Multimedia Đọc Báo in

Phục hồi nhanh đàn heo sau dịch tai xanh

14:02, 09/05/2012

Cuối năm 2011, đàn heo của trang trại chị Võ Thị Thủy (tổ dân phố 5, phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) bị bệnh tai xanh chết dần, tính ra mất trên 200 triệu đồng. Vợ chồng chị chở heo đi tiêu hủy mà không cầm được nước mắt.

                  Chị Thủy đang tắm cho heo.
Chị Thủy đang tắm cho heo.

Buồn đấy nhưng chẳng lẽ bó tay, “thua keo này bày keo khác”, chị bàn với chồng tiếp tục nuôi heo. Theo sự hướng dẫn của Hội Nông dân phường, chị đã làm vệ sinh chuồng trại bằng nước sôi và thuốc tẩy, sau đó quét vôi sát trùng sạch sẽ rồi mua heo về nuôi. Do được chăm sóc đúng kỹ thuật nên heo mau lớn. Tháng 3-2012, chị đã bán một lứa heo thu gần 60 triệu đồng. Hiện nay trang trại của chị có 9 heo nái, 40 heo lứa và 7 heo con. Hằng ngày chị chịu khó đi xin nước cơm thừa về trộn với cám ngô nấu chín cho heo ăn. Vì vậy heo mau lớn và mạnh khỏe. Cuối quý II này chị sẽ xuất tiếp một lứa nữa.

Chị Thủy bắt đầu nuôi heo từ năm 2007. Lúc đầu chị nuôi một heo nái. Heo mẹ đẻ ra, chị nuôi hết heo con chứ không bán heo giống. Chị gây đàn heo nái cho đến năm 2011 có 12 con. Heo con lớn đến đâu chị xuất đến đó. Tính sơ bộ mỗi năm thu lãi trên 200 triệu đồng. Nhờ đó cuộc sống gia đình chị trước đây rất khó khăn nay đã ổn định. Các con của anh chị có điều kiện học hành đến nơi đến chốn. Năm ngoái chị đã chi hơn 100 triệu đồng sửa lại nhà khang trang, sạch đẹp. Tiền bán lứa heo đầu năm 2012 chị mua bộ bàn ghế trị giá 50 triệu đồng. Phương tiện đi lại và phương tiện làm ăn gia đình chị đã sắm sửa đầy đủ.

Trong thời gian tới chị Thủy dự định mở rộng diện tích chuồng trại để nuôi nhiều heo hơn. Tuy nhiên khó khăn hiện nay là đất của gia đình không đủ để mở rộng nên chị mong được thuê đất lâu dài, ổn định để yên tâm đầu tư phát triển chăn nuôi.

Thanh Linh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.