Multimedia Đọc Báo in

Chống thất thu thuế trong kinh doanh cà phê ở Cư M’gar: cần tuyên truyền ý thức tự giác của các đối tượng nộp thuế

10:32, 11/05/2012

Kết thúc quý I-2012, Chi cục Thuế Cư M’gar là một trong những đơn vị có kết quả thu đạt cao trong toàn ngành thuế (gần 38% dự toán năm), trong đó chủ yếu là thuế giá trị gia tăng của mặt hàng cà phê, nông sản chiếm khoảng 90% số thu toàn địa bàn.

Mua bán cà phê tại Hộ kinh doanh Thanh Tùng (thôn 1, xã Ea Kpam, Cư M’gar) – một trong những điển hình chấp hành tốt luật thuế trên địa bàn.
Mua bán cà phê tại hộ kinh doanh Thanh Tùng (thôn 1, xã Ea Kpam, Cư M’gar) – một trong những điển hình chấp hành tốt luật thuế trên địa bàn.

Đó là nhờ đơn vị đã chú trọng đúng mức đến công tác chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh cà phê thông qua các biện pháp vận động, thuyết phục và xử lý. Trước tiên, trên cơ sở kiểm tra hồ sơ khai thuế của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh (gọi chung là người nộp thuế) nếu phát hiện số liệu kê khai không phản ánh đúng thực tiễn kinh doanh hoặc tỷ lệ thu nhập chịu thuế/doanh thu nhỏ hơn 0,3% (ngưỡng tối thiểu để đánh giá mức độ chấp hành pháp luật thuế của người nộp thuế theo Đề án chống thất thu đang được ngành thuế triển khai) thì yêu cầu người nộp thuế phải giải trình bổ sung. Trường hợp người nộp thuế không giải trình được hoặc giải trình không phù hợp thì Chi cục thuế sẽ tiến hành kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế hoặc đề xuất Cục thuế tiến hành thanh tra. Nhờ đó, số người nộp thuế kinh doanh trong lĩnh vực cà phê kê khai tỷ lệ thu nhập chịu thuế/doanh thu nhỏ hơn 0,3% giảm đáng kể. Theo số liệu tổng hợp của Cục thuế: trong năm 2011, Cư M’gar có gần 85% doanh nghiệp, hộ kinh doanh cà phê đạt tỷ lệ thu nhập chịu thuế/doanh thu từ 0,3% trở lên, dẫn đầu toàn ngành về tỷ lệ này. Bên cạnh vận động người nộp thuế tự giác chấp hành pháp luật thuế, Chi cục thuế Cư M’gar cũng đã đẩy mạnh việc kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm; phối hợp với các lực lượng liên quan tăng cường kiểm soát cà phê trên khâu lưu thông liên tục 24/24 giờ. Khi phát hiện trường hợp vận chuyển cà phê ra khỏi địa bàn mà không có hóa đơn, chứng từ theo quy định thì Chi cục thuế sẽ đề nghị lực lượng cảnh sát giao thông huyện can thiệp, yêu cầu dừng phương tiện để kiểm tra. Chỉ tính riêng từ cuối tháng 11-2011 đến đầu tháng 2-2012, Chi cục đã phối hợp với các lực lượng liên quan kiểm tra hơn 500 lượt xe có vận chuyển cà phê ra khỏi địa bàn huyện, qua đó đã xử phạt hành chính hơn 4 triệu đồng và đề nghị xuất hóa đơn kê khai thuế trên 80 triệu đồng đối với 2 trường hợp.

Mặc dù kết quả chống thất thu thuế đối với lĩnh vực kinh doanh cà phê tại Chi cục thuế Cư M’gar đạt cao, nhưng có thể khẳng định rằng vẫn chưa ngăn chặn hết các trường hợp trốn lậu thuế. Hiện tại, tình trạng xuất hóa đơn nhưng không ghi ngày, tháng hoặc mang cả cuốn hóa đơn theo xe chở hàng, khi gặp lực lượng chức năng kiểm tra mới điền đầy đủ các thông số trên hóa đơn vẫn còn xảy ra. Trong trường hợp này, nếu không bị kiểm tra, chủ hàng sẽ sử dụng tờ hóa đơn đó cho các chuyến hàng tiếp theo. Theo giá cà phê hiện hành, bình quân mỗi xe chở khoảng 20 tấn cà phê nhân không xuất hóa đơn thì Nhà nước thất thu chừng 40 triệu đồng tiền thuế (thuế GTGT mặt hàng cà phê là 5%), chưa kể thuế thu nhập doanh nghiệp (đối với doanh nghiệp), thuế thu nhập cá nhân (đối với hộ kinh doanh cá thể). Ngoài ra, cũng còn không ít trường hợp nhằm trốn tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng, người nộp thuế thường vận chuyển hàng hóa vào ban đêm, các ngày nghỉ lễ. Như vậy cho thấy, nếu việc chống thất thu trên khâu lưu thông chỉ dừng lại ở việc cán bộ thuế phát hiện phương tiện có dấu hiệu vận chuyển cà phê không có hóa đơn, chứng từ rồi đề nghị lực lượng cảnh sát giao thông của huyện hỗ trợ thì chất lượng công việc khó đạt cao do các bên không chủ động, có khi hai bên chưa kịp phối hợp thì phương tiện đã di chuyển ra khỏi địa bàn.

Lê Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.