Multimedia Đọc Báo in

Nhu cầu vốn tái canh cà phê - nhìn từ Công ty Cà phê Ea Pôk

08:19, 14/05/2012

Công ty Cà phê Ea Pôk (Cư M’gar) đang sản xuất cà phê theo quy trình UTZ Certifide, mỗi năm cung cấp trên 1.000 tấn cà phê nhân có chứng nhận ra thị trường và trên 2.000 tấn cà phê nhân xô được thu mua trong nông dân.

Tuy nhiên, hiện nay Công ty Cà phê Ea Pôk mới chỉ sử dụng 550 ha trong tổng số diện tích trên 800 ha đất sản xuất. Trong số 730 công nhân có trình độ kỹ thuật, đáp ứng tốt các yêu cầu trong sản xuất cà phê, nhiều công nhân phải chuyển sang các công việc khác. Lý do là nhiều diện tích cà phê đã già cỗi buộc phải chặt bỏ, để tái canh. Ngoài yếu tố kỹ thuật, đất trồng cà phê cần có thời gian nghỉ ngơi để có thể trồng lại cà phê, thì một trong những lý do để gần 300 ha đất vẫn đang trong thời gian nghỉ ngơi là công ty đang thiếu nguồn vốn để thực hiện tái canh.

Theo ông Trần Cư, Giám đốc Công ty Cà phê Ea Pôk cho biết, để trồng lại 1 ha cà phê cần nguồn vốn đầu tư ban đầu  trên 100 triệu đồng. Chưa tính những diện tích đã chặt bỏ đang chờ trồng lại, phần lớn trong số gần 550 ha đang cho thu hoạch cũng đang vào giai đoạn già cỗi bắt đầu cần được tái canh trong vòng 5 năm tới, riêng nhu cầu vốn đầu tư đã lên đến trên 60 tỷ đồng. Bằng nguồn vốn tự có, công ty chỉ có thể chủ động được 50% cho việc này, 50% phải trông chờ vào nguồn vốn vay ngân hàng và những khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, việc vay vốn với lãi suất cao là một trong những lý do công ty chưa thể đẩy nhanh việc tái canh cà phê.

Việc thực hiện tái canh cà phê đã được Công ty Cà phê Ea Pôk tiến hành từ nhiều năm nay. Đến nay công ty đã thực hiện tái canh thành công 94 ha, dự kiến trong năm nay sẽ tiếp tục thực hiện tái canh 16 ha, chủ yếu bằng nguồn vốn tự có.  Có thể nói, cho đến nay Công ty Cà phê Ea Pôk là một trong những đơn vị thực hiện hiệu quả việc tái canh cà phê, song với khoảng 100 ha đã và đang được trồng lại cũng chỉ mới chiếm 1 phần nhỏ so với nhu cầu. Để thực hiện tái canh dần và tái canh toàn bộ diện tích trong vòng 5 năm tới, ngoài sự chủ động của mình, doanh nghiệp vẫn đang trông chờ vào các chính sách tín dụng phù hợp từ phía nhà nước.

Minh Trang


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.