Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng hạ tầng giao thông tạo động lực cho sự phát triển

09:15, 13/04/2012

“Để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng thì kết cấu hạ tầng giao thông phải được đầu tư một cách đồng bộ và có sự đột phá, bởi đây là động lực hết sức quan trọng kết nối Dak Lak với các vùng kinh tế khác”. Đó là khẳng định của Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng tại buổi làm việc với UBND tỉnh ngày 10-4 vừa qua.

Xây dựng cầu Dak Ruê (xã Ea Bung – Ea Súp) thuộc quốc lộ 29.
Xây dựng cầu Dak Ruê (xã Ea Bung – Ea Súp) thuộc quốc lộ 29.

 

Hiện nay, mạng lưới giao thông đường bộ Dak Lak đã được định hình với tổng chiều dài 7.581 km, trong đó có 5 tuyến quốc lộ (14, 14C, 26, 27 và 29), 14 tuyến tỉnh lộ dài 460km, đường huyện 71 tuyến dài 956km, đường xã 760 tuyến dài 2.393km. Trong đó, các tuyến quốc lộ (QL) phần lớn đã được nhựa hóa, tạo sự giao thương, kết nối giữa Dak Lak với các tỉnh bạn: QL 14 đi Gia Lai, Dak Nông, QL 26 đi Khánh Hòa, QL 27 đi Lâm Đồng, QL 29 đi Phú Yên. Cùng với đó, các tuyến đường chiến lược 14C, đường Hồ Chí Minh, đường Đông Trường Sơn sẽ nối liền Tây Nguyên với các vùng kinh tế Đông Nam Bộ, duyên hải miền Trung và nước bạn Campuchia.

Tuyến đường liên tỉnh Dak Lak - Phú Yên mới được nâng cấp lên thành QL 29 vào năm 2011, là tuyến giao thông quốc gia ra đời mới nhất qua Dak Lak nhưng có ý nghĩa rất quan trọng. Nó bắt đầu từ cảng biển Vũng Rô (Phú Yên) thông đến cửa khẩu quốc gia Dak Ruê (Dak Lak), đồng thời,  nối với cửa khẩu Chi Miết (tỉnh Mondunkiri, Campuchia) và đường xuyên Á qua Lào. Với địa phương, QL 29 sau khi hoàn thành sẽ là cầu nối tăng cường giao thương hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thế mạnh giữa 2 tỉnh Dak Lak – Phú Yên và các tỉnh khu vực ven biển miền Trung như cà phê, tiêu, cao su, lâm, thủy sản. Còn đối với quốc gia, tuyến đường này, cùng với quốc lộ 14C sẽ góp phần ổn định an ninh quốc phòng dọc tuyến biên giới và tạo sức bật mới cho sự phát triển kinh tế, ngoại thương của tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng Tây Nguyên, trong đó Dak Lak là trung tâm, là một trong năm vùng kinh tế trọng điểm, vùng nông nghiệp hàng hóa lớn, nếu hạ tầng giao thông được hoàn chỉnh sẽ giúp kết nối tốt hơn giữa Tây nguyên với Nam Trung bộ, Đông Nam bộ và sẽ là động lực phát triển vùng. Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống giao thông trên địa bàn Dak Lak vẫn còn có những bất cập, hạn chế, đó là nhiều tuyến đường đã xuống cấp hoặc đầu tư xây mới do thiếu vốn. Đặc biệt từ năm 2011 đến nay, do phải kềm chế lạm phát nên một số dự án hạ tầng bị đình hoãn, dở dang chờ vốn, cụ thể, tỉnh đang thực hiện 92 dự án giao thông với tổng mức đầu tư hơn 2.346 tỷ đồng, nhưng mới chỉ bố trí được hơn 1.000 tỷ đồng. Chia sẻ những khó khăn với Dak Lak, Bộ trưởng chỉ đạo, trong lúc Trung ương đang khó về vốn, địa phương nên nghiên cứu kêu gọi đầu tư hạ tầng giao thông bằng hình thức BOT, BT, đồng thời nhấn mạnh, Bộ cũng sẽ báo cáo Chính phủ ưu tiên những hạng mục đầu tư mang tính cấp thiết trên địa bàn tỉnh như xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn qua Buôn Ma Thuột, hệ thống cầu và nền đường QL14C để bố trí vốn tập trung hoàn thành từ nay đến năm 2014.

Ông Lê Xuân Biểu, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cũng khẳng định, trước tình hình khó khăn hiện nay, ngành sẽ không đầu tư một cách dàn trải mà chỉ tập trung vào những danh mục công trình dự án cấp bách; quản lý chặt chẽ và phân bổ hợp lý nguồn vốn đầu tư cho xây dựng, nâng cấp hạ tầng giao thông; tranh thủ sự hỗ trợ từ Trung ương và các nguồn vốn viện trợ, đầu tư từ nước ngoài. Tuy nhiên, cũng cần sự phối hợp của toàn xã hội trong việc sử dụng, bảo vệ các tuyến giao thông trong tỉnh để kết cấu hạ tầng giao thông ngày càng tốt, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng và phục vụ đời sống dân sinh.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc