh hiện là ủy viên BCH Đoàn xã, Bí thư chi đoàn thôn 4. Với sức trẻ, lòng nhiệt tình của một cán bộ Đoàn, anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ, giúp đỡ đoàn viên thanh niên địa phương cùng phát triển kinh tế trang trại.

Muốn giúp người khác, phải thành công trước đã

“Là những thanh niên đầy sức trẻ, nhiệt huyết và khát vọng, hãy tự gây dựng cho mình một nền tảng kinh tế vững chắc, rồi từ đó giúp đỡ những thanh niên khác cùng làm kinh tế” - Đó là suy nghĩ của anh Đinh Hữu Thanh, sinh năm 1981, trú tại thôn 6, xã Ea Ninh (Cư Kuin), một trong 7 nhà nông trẻ xuất sắc của Dak Lak vinh dự được nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2011. Cũng như nhiều thanh niên khác, con đường khởi nghiệp của anh Đinh Hữu Thanh cũng lắm gian truân, vất vả... Thế nhưng, khi đã thành công với mô hình “thâm canh tiêu, cà phê; ao cá”, với mức thu nhập bình quân hằng năm trên 300 triệu đồng, anh lại ấp ủ dự định giúp các thanh niên khác cũng vượt khó thoát nghèo.

Anh đã tích cực tuyên truyền chia sẻ kinh nghiệm và sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ những thanh niên khác có khát vọng làm giàu chính đáng. Là nhân tố tích cực trong các hoạt động Đoàn và phong trào thanh niên của địa phương, anh Đinh Hữu Thanh đã từng tham gia và đạt nhiều giải thưởng trong các phong trào văn nghệ của địa phương.

Hun đúc ý chí làm giàu nhờ tham gia công tác Đoàn

Là chủ trang trại “chăn nuôi heo, trồng rau sạch và chanh dây làm nguyên liệu” với quy mô 500 con heo thịt, 2,8 ha rau sạch, 0,5 ha chanh dây với thu nhập bình quân hằng năm trên 400 triệu đồng, ít ai biết rằng, bước đường lập nghiệp của anh Nguyễn Văn Kiên, Bí thư Đoàn xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) là cả một câu chuyện dài.

Nguyễn Văn Kiên

Xuất thân từ gia đình buôn bán, bản thân chưa từng tham gia sản xuất nông nghiệp, năm 2007 do việc buôn bán của gia đình không mấy thuận lợi, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn, anh luôn trăn trở “làm gì để thoát nghèo”? “Trong những lần được Tỉnh Đoàn và Thành Đoàn Buôn Ma Thuột cử đi tham quan học tập kinh nghiệm ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, tôi có cơ hội được tìm hiểu các mô hình phát triển kinh tế giỏi, gặp gỡ nhiều thanh niên giàu ý chí, nghị lực, có khát vọng làm giàu chính đáng, học hỏi được nhiều kinh nghiệm, cách làm hay, từ đó, tôi đã nảy ra ý định và quyết tâm thực hiện mô hình kinh tế trang trại” - anh Kiên chia sẻ.

“Vạn sự khởi đầu nan”, bắt tay vào thực hiện mô hình trồng trọt và chăn nuôi, anh Kiên đã gặp không ít khó khăn: thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, kinh tế gia đình đang gặp khó khăn... Nhưng, bằng ý chí, nghị lực, tinh thần quyết tâm của một cán bộ Đoàn, anh đã không nản chí, anh mạnh dạn vay số tiền 300 triệu đồng từ Ngân hàng Thương mại và 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để đầu tư thực hiện mô hình “chăn nuôi heo, trồng rau sạch và chanh dây làm nguyên liệu”. Vượt qua nhiều khó khăn, trải qua không ít thất bại, anh đã thực hiện thành công mô hình kinh tế của mình. Năm 2010 doanh thu từ mô hình trang trại mang lại cho anh số tiền 3,2 tỷ đồng, trừ chi phí đầu tư, lãi đạt 460 triệu đồng.

Chia sẻ về những kinh nghiệm, anh Kiên cho biết “Làm gì cũng phải nghiên cứu kỹ, phải thật sự kiên trì, chịu khó và tích cực đọc sách báo, nghiên cứu tài liệu, nắm bắt thông tin để tìm đầu ra hợp lý cho một số sản phẩm”… Hiện tại, mặc dù tất bật với công việc làm ăn, nhưng chất lửa, lòng nhiệt huyết với công tác Đoàn vẫn luôn rực cháy trong người thủ lĩnh thanh niên này. Từ thành công của bản thân, anh đã tích cực hướng dẫn, giúp đỡ và chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều đoàn viên thanh niên trong xã cùng vượt khó làm giàu. Bản thân anh đã nhiều lần được Thành đoàn Buôn Ma Thuột khen thưởng về thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi.

Làm ăn kinh tế giỏi, tích cực tham gia công tác Đoàn

Là Bí thư Đoàn phường Khánh Xuân (TP. Buôn Ma Thuột), anh Nguyễn Viết Nam không chỉ là một thủ lĩnh thanh niên tiêu biểu đã từng được Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn biểu dương, khen thưởng, mà còn là một trong những điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Hiện anh đang sở hữu trang trại trồng trọt, chăn nuôi gồm: 0,6 ha cà phê, 0,4 ha đất canh tác, 140 con dê và 12 con bò, thu nhập bình quân hằng năm gần 150 triệu đồng; giải quyết việc làm thường xuyên cho 4 lao động và 10 lao động thời vụ.

Chia sẻ bí quyết thành công trong chăn nuôi, anh Nam cho biết: “Để phát triển chăn nuôi thành công thì từ cách làm chuồng trại, quy trình chăm sóc, chọn giống, phòng bệnh đến chọn thời điểm chăn nuôi phải phù hợp với thị trường tiêu thụ mới cho hiệu quả kinh tế cao”.

Trồng cây gì, nuôi con gì cũng cần phải có vốn và kỹ thuật

Ở tuổi 28, trong khi nhiều bạn bè cùng trang lứa đang lững chững với những bước đi đầu tiên trên bước đường lập nghiệp thì anh Trần Đình Hiến, trú tại xã Ea Kpam (Cư M’gar) đã là chủ của một trang trại chăn nuôi, trồng trọt, với mức thu nhập bình quân hằng năm 230 triệu đồng.

Ấp ủ ước mơ sẽ có một trang trại cho riêng mình, rồi biến nó thành hiện thực, với anh Trần Đình Hiến là những chuỗi ngày nỗ lực không ngừng. Với số vốn vay ban đầu từ Ngân hành Chính sách quá ít so với nhu cầu, anh đã quyết định vay mượn thêm từ bạn bè, người thân để mở rộng sản xuất; đồng thời tích cực nghiên cứu sách báo, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao mô hình khoa học và mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Vượt qua những khó khăn về nguồn vốn, kỹ thuật, không nản chí trước khó khăn, anh đã thành công với mô hình của mình. Từ thành công đó, bài học mà anh rút ra được chính là “Trồng cây gì, nuôi con gì cũng cần có vốn và kỹ thuật”.

Không chỉ lo làm giàu cho bản thân, Trần Đình Hiến còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động Đoàn - Hội tại địa phương. Anh là một trong những điển hình tiên tiến về thực hiện Cuộc vận động “Tuổi trẻ Dak Lak học tập và làm theo lời Bác” của xã Ea Kpam.

Nguyễn Thị Linh


Ý kiến bạn đọc