Multimedia Đọc Báo in

Cây ngô biến đổi gen: Triển vọng và những vấn đề cần quan tâm

08:20, 14/05/2012

Mới đây, Bộ NN-PTNT thông báo kết quả khảo nghiệm một số giống ngô biến đổi gen (BĐG) tại 4 vùng sinh thái trong nước, bước đầu cho thấy những tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, đây vừa là cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết đối với nền nông nghiệp Việt Nam, trong đó có Dak Lak.

Cơ hội mới

Ngô BĐG bắt đầu được khảo nghiệm diện hẹp từ giữa năm 2010 tại Văn Giang (Hưng Yên) và Tân Thành (Bà Rịa – Vũng Tàu), đến năm 2011 tiếp tục được khảo nghiệm trên diện rộng tại các tỉnh Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Dak Lak, Sơn La và Bà Rịa – Vũng Tàu. Các giống ngô BĐG được đưa vào khảo nghiệm gồm: event TC1507 của Công ty TNHH Pioneer Hi – Bred Việt Nam; MON89034 và NK603 của Công ty TNHH Dekalb Việt Nam; BT11 và GA21 của Công ty TNHH Sygenta Việt Nam. Đối với Dak Lak kết quả khảo nghiệm trồng ngô BĐG đã cho kết quả tốt, năng suất, chất lượng và độ kháng sâu đục thân hơn hẳn giống ngô được trồng đối chứng trong cùng một điều kiện.

Nông dân các tỉnh Tây Nguyên tham quan vườn ngô BĐG được trồng khảo nghiệm  tại Viện KHKTNLN Tây Nguyên.
Nông dân các tỉnh Tây Nguyên tham quan vườn ngô BĐG được trồng khảo nghiệm tại Viện KHKTNLN Tây Nguyên.

Tại Hội thảo đầu bờ về nâng cao nhận thức cộng đồng về cây ngô BĐG do Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (KHKTNLN) và Công ty TNHH Dekalb Việt Nam tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột hồi tháng 8 - 2011, ông Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện KHKTNLN Tây Nguyên cho biết: đây là lần đầu tiên Dak Lak trồng khảo nghiệm giống ngô BĐG và đã đem lại kết quả rất khả quan, năng suất vượt trội so với cây ngô truyền thống, đặc biệt là khả năng kháng sâu đục thân và thuốc trừ cỏ rất tốt. Hiện toàn tỉnh có khoảng 140.000 ha ngô, năng suất bình quân đạt khoảng trên 5 tấn/ha; tuy nhiên trong vài năm trở lại đây diện tích, năng suất ngô có phần giảm do bị ảnh hưởng của thời tiết và sâu bệnh. Theo đó, việc đưa cây ngô BĐG vào trồng sẽ khắc phục được những hạn chế trên, đồng thời giảm được chi phí đầu tư mà sản lượng thu về lại cao gấp đôi. Mặt khác, giá bán sản phẩm ngô BĐG cao hơn so với giống cây ngô đang trồng, do vậy hiệu quả kinh tế cũng cao hơn. Theo các chuyên gia kinh tế, chi phí trung bình để sản xuất cây trồng BĐG nói chung trên thế giới bằng khoảng 30% tổng lợi nhuận, trong đó con số này ở nhóm nước đang phát triển là 18% và nhóm nước phát triển là 39%. Ở Việt Nam, nếu ứng dụng cây trồng BĐG có thể tăng gấp 3 sản lượng nông sản so với phương pháp truyền thống. Như vậy, việc ứng dụng ngô BĐG trong sản xuất nông nghiệp sẽ tạo bước đột phá mới giúp Dak Lak giải quyết bài toán an ninh lương thực. Những lợi ích và mặt tích cực của cây trồng BĐG sẽ sớm được khẳng định bởi tính ưu việt trong kháng sâu bệnh, cùng hiệu quả về kinh tế, bảo vệ môi trường của nó.

Hiện trên thế giới, ngô, bông, đậu tương là 3 loại cây trồng BĐG được trồng nhiều nhất, và đến nay chưa có một chứng minh có cơ sở nào cho thấy các loại cây BĐG này gây ảnh hưởng đến đa dạng sinh học của môi trường.

Vẫn phải thận trọng

Công nghệ BĐG đã mang lại những thành tựu to lớn trong sản xuất nông nghiệp, với hơn 30% ngô và 70 - 80% đậu tương đang sử dụng trên thế giới là cây BĐG; đã có 29 nước trồng cây BĐG với tổng diện tích 160 triệu ha. Các chuyên gia khoa học đều công nhận: việc ứng dụng cây ngô BĐG là cơ hội cho nông nghiệp phát triển. Tuy nhiên, các kết quả khảo nghiệm ở nước ta bước đầu tuy có triển vọng, nhưng các nhà khoa học cảnh báo: vẫn phải thận trọng để không gây hậu quả nghiêm trọng về lâu dài cho nông dân. Nhiều nhà khoa học đề nghị cần có thêm thông tin về những giống ngô BĐG ở các nước khác và tiếp tục khảo nghiệm đánh giá những ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật trong vùng dịch tễ của ngô BĐG. Bên cạnh đó, cần phải tính đến những khó khăn khi phát triển cây ngô BĐG - đó là trình độ sản xuất của nông dân còn hạn chế, tâm lý lo lắng của người tiêu dùng từ các sản phẩm BĐG…

Đánh giá kết quả khảo nghiệm các giống ngô BĐG, Bộ NN-PTNT nhận định: các đơn vị khảo nghiệm và Hội đồng an toàn sinh học đã bám sát quy chế khảo nghiệm cây trồng BĐG của Bộ và Nghị định 69/2010/NĐ-CP của Chính phủ về An toàn sinh học. Vì vậy, việc trồng khảo nghiệm tiếp là hoàn toàn cần thiết nếu chúng ta chưa yên tâm. Hội đồng an toàn sinh học của Bộ sẽ xem xét, có thể tháng 6 tới sẽ tổ chức họp để đưa ra khuyến cáo công nhận hay không công nhận ngô BĐG, hoặc tiếp tục làm thêm khảo nghiệm. Tiếp đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiến hành kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của ngô BĐG đối với môi trường sinh thái, nếu đồng ý cấp giấy phép an toàn sinh học cho cây ngô BĐG, Bộ NN-PTNT sẽ thực hiện tiếp các bước như đánh giá năng suất, về an toàn thực phẩm cho người, thức ăn cho vật nuôi... Qua được hết những công đoạn này, người nông dân mới được tiếp cận với cây trồng BĐG một cách rộng rãi. Được biết, lộ trình phát triển cây trồng BĐG ở Việt Nam được chia làm 3 giai đoạn: từ năm 2006-2010: thử nghiệm một số giống trên đồng ruộng; từ 2010-2015: đưa một số giống cây vào sản xuất; đến 2020  sẽ nâng diện tích trồng một số cây BĐG (ngô, bông, đậu tương) đạt từ 30% đến 50%.
 

Sinh vật BĐG (Theo định nghĩa của Nghị định Cartagena) là sinh vật mà vật liệu di truyền của nó được biến đổi theo ý muốn chủ quan của con người, nó mang một tổ hợp nguyên liệu di truyền mới tạo ra nhờ sử dụng các kỹ thuật phân tử để đưa gen mới vào bộ gen của sinh vật, tạo ra một dạng chưa hề tồn tại trong tự nhiên. Thuật ngữ quốc tế gọi là GMO (Genetically Modified Organism). Sinh vật GMO trong cây trồng gọi là cây trồng biến đổi gen (GMC). Thực phẩm được tạo ra từ các sinh vật biến đổi gen hay có chứa thành tố của chúng được gọi là thực phẩm biến đổi gen.

Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.