Multimedia Đọc Báo in

Triển khai đề án cơ giới hóa giảm tổn thất sau thu hoạch trong nông nghiệp đến năm 2020

11:08, 11/06/2012
 Sở NN-PTNT tỉnh Dak Lak đã tổ chức Hội nghị Triển khai đề án cơ giới hóa giảm tổn thất sau thu hoạch trong nông nghiệp đến năm 2020.
Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị
Tình hình nông nghiệp của tỉnh Dak Lak những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực, năng suất, chất lượng nông sản được tăng cao đã góp phần bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên tổn thất sau thu hoạch còn lớn. Từ thực tế đó, đề án đã đặt ra những mục tiêu và yêu cầu thiết thực, nhằm khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân ứng dụng cơ giới hóa để hạn chế tối đa tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập. Cụ thể: đối với cây lương thực là lúa, ngô, cần tập trung vào các khâu có mức tổn thất lớn như phơi sấy sau thu hoạch, cần tăng tỷ lệ cơ giới hóa kết hợp với  ứng dụng các kỹ thuật bảo quản tiên tiến; nghiên cứu và đưa vào sản xuất các giống lúa, ngô mới có năng suất, chất lượng cao… phấn đấu giảm tổn thất sản xuất từ 13- 15% hiện nay xuống còn 2- 5% vào năm 2020. Với cây cà phê và hồ tiêu, thì vận động bà con không thu hái xanh, đầu tư sân phơi, hệ thống máy sấy đúng kỹ thuật; khuyến khích việc áp dụng phương pháp chế biến cà phê ướt nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, giảm tổn thất  xuống 2- 5% năm 2020. Riêng cây cao su, tập trung vào việc cơ giới hóa khâu cạo mủ để giảm thiểu công lao động, hạn chế bệnh lở miệng cạo, góp phần làm giảm tổn thất sản xuất từ 5- 7% hiện nay xuống còn dưới 2% năm 2020.
Thông qua đề án trên,  UBND các huyện, thị xã và thành phố cần tập trung chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp xã trực thuộc xác nhận các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được vay vốn để mua máy móc, thiết bị đầu tư phát triển sản xuất. Các đối tượng trên sẽ được hỗ trợ vay vốn tín dụng với mức 100% giá trị hàng hóa, hỗ trợ 100% lãi suất trong vòng 2 năm đầu; từ năm thứ 3 trở đi hỗ trợ 50% lãi suất vốn vay. Thời gian thực hiện đề án từ nay đến hết năm 2020, nhưng trước mắt, kinh phí thực hiện đến năm 2015 sẽ được đầu tư 8.710 triệu đồng (trích từ nguồn ngân sách tỉnh) để triển khai xây dựng các mô hình (mô hình dạng tổ hợp bóc tẻ ngô, sấy nông sản và mô hình dịch vụ máy gặt đập liên hợp); chi phí đào tạo, tập huấn, tuyên truyền chuyển giao công nghệ; hỗ trợ lãi suất vay để ứng dụng cơ giới hóa...
 
Lê Thành

Ý kiến bạn đọc